Những kỷ niệm
không quên.
Những
ngày chuẩn bị thi tú tài 1 là những ngày gian khổ vì những bạn cùng
lớp của mình mà sinh năm 1954 đều như vậy cả. Lúc bấy giờ, cùng lớp
với mình, sinh năm 1954 thi đậu cũng đi lính mà rớt cũng lính phải đi.
Nhưng dù sao cũng tránh câu “Rớt tú tài anh đi trung sĩ,….”Thế rồi
ngày thi tú tài cũng đến, kết quả cũng đã có, mình không phải đi
trung sĩ và chờ ngày trình diện để đi sĩ quan dự bị.
Được
Chị Hương khóa 9, vừa ra trường chuẩn bi nhận nhiệm sở An Khê - Bình
Định cho biết trường Sư Phạm Quy Nhơn đang nhân hồ sơ thi tuyển, mà nơi
đó là niềm ước mơ của mình từ thưở thiếu thời. Thời gian đó, tuyến
đường bộ Quảng Ngãi – Quy Nhơn vì tình hình chiến sự nên không đi
dược, phải đi bằng đường thủy. Dù khó khăn mình vẫn cố gắng lên
đường vào nộp đơn và rồi ngày thi vào trường cũng đến. Bắt đầu từ
đây mình có những kỷ niệm khó quên :
* Khi thi trắc nghiệm 100 câu, khắc
nghiệt hơn là 2 câu sai sẽ trừ đi 1 câu đúng,. Mình đọc qua một lần,
chỉ tréo được 25 câu, và đọc nhiều lần nũa cũng chỉ chắc chắn dược
40 câu.
Ngày
thi Vấn đáp mình gặp thầy Đặng Tháo (Sau này vào học mình mới nhận
ra) Sau khi đọc bài “Ngu Công phá núi” trong Cổ học tinh hoa và trả
lời câu hỏi liên quan đến bài đọc,
thầy có hỏi tôi những câu hỏi và cuộc đàm thoại tôi nhớ như in :
Thầy : Quê anh ở Quảng Ngãi phải không?
Tôi : Dạ
Thầy : Từ Quảng Ngãi vào Quy Nhơn, anh đi bằng phương tiện gì?
Tôi :
Thưa thầy, Từ Quảng Ngãi vào
đây em đi bằng ghe máy dọc theo bờ biển.
Thầy : Anh có biết Quảng Ngãi quê anh có những đặc sản gì không?
Tôi: Thưa thầy, Quảng Ngãi có những đặc sản : Mạch nha, đường
phèn, đường phổi, kẹo gương, cá bống sông Trà.
Thầy : (suy nghĩ ) Anh còn nhớ món gì nữa không?
Tôi : (Suy nghĩ lâu hơn thầy và) : Thưa thầy còn một món nữa mà em quên đó
là Don Quảng Ngãi mà chỉ Quảng Ngãi mới có.
Thầy cười khẻ và gật đầu.
* Thế rồi trở lại quê chờ kết
quả, vừa mong đợi, vừa hồi hộp. Không thi thì thôi mà đã thi rồi
không biêt kết quả như thế nào đây, mình cũng không hy vọng gì vì mình
chỉ làm được 40/100 câu hỏi trắc nghiệm: được vào trường Sư phạm hay
đi lính đây. Các bạn gần xa đều nghe tin đứa đậu, đứa rớt còn minh
thi bặt vô âm tín vì không có ai là
người bà con ở Quy nhơn cả, trong lúc đó tình hình chiến tranh ngày
càng ác liệt hơn. Mấy ngày sau nhận được điện tín của chi Hương khóa
9 dạy ở An Khê gửi về, mừng vì mình cũng được đi học, lo vì làm sao
làm giấy tờ cho kịp đây. Lo mọi thủ tục xong vội từ giã gia đình vào
Quy Nhơn.
Buổi sáng ngày 02-9-1972, vừa
bước chân lên cảng Quy Nhơn, mình vội vàng đi xe ôm thay vì đi xe
lambretta ba bánh đến trường để nộp hồ sơ. Vừa hỏi thăm và đến chỗ
nộp hồ sơ thì thầy Lưu bảo đã hết hạn nhận hồ sơ rồi. Như tiếng
sét đánh ngang tai, trước mắt mình lúc bấy giờ chỉ toàn là màu đen.
Mình lùi dần, lùi dần mà nước mắt từ đâu chảy ròng ròng trên má, khi đụng phải chiếc ghế tựa dài
dưới bảng tin của trường, mình ngồi phịch xuống và khóc thành tiếng
ngon lành.
Không biết bao lâu sau, mình nghĩ
là lâu lắm, có một người to con nhưng hơi thấp đi vào, nhìn thấy mình
ngồi khóc, ông dừng bước và hỏi : “Sao
anh ngồi đây mà khóc?”. Tôi : “Dạ thưa con từ Quảng Ngãi vào đây nộp
hồ sơ nhưng hết hạn nhận rồi,
con buồn quá ngồi khóc”. Ông lại hỏi tôi: “ Anh ở Quảng Ngãi mà ở quận nào?”. “Dạ thưa con ở quận Mộ Đức”. Ông ngẫm nghĩ và gật đầu
lẩm bẩm một mình : “Ưh, Quận Mộ Đức
đang xãy ra chiến sự.” Rồi ông vừa quay đi vừa vẫy tay : “ Anh theo tôi!”
Ông đi vào phòng nộp hồ sơ , tôi
đi theo nhưng chưa biết theo để làm gi. Ông dừng chân trước ô cửa nộp
hồ sơ nhìn thầy Lưu và nói to: “ Anh
Lưu, anh hãy nhận hồ sơ cho anh
này, vì anh ta đang ở vùng chiến sự xãy ra nên trể nhé!” Thầy Lưu
nhìn ông với nét mặt ngạc nhiên, sững sốt, một lát sau mới gật đầu
: Dạ. Tôi nhìn Ông và nhìn thầy
Lưu mà không biết chuyện gì xãy ra với mình cả. Ông quay lại bảo tôi :
”anh nộp hồ sơ vào đi!”. Tay mình run run, đưa tập hồ sơ cho thầy Lưu mà hết
nhìn Ông lại nhìn thầy Lưu. Và Ông bước thẳng vô phòng của ông. Thầy
Lưu vừa xem hồ sơ vừa hỏi tôi: “ Ông
Hiệu trưởng là gì với anh?” Tôi, từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên
khác : ”Té ra ông là Hiệu trưởng”
. Tôi trả lời : “Thưa thầy, em không
biết đó là thầy Hiệu trưởng và em cũng
mới gặp thầy ở bên ngoài phòng này thôi”. Thầy Lưu nói: “Vậy là anh gặp may rồi đó”. Vì
lúc đó đâu có còn ai nộp hồ sơ nữa .
Thế là mình trở thành một Giáo
sinh sư phạm.
Đã 40 năm qua, bao nhiêu dòng xoáy
của cuộc đời, bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống, những kỷ niệm xưa
trỗi dậy như mới ngày hôm qua thôi.
Cảm ơn thầy, thầy Hiệu trưởng “CỦA
EM”, thầy đã cho em cuộc sống, thầy đã cho em hoàn thành tâm
nguyện làm thầy giáo từ thưở còn thơ.
Suốt đời em không bao giờ quên ơn thầy,
cho đến ngày xuôi tay nhắm mắt. Em kính chúc Thầy mau phục hồi sức
khỏe, và gia dình thầy luôn vui vẻ, hạnh phúc.
Trần
Quốc Dõng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét