Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Năm, 3 tháng 4, 2014

THOẢNG HƯƠNG NGÀY CŨ-Trịnh Công Tùng




Quý vị nhị sầu quý mến. 

Tôi mong tránh sự hiểu lầm nên xin thưa cùng quý vị ít lời. Những điều thầm kín, riêng tư chẳng giống ai, mà cũng chẳng vinh dự gì; nên tôi vẫn giữ riêng để lúc buồn buồn thì nhìn gương mà thẹn. Hơn mười năm trước tôi rơi vào hoàn cảnh:

Ngày con đi bố buồn sâu đáy mắt 

Lúc con về mồ bố cỏ rờn xanh

(Đăng ký tại toà – TCT)

Tôi thành đứa con côi từ sau ngày ấy. Tôi mất bố - người bố xem con cái hơn cả sinh mạng cuả riêng ông - mất người hướng dẫn. Tôi lạc đường nay thêm lạc nẻo. Không còn ai để tham khảo những lúc cần đối đầu với những gian dối ở đời. Tôi chỉ còn biết trông cậy vào trí nhớ ngày mỗi mỏi mòn cuả tôi. Bạn bè cách trở xa xôi, tôi lại ngại và nghi ngờ về tính tình cuả tôi. Sợ mình nhỡ vô tình, quá đà xúc phạm hay gây phiền phức cho những gì ít oi còn lưu lại mà mình trân quý. Nhỡ mất đi rồi lấy gì thay thế, tôi đâu còn trẻ trung gì nữa mà mong làm lại từ đầu. 

Mất bố, mất nơi nương tựa tâm hồn. Tự xét mình thấy rõ mình còn rất vụng về trong cách xử thế, tôi ngại ngùng trong mọi giao tiếp. Các bạn không biết tình bạn đã giúp đỡ tôi những gì trong những lúc tôi khủng hoảng đâu! Bơ vơ lạc lỏng, ngờ nghệch, ngu ngơ ở xứ lạ, không trang bị đủ kiến thức, tôi được ngày hôm nay là hoàn toàn nhờ vào bạn bè. Cũng có hoàn cảnh trớ trêu như khi tiến sĩ công chánh Nguyễn xx Phùng lúc làm xếp tôi phán rằng ông ấy tin người Mỹ hơn tin tôi. Tôi nghẹn ngào bảo ông là ông toàn quyền hành xử trong quyền hạn cuả ông và tôi chỉ là một thằng mọi vàng trên xứ này thôi, không có gì quan trọng. Tôi trở nên trân quý những ngày xưa thân ái nhiều hơn. Nếu ai đã từng đi từ phía nam ra phía bắc qua đèo Cả thì biết đoạn đường từ chân đèo Cổ Mã đến cầu Bàn Thạch. Nơi tôi đã chứng kiến bao đau thương cuả chiến tranh. Đã uống những giọt nước mắt quê nghèo, đã rung động từng tế bào nhỏ trong người khi nghe tiếng ầu ơ lẫn tiếng võng ru con. Nếu bạn đi bộ trên đoạn đường này thì xin hiểu cho rằng mỗi bước đường tôi đều có một kỷ niệm, đã nhận một điều dạy dỗ nhẹ nhàng từ bố tôi. Những ngày thời tiểu học trường làng phải đi bộ 5 cây số đến trường thấy mình may mắn hơn nhiều đứa cùng trang lứa. Những ngày trọ học thời trung học thèm thuồng nhìn người thành thị sao mà họ lịch sự, văn hoa thế? 
Rồi những ngày hăng say biểu tình đòi chính nghiã cho anh bạn Hà Trấp thời nhị cấp. Những dằn vặt, hối hận khôn nguôi khi thằng bạn thân ra đi ở bệnh viện gần trường SPQN mà tôi nào biết để vuốt mắt nó lần cuối. Giờ nó nằm ở lô D33 trong nghiã trang phật giáo, Phú Vang, Tuy Hoà, gần quê cuả nó. Ai đã nỡ đục bỏ ảnh nó trên mộ bia? Thằng này đã cùng tôi bao lần trộm chuối, bắt cá, hái hoa ngọc lan trộm ở chùa hay hái trộm rau trái nhà người. Rất có thể nó thương tôi nên đền tội cho cả hai đưá một mình. Thời sư phạm với những lần qua eo nín thở, những ngày mưa giăng mờ Hải Minh mà lòng buồn vô cớ. Nhớ những ngày xem người ta lưới ruốc bên bờ Ghềnh Ráng, những ly cà phê Moka ngọt đắng tại quán Chiều Tím, những điếu Garfield đầu đời để học đòi mộng mơ. Những cuối tuần lang thang tại công viên xem người ta đánh cờ thế. Những điã bánh bèo 5 đồng một cái trên đường Phan Bội Châu. Thỉnh thoảng tôi vẫn còn cảm thấy vị đậm đà cuả bánh cuốn đi kèm với đồ chua xinh xinh mà dòn dòn ở quán thầy Bồn. Thầy Tôn với đôi kính cận nặng độ và câu bất hũ "Tôi nói sơ qua là anh chị hiểu ngay." Không biết đến giờ có bao nhiêu người hiểu thầy? Thầy Hỷ với những thời kỳ phát triển tâm lý trẻ con. Chuyến đi tập sự khảo sát gần tiểu chủng viện Lòng Sông và cảnh tôn nghiêm hoang vắng cuả nó. Chuyến này ông Phan Văn Thanh khiêng cái cassette vừa đi vừa nghe nhạc. 
(Xin các bạn bịt tai ông Nguyễn Thu Tịnh một phút rồi đọc tiếp.) Ngày xưa có lần ông Thu Tịnh kể câu chuyện "dáo diên dà de dãn dụ dỗ dợ dân dệ, dân dệ dề dận dữ dứt dáo diên dzăng dô dách". Ngày nay, sau gần 40 năm làn giáo viên ông ấy nghĩ sao? Gần bốn mươi năm tôi vẫn nhớ lõm bõm câu chuyện lửa tàn cuả thầy Mẫn, nó là nguồn sinh lực giúp tôi rất nhiều trong kiếp củi một cành khô (lạc mấy giòng). 
Này các bạn, những kỷ niệm ấy đã bao lần giúp tôi vượt qua khổ cảnh nào ai biết, nào ai đếm được. Sau bao năm cô đơn không nơi tâm sự, mà các bạn biết có nhiều điều chúng ta chỉ có thể tâm sự với một đối tượng nhất định nào đó. Tôi đối phó nỗi cô đơn bằng cách nhìn sự việc qua khía cạnh khôi hài bất cứ lúc nào hoàn cảnh cho phép. Thử xem phải tốn bao nhiêu bắp thịt để cau có trong khi chỉ cần hai bắp thịt là ta có một nụ cười tươi như hoa héo, méo cả mồm. Vậy thì tại sao ta lại chọn sự khó khăn - ngoại trừ những người theo lời chúa dạy phải qua khung cửa hẹp, tôi lười nên tôi xin chọn cách dễ nhất. Tôi không yêu nghề mến trẻ lâu dài được không phải là do chọn lựa cá nhân tôi. Hoàn cảnh đẩy đưa, xa các bạn, xa những người tôi có thể ăn tục nói phét mà không e dè nghĩ ngợi. Những ngày vô tư ấy xa quá rồi, tất cả chúng ta đang bắt đầu hỏi còn bao lâu nữa nhỉ - cho rất nhiều vấn đề. 
Các bạn, tôi rất muốn có mặt cùng họp bạn với các bạn vô cùng. Tôi rất muốn nghe lại ông Đào Văn Tuấn hát “thu hát cho người”, muốn xem ông Huỳnh Ngọc Tượng (Voi) rung rung râu mép hát “chớ hỏi tại sao tim tôi lúc lắc”. Tôi muốn về xem ông Nguyễn Như Tiến có còn chọc cô Nguyễn thị Ánh Tuyết giận nữa hay không? Tôi muốn nghe lại Lệ Thu dáng nhỏ thân gầy “Chững chững mi, chững chững mi”. Tôi muốn nhìn tận mắt ông Huỳnh Kim Thạch mặt mày sáng rỡ khi nói về duyên kiếp lấy nhau vì tình của ông. Những cái nhỏ nhặt thân thương ấy vẫn mãi vấn vương bên cạnh tôi trên mọi giòng đời. Sao mà thân thương thế, gần quá mà cũng xa quá! Tôi muốn nhìn tận mặt các bạn để mừng cho những ai không gặp quá khó khăn trên đường đời và chia xẻ cùng những ai nhiều phiền muộn. Những con thuyền thầy Mẫn tiễn đưa năm 1974 nay lại có dịp gặp nhau sao có con thuyền nhỏ không vượt được thác lớn về bên nhau? Nhưng làm sao được khi một hoàn cảnh cá nhân quá tế nhị tôi đành lỡ con đò duyên. Xin lỗi các bạn vậy. Nếu theo "Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể" thì chúng ta đã là những món đồ cổ dễ vỡ lắm rồi! Đúng là nhị sầu, nhất sầu 74 chia tay, nhị sầu nhìn mặt lần này vắng tôi. 
Nếu đúng như “Em ơi có bao nhiêu? Sáu mươi năm cuộc đời” thì phần lớn chúng ta sắp phải vay trước những ngày tháng của kiếp sau để sống. Thế thì: cố lên toàn thể anh chị em nhị sầu...Chúng ta gần xuống lỗ rồi. Hoan hô đời đã cho ta có nhau. Hoan hô SPQN, hoan hô nhị sầu. Thân ái chào các bạn. Mặt Mốc Thích Lung Tung. Chọn cái nào tùy ý

Hành Trang Gửi Gió 

Chút tâm tình theo gió 
Và Đời Bay Theo Chiều Gió 
Gió Còn Thoang Thoảng Hương Xưa 
Tâm Tình Theo Gió Chưa Vưà Nhớ Thương