Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

CHUYỆN LỚP TÔI



1/LIÊN TOÁN TRƯỞNG LỚP TÔI.
         

Năm nhất, Liên Toán trưởng lớp tôi là Đào Văn Tuấn. Tuấn có dáng người vừa tầm thước. Hơi ốm một tí. Mái tóc hớt cao, chải rẽ, khuôn mặt thông minh. Áo quần nai nịt gọn gàng…
          Tôi thì từ khi học Tiểu học cho đến Trung học chỉ học trường nữ. Nay vào Sư Phạm lần đầu tiên có một lớp trưởng là nam và còn thêm bốn mươi mấy bạn nam ngổi phía sau lưng nữa, do vậy tôi thấy lạ và rất ngại khi phải đối diện bất cứ với một người bạn nam nào. Cho nên tôi cứ thầm lặng mà quan sát.
 Vào đầu mỗi buổi học cả lớp ổn định xong là Tuấn bước vào lớp, không biết do vội hay luống cuống trước các bạn nữ ngồi dãy bàn ghế đầu?? mà lần nào lớp trưởng cũng vấp, khi thì vấp cái cửa, khi thì vấp chân bàn, khi thì đụng phải cái ghế của giáo sư…Mỗi khi vấp, Tuấn giơ tay vuốt mái tóc hay đưa tay gãi gãi sau ót.
          Thú thật lúc đầu nhiều người trong chúng tôi không có thiện cảm mấy với anh lớp trưởng này? Vì khuôn mặt của anh ấy lúc nào cũng nghiêm nghị cộng thêm cái vẻ đạo mạo ra dáng một “ông cụ non” …
          Một hôm, trong một giờ của một môn học nào đó, Tuấn và Tịnh lên thuyết trình. Tịnh run nên nói lắp bắp, thế là Tuấn thuyết trình từ đầu đến cuối thay cho bạn.
          Giờ Hoạt Động Thanh Niên, trong một trò chơi, Hoàng Phượng phải lên điều khiển nhưng hồi đó tính Phượng rất nhát nên đứng trước cả lớp, nước mắt lưng tròng. Thế là để giúp bạn, Tuấn đã lên làm thay để điều khiển trò chơi.
          Trong một lần đi thực tập ở trường Sư Phạm Thực Hành, hôm đó, Hoàng Phượng dạy cả nhóm ngồi dự. Hoàng Phượng bước ra giữa lớp nhìn xuống học sinh, khuôn mặt đỏ bừng, bạn ấy lí nhí:
          -Cô chào các em, hôm nay….
          Nói đến đó, Hoàng Phượng sợ quá òa lên khóc…cả lớp ngồi bên dưới chưa biết phải làm thế nào? thì Tuấn đứng dậy bảo tôi dìu Phượng xuống bên dưới. Còn bạn ấy lên lớp giảng dạy tiếp môn học cho Phượng…
          Qua những việc làm và hành động của Tuấn đối vời bạn bè và đối với lớp…chúng  tôi bắt đầu có chút  thiện cảm với anh liên toán trưởng này.
Tuấn thường ôm kè kè bên mình mấy tập vở, cái vợt bóng bàn và cái mũ. Thì ra sở thích của bạn ấy là chơi bóng bàn. Tuấn mê đánh bóng bàn lắm. Có hôm đánh say sưa, chuông reo lên mới lóc cóc bỏ vợt chạy ào lên lớp. Vừa điểm danh các bạn vừa thở hổn hển…
          Sang năm thứ hai, Đào Văn Tuấn được cử vào trong Ban Điều Hành Giáo Sinh với chức vụ Phó Tổng thư ký Đặc trách Đệ Nhị Niên. Bạn ấy vừa lo công việc cho trường vừa phải lo cho lớp nên càng ngày trông thấy bạn ấy càng gầy nhom.
         
Năm nhị niên, Liên Toán trưởng lớp tôi là Hồ Quang Thanh. Thanh có dáng người cao to. Mái tóc hớt cao, thường hay cười cười…
          Cũng như Đào Văn Tuấn, mỗi khi bước vào lớp thì lại vấp phải cửa lớp, tông phải cái chân bàn của các bạn nữ ngồi ở dãy đầu hay đá cái ghế của giáo sư…Có lẽ luống cuống trước những đôi mắt của các bạn nữ mở to nhìn rất dễ thương như mắt những con nai vàng ngơ ngác ngước nhìn “trời” xanh nên khiến cho chàng tân liên toán trưởng lúng túng chăng???
          Cũng như bạn Tuấn, Thanh nhiệt tình lo lắng cho lớp nhất là trong các đợt thi đua Văn Nghệ, trong các công tác Xã Hội, trong các đợt đi du ngoạn hay trong cuộc đi Cộng Đồng…
          Sau gần 40 năm gặp lại các bạn, tuy thời gian đã làm thay đổi hình hài. Mái tóc bạc đi. Có nhiều nếp nhăn trên khuôn mặt. Đi đứng không còn nhanh nhẹn như xưa…Duy chỉ có nụ cười và tấm lòng dành cho bạn là không thay đổi! Và cho đến bây giờ tôi mới phát hiện vì sao dạo đó đi vào lớp, chân hai bạn cứ phải tông vào bàn ghế…? Không phải các bạn ấy run trước 11 cô giáo sinh xinh đẹp như chúng tôi? Mà vì các bạn ấy đều đi chân kiểu CHARLOT!!!
(TTRen).

2/ CHUYỆN VĂN NGHỆ:
          Năm nhất niên, nhà trường tổ chức một cuộc thi Văn nghệ giữa hai khóa nhất và nhị niên. Cũng như các lớp khác, lớp tôi tập dợt ráo riết. Huỳnh Ngọc Tượng thì tập cho lớp một bài hợp ca Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói. Còn tôi thì chọn các bạn vào bài múa Tiếng Xưa, bốn bạn nữ, bốn bạn nam ra sức tập cho xong bài múa rồi đến tập múa cho đều…
          Ngày thi văn nghệ cũng gần kề, một hôm trong giờ tập...Đình Tín đến bên tôi, chân đi “cà nhắc” và bảo với tôi rằng:
          -R. ơi! Mình bị trặc cái chân không thể tiếp tục múa được!
          -Bây giờ làm sao? Sắp thi đến nơi rồi!
          Thấy tôi nhăn nhó, Tín vội vàng:
          -Không sao đâu R. mình đã nhờ người thay thế!
          -Ai?
          -Huỳnh Văn Triên…
          Không đợi bạn ấy nói hết câu, tôi nói liền:
          -Làm sao bạn ấy múa được…trong khi các bạn kia tập đã xong hết toàn bài rồi.
          Tín phân bua:
          -Mấy hôm nay, ở nội trú mình đã tập cho Triên múa rồi, không tin R. cứ để Triên múa xem thử.
          Triên đứng phía sau lưng Tín nghe thế vội đứng vào hàng ngũ và buổi tập bắt đầu. Sau 1phút ngỡ ngàng rồi Triên múa cũng theo kịp các bạn. Thế là Tín thoát nạn Văn Nghệ.
          Thế rồi, các buổi tập Văn Nghệ tiếp theo, có lẽ nhớ không khí buổi tập? Thích bài hát Tiếng Xưa hay ưa ngắm cô giáo sinh nào đó trong Ban văn Nghệ mà Tín cứ thập thò ngoài phòng tập năn nỉ với Sĩ Tạo Trưởng Ban Văn Nghệ kiêm giữ cửa:
          -Tạo ơi! Cho mình vào xem một chút.
          -Không được! Tạo trả lời.
Rồi chẳng cần Tạo cho hay không, Tín đẩy mạnh cửa lọt vào bên trong, Tạo cũng đành bó tay…
          Thế mà chuyện đó sau gần 40 năm Sĩ Tạo mới kể trong lòng vẫn còn thắc mắc? Còn Tín nghe xong không trả lời? cũng chẳng nói ? Chỉ cười hìhìhì…
(TTRen).


3/ VĂN NGHỆ LỚP:
 Nói thêm về chuyện hội diễn văn nghệ của nhà trường  thì đây là truyền thống hàng năm, mỗi năm nhà trường tổ chức hội diễn 2 đêm mới hết tiết mục 20 lớp . Năm thứ nhất lớp chúng tôi trình làng 2 tiết mục: một là hợp ca “Chờ nhìn quê hương sáng chói”
Hai là  vũ khúc “Tiếng xưa”…Kết quả chả ra làm sao. Không những thế vũ công Hiền Tuấn bị trừ một điểm hạnh kiểm về tội gì các bạn biết không? Chả là trong quá trình tập đêm vũ khúc “Tiếng xưa” khi tập vũ công buộc phải mang guốc mộc. Tập xong, về khuya HT nhà ta vẫn mang guốc “cộp cộp” vào nội trú thì được Anh Nguyễn Dũ quản đốc nội trú tặng cho một điểm hạnh kiểm đau điếng. Thôi thì đành ngậm bồ hòn làm ngọt.và  cũng phôi pha theo thời gian không còn ai nhắc đến văn nghệ, văn gừng gì nữa…
          Đến năm thứ hai, chúng tôi đỉnh đạc là Lớp Nhị 6. Rút kinh nghiệm đợt thi năm nhất niên, chúng tôi tính toán kỹ hơn, Kịch bản quy mô hơn, đội ngũ diễn viên đông hơn, các vai được phân công  phù hợp với khả năng diễn xuất của từng người. Còn các bộ phận sau cánh gà cũng được phân công cụ thể, rõ ràng, đầy trách nhiệm..Thế là vũ khúc MIẾNG TRẦU DUYÊN ra đời. Vì danh dự của lớp, chúng tôi tập luyện ráo riết, có lúc tập chung, cũng có lúc thường xuyên tự tập ở nội trú hoặc từng nhóm, từng cảnh trong vũ khúc. Nói phải cũng nhờ Ông tổ “Bồ hóng” phò trợ  nên “Miếng trầu duyên” chiếm được giải cao nhất trong đợt hội diễn. Vui ơi là vui! Không có ngôn từ nào diễn tả được sự vui mừng, sung sướng và hạnh phúc của lớp chúng tôi.
          Năm thứ hai, lớp chúng tôi được phân công đi nghiên cứu địa phương, trong chương trình giáo dục cộng đồng ở Lộc Ngãi, Phước Thuận huyện Tuy Phước. Trong chương trình có diễn văn nghệ cho bà con địa phương xem. Không nói các bạn cũng hiểu là vũ khúc MTD của lớp tôi cũng không thoát khỏi. Các ban bệ, vũ công copy y chang như lúc hội diễn ở trường. Hoài Thanh phụ trách đạo cụ, trang phục. Trang phục cho diễn viên toàn bộ phải thuê ở ngoài phố. Trừ các trai tráng bưng đèn, còn lại sui, gia cô dâu, chú rể, phụ dâu, phụ rể, họ hàng hai bên đều mặc áo dài the quần trắng và đầu đội khăn đóng theo phong tục đám cưới ngày xưa. Đoàn lớp chúng tôi tập kết tại địa điểm diễn từ chiều, các bạn nữ hầu hết ở tại chỗ, còn các bạn nam thì được Mai Trọng Tài, Nguyễn Công Tình là dân địa phương  dẫn đi ăn bánh bèo ở một nhà làm bánh gần đó. Trời sập tồi sắp đến giờ sân khấu mở màn, kiểm quân lại thấy vắng hai ông phụ rể. Chờ một lúc thì  Thu Tịnh và  Tự Tín lò mò về. Trong lúc đó thì cả đội múa đã áo quần chỉnh tề. Tịnh và Tín không ai bảo ai trong chớp mắt hai cái quần dài đã thoát khỏi thân mình, chưa mặc áo dài vội, hai bạn nhanh chóng lại valy đựng trang phục để lây quần trắng mặc. Nhưng hỡi ơi trong valy chỉ còn vỏn vẹn một cái quần. Anh em nhìn lại thì thấy Tịnh và Tín túm lấy được mỗi người một ống. Trong giây phút lơ là ống quần trong tay Tín  đã vụt mất. Tự Tín la toáng lên:
-         H.Thanh quần của Tín đâu?
H,Thanh bị gọi bất ngờ, quay phắt lại ngơ ngác trông tội nghiệp:
          -  Ủa thiếu quần à! Làm sao bây giờ?
Như nghĩ ra điều gì, H.Thanh nhanh tay lấy một trong hai cái quần của Tịnh và Tín cởi ra  và chạy đi một chút và mang về một quần tây màu sữa trắng đưa cho Tự Tín. Lúc đó, thấy quần là mừng quá! Vội vội vàng vàng mặc vào để lên sân khấu cho kịp diễn. Sau này mới biết đó là quần của một bạn nữ trong lớp nhưng lỡ rồi, thôi nín luôn! Và cũng từ cái đêm đầy kỷ niệm đấy, khi  trở lại hàng ngày đến lớp, từ đó mới có một câu huyền thoại “Chú phụ rể không mặc quần”.
 Mới đó mà đã bốn mươi năm trôi qua, mỗi khi gặp nhau, bên nhau lại nhắc đến, ai cũng phải ôm bụng mà cười.
(Lê Tự Tín).

4/ TRUYỆN CẤM CƯỜI  !
          (Làm gì có lớp nhị 6 khóa 11; vì nói nhị 6 khóa 11 thì lớp nào là nhất 6 khóa 11. Hình như hai lớp là một. Chỉ khác năm, hay là năm 1972-1973 là năm xui xẻo?! Hay là nhị sáu đọc gần như nhị sầu nên nhiều kẻ mê? Theo trí nhớ tồi tàn của riêng tôi thì khóa 11chỉ có một lớp sáu, lớp nghịch hơn quỷ - tui cũng có phần nhưng ngu gì kể.)
          a/ Tôi quên mất là năm nào – nhất hay nhị - ông Thanh Tùng giờ đã thoát vòng tục lụy – xin ông tha thứ) ngồi bên tui. Một hôm ông nổi hứng tâm sự cùng tôi là ông thương cô Tâm Thanh. Tôi hỏi lại là ông có muốn tôi ngỏ lời hộ không? Ông đồng ý! Tôi kêu cô Tâm Thanh:
-Chị Thanh ơi! Chị Thanh.
-Gì vậy T…?
-Thằng Tùng nó nói nó thương chị.
Cô Tâm Thanh không trả lời mà quay lên trên hình như “nguýt” một cái…còn ông Thanh Tùng thì mặt đỏ gay.
Nay tôi tự hỏi, nếu vì lần thất vọng ấy mà ông thoát vòng tục lụy
Thì thật là tội nghiệp!!!
(Trịnh Công Tùng).
b/ Đêm câu chuyện lửa tàn năm ấy, có một nam giáo sinh lớp nàokhông biết lên hát bài “Dấu Chân Trên Rừng” của Vinh An. Dẫu đã đổi một số lời tôi vẫn nhận ra. Tôi lạnh. Nếu muốn biết lý do thì tìm nghe trên internet.

Chiều nay ra đứng bên bờ suối vắng.
Lặng nghe con chim nó kêu lạc đàn.
Núi rừng đó mà người đâu không có.
Mà dấu chân còn rõ trên đường.
Rừng xanh năm tháng đợi chờ.
Bóng dáng người đi năm xưa vẫn chưa về…(Dấu chân trên rừng-
Vinh An)
(Trịnh Công Tùng).
5/CHUYỆN NỘI TRÚ.
Lớp 6 khóa 11 truyền kỳ mạn lục.
Một hôm, tôi vào thăm mấy ông bạn nội trú, vào đúng giờ ăn cơmchiều. Thay vì vào thẳng nội trú nam, tôi ghé qua nhà ăn. Nhà ăntrống trơn nhưng một cảnh diễn ra trước mắt tôi. Cá hố, từng khứa,từng khứa( giống như lá vàng từngchiếc, từng chiếc) được sắp xếprất là nghệ thuật trên khắp cả mọi bàn trong phòng ăn mà khôngthấy một bóng người. Tôi đi vào nội trú hỏi thăm các bạn thì đượccác bạn cho biết là giáo sinh phản đối nhà thầu khi bị cho thưởng
thức cá hố hơi quá thường xuyên.
Nội trú nam có một truyền thống không thấy ghi ở đâu mà mỗi khiCó một bông hồng xuất hiện( không phân biệt bóng hồng Trung Quốc, Việt Nam quốc. Lào quốc hay Campuchia quốc hoặc lạng Quạng quốc nào). Vừa qua khỏi cổng chưa kịp vào phòng tiếp tân là được chào đón bằng tiếng gào thét khủng khiếp “giết nó! Giết nó!” vang lên…và chấm dứt là những tiếng cười rùng rợn như ma gào. Nếu cô nào gặp cảnh đó chắc giật cả mình và không bao giờ dám đến lần thứ hai.
(TCT).
6/QUYẾT CHÍ BẮN MA.
Chúng tôi bị phân công canh gác trường(có lẽ ai đó sợ ma bên nhà Xác bêncạnh sang quấy phá). Có phát súng phần lớn là bất khiển Dụng và đạn thật. Những đêm đi gác trường chúng tôi thường gọi Đùa là đi hiến máu cho muỗi.
Một đêm tôi nhận cây carbineM1, ông Trần Hiền Tuấn
lãnh câyBAR. Ông Tuấn khiếu nại rằng cây súng không hoạt động, lên đạn Không được, bóp cò không đi…Ông được bảo(Có thể là thầy Dũ Hay thầy Sum), đâu cần bắn ai mà cần súng hoạt động. Tuấn mang Súng với hai ông nữa(đúng theo cách sử dụng của súng cộng đồng)Ra hành lang gần phòng học của lớp, hướng về phía trường Kỷ Thuật gối đầu lên súng ngủ. Chưa tới nửa đêm tôi nghe nguyênBăng BAR nổ vang. Tôi vừa gắn cơ bẩm vào súng vừa chạy đến .Với ý định giúp tổ BAR. Đến nơi thấy đủ mặt bá quan, ai cũng ngơ ngác không hiểu vì sao cây súng lại hoạt động được và mấy con Ma vẫn ở yên bên nhà xác. Hôm rồi ông Tuấn có cho tôi biết là vụ ấy ông xài sang hết 4 điểm hạnh kiểm. Cũng may ông để dành 2 điểm. Nếu không có lẽ ông ra trường sớm. Ông Nguyễn Thu Tịnh còn cho tôi biết thêm :Thường thì khi nhận súng xong, tháo băng đạn ra cất vàoTrong túi quần cho an toàn khi nào cần mới gắn vào súng.Tối đó, cả nhóm ngồi gác ngắm cảnh thấy xung quanh mặt trận yên tĩnh.  Máu nghệ sĩ dạt dào nên hát hò cho vui. Cao hứng lại hát nhạc
 “dựt”. Vừa hát vứa nhảy. Thấy túi quần vương vướng nên thuận tay rút băng đạn cắm lại vào súng. Một ông hát, một ông cầm súng làm đàn…từng tứng tưng…Rồi không Biết thế nào mà đang hát bỗng súng nổ “Đoàng” tất cả “mất hồn” tỉnh cơn mê, Ông QĐT bay vào trong bụi cỏ…còn tui lúc đó, Đang ở gần và cũng nhảy tưng tưng. Thì ra ông Th cầm súng Carbin mà cứ nghĩ mình đang
cầm đàn guitar vừa hát vùa bóp cò.Còn ông nào làm ma đi ngang qua choàng ra trắng. Một ông tui Không nhớ tên vừa run vừa la: ma…ma…và bóp cò may mà cây Trung liên không có đạn!!!
TCT.
7/ NHÁT GAN.
Trong một giờ học về Quân sự học đường. người giảng dạy cho lớp chúng tôi là Thiếu Tá Trình.Hôm ấy thầy hướng dẫn cho chúng tôi về cách để châm ngòi nổ một loại mìn. Giờ học ngoài trời, ngay trong công viên trường. Thầy đứng giữa một cái bàn dài, chúng tôi cả lớp nữ lẫn nam đứng xung quanh chăm chú nghe thầy thuyết minh. Khi thầy bắt tay vào thực hành.
-Đầu tiên thầy đưa ra thuốc nổ TNT gói trong một cái hộp trắng như hộp diêm lên bàn.. Thầy hướng dẫn lại cách để châm ngòi…Bỗng một bạn nữ nào đó “rú” lên, thế là cả lớp, trai gái đồng loạt hét toáng xô đẩy nhau, chạy ùa ra xa…chỉ còn lại thầy và hai bạn nam (hình như bạn Thạch và Thinh thì phải)...
Ra ngoài xa, mặt mày ai cũng tái mét, chưa hoàn hồn thì nghe một tiếng nổ “Ầm” rồi tất cả im lặng như tở…Khi chúng tôi mở mắt ra xem thì thấy khói mù mịt và mùi thuốc súng…thầy và hai bạn không sao cả… nhưng riêng có cái bàn là lủng một lổ tròn như quả trứng gà đen thui…  
BB

LOVE STORY -40 Năm Trước

LOVE STORY.






(… từ những lời tâm sự).
Tình yêu là đề tài muôn thuở được mọi người bàn luận và 
nhắc đến:
Triết gia, ông Virgile nói rằng: Ái tình còn mạnh hơn sự chết.
Tiểu thuyết gia Kathy Lette(Anh) tác giả cuốn tiểu thuyết 
Tình Yêu là mù quáng thì cho rằng: Khi yêu, bạn có cảm giác như 
đi trên mây.
Còn theo ông Milly Johnson, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Ngọn lửa Mùa Đông thì : Tình yêu là cảm giác hạnh phúc mãn nguyện khi bạn biết có người đang nghĩ về mình. Đó là cảm giác ấm áp, bồi hồi khi người ấy nắm tay bạn đi trên đường và cảm giác choáng váng khi bạn trông thấy xe người ấy đỗ trước nhà bạn.
Nhà thơ Xuân Diệu thì cho rằng:
Yêu là chết trong lòng một ít
Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu…
Hay:
Yêu tha thiết thế vẫn còn chưa đủ
Phải nói yêu trăm bận đến nghìn lần…
Hồ Dzếnh thì yêu theo cách chờ…
Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé
Để lòng buồn anh dạo khắp quanh sân
Ngó trên tay thuốc lá cháy lụi dần
Anh nói khẽ: “Gớm, sao mà nhớ thế!”…
Nguyễn Công Trứ lại “Bỡn tình nhân” thế này:

Tao ở nhà tao, tao nhớ mi
Nhớ mi nên phải bước chân đi
Không đi mi nói rằng không đến
Đến thì mi nói đến làm chi.
Làm chi tao đã làm chi được
Làm được chớ tao đã làm chi…

Cũng như tất cả mọi người, những chàng trai lớp sáu khóa 11 
ngày ấy, khi bước vào trường sư phạm Qui Nhơn xác định mình là
những người thầy giáo tương lai nên chuyện công danh, sự nghiệp 
không còn là nặng gánh. Và thế là cứ để tâm hồn tha hồ bay bổng 
theo mây và gió: 

Làm thi sĩ, nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây
Để linh hồn ràng buộc với muôn giây
Hay chia xẻ bởi trăm nghìn yêu mến…
Chuyện kể rằng:

1/ …vào dạo đó, do vơ vẩn…và mơ theo trăng nên những 
lúc rỗi rảnh, các chàng thường nằm buồn trong nội trú, chuyền tay 
nhau những cuốn Đặc San của các trường Trung Học để mà mơ 
mộng theo các cô nữ sinh…và rồi có chàng trai lớp 6, cảm ngay 
tên nàng…mơ theo bài thơ Xuân Cố Lý. Thế là, hằng đêm tưởng 
tượng hình ảnh nàng nữ sinh Trung học Pleime…và phổ thơ thành 
nhạc. 
Cuối tuần, Chàng nhạc sĩ lãng tử lên xe đò đi lên thị trấn mù 
sương(Pleiku), vượt bao đồi dốc hay thơ thẩn với hoa dã quỳ, là đà 
theo những tà áo dài trắng của các nữ sinh trường Pleime…để tìm 
đến nơi nhưng nàng thơ đã về quê…chàng lại vác đàn, quyết lên 
đường về quê nàng ở ĐắcNông. Tìm gặp được nàng rồi, chàng 
giới thiệu tên mình và hát tặng nàng bản nhạc do mình sáng tác 
phổ thơ của nàng…Hát xong, uống vội chén nước, từ biệt ra về để 
nàng ngồi lại ngẩn ngơ, mắt mơ màng trông theo về cõi xa mờ…
Vài ngày sau, nàng cũng đi theo tiếng gọi…xuống phố biển 
Qui Nhơn, đến trường Sư Phạm, tìm vào nội trú nam…có duyên 
nên nàng đã gặp chàng và hai người mừng rỡ! Tim bồi hồi, xao xuyến, mắt nhìn mắt, tay…thế nào? thì chỉ có trời đất biết! Và 
chuyện tình lãng mạn của chàng nhạc sĩ cùng cô nữ sinh ấy thế 
nào? hay lãng đãng theo trăng sao, mây gió…như chuyện “tình 
nghệ sĩ…lăn lóc xuống mương” người viết cũng chẳng rõ???

2/Bốn mươi năm trước, có chàng lớp sáu, khôi ngô tuấn tú 
mới rời ghế nhà trường Phổ thông bước vào trường Sư Phạm. 
Mỗi buổi chiều, rời phòng ăn để trở về phòng nội trú, chàng 
bắt gặp một bóng hồng bên cửa sổ. Bóng hồng đã làm con tim 
chàng xao xuyến, chàng ngơ ngơ ngẩn ngẩn…Và thế là từ đó, cứ mỗi chiều sau khi rời nhà ăn là quẹo qua căn nội trú, gian nhà của thầy ĐKH cư ngụ. Mắt ngước nhìn lên nhưng hôm đó, cửa sổ im lìm, lòng buồn, chàng lang thang lê từng bước, từng bước thầm…miệng lâm râm như cầu trời cho nàng xuất hiện ở khung cửa sổ nhìn xuống để thấu được lòng con đau khổ mà ban cho con chút tình yêu lẻ…cứ thế lê chân đến tháp nước mà mắt vẫn quay hướng cửa sổ…không ngờ vấp phải…té lăn quay. Lủi thủi, đứng dậy giận dữ, ngắt mấy cành hoa bọng giếng(Hoa thạch thảo quanh đó cũng có) nhưng chàng nào dám ngắt sợ nàng hiểu lầm ( mùa thu chết) thì thảm thiết lắm! Chàng nhìn vơ vẩn mây trời rồi than rằng: 
-Mây ơi có thấu lòng ta! Xin mang mưa đến tưới hoa tặng người.
Mắt mũi chảy dài, đi trở ngược lại hành lang về phòng mình ôm gối. Lúc bấy giờ mới thấy đau ê ẩm (Không biết là đau chân bị vấp hay đau tim ?)

3/Nghe mọi người truyền miệng rằng: Có anh chàng quê ở núi Nhạn sông Đà, khăn gói ra Qui Nhơn học Sư Phạm. Vào lớp 
gặp ngay cô nàng ở ngoại trú. Chàng bị cuốn hút bởi đôi mắt đẹp 
và buồn:
…Mắt em dìu dịu buồn Tây Phương…(Đôi mắt người Sơn Tây)
Hay:
…Cho nên đôi mắt mờ hư ảo
Cả bốn phương trời chỉ có em..(Tương tư chiều-Nguyên Sa).
Và thế là chàng cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn nhìn đâu cũng thấy 
đôi mắt…chàng như bị mê hoặc bởi đôi mắt u buồn,  nét mi sầu 
muộn…Chàng nghĩ, phải chăng ta mãi mãi là kẻ “tình si”, yêu là 
say tình, mơ dại, khóc khờ hay ngây thơ như trẻ nhỏ hoặc lẩm cẩm 
như cụ già…cứ thế chàng yêu trong cõi mộng … rồi như kẻ mộng 
du chàng lần ra lan can lầu mà cứ ngỡ mình đang bước đến bên 
nàng…may sao có người phát hiện níu áo chàng lại kịp thời. 
Không thôi thì không biết giờ này chàng ở trong bệnh viện tâm 
thần hay vĩnh viễn nằm yên trong lòng đất lạnh cũng không biết 
chừng?
4/ Chuyện bây giờ mới kể! Dạo đó, cứ vào cuối tuần, nội trú 
nam vui như hội. Mọi người dọn dẹp rồi thay quần áo… người về 
quê, kẻ đến nhà người quen, người ra phố chợ hay có người theo 
“chuyện hẹn hò”... 
Hoàng hôn buông xuống, các phòng nội trú nam vắng bóng 
người như “chùa bà đanh”. Trong phòng, mọi người cũng đi hết. 
Nằm một mình cuộn mình trong chăn, hình như trong chăn có 
“rận” thấy nhồn nhột…chàng trai xứ Quảng liền ngồi bật dậy, thay 
quần áo, chải sơ mái tóc … 
Ra khỏi cổng trường rồi mà chàng cũng chẳng biết mình 
phải đi về đâu??? Trong lòng trĩu nặng, cuối tháng trong túi không
còn một đồng xu…chàng lê từng bước chân dọc theo con đường 
trước trường. Hàng dương vi vu hòa vào tiếng thở dài não nuột của 
chàng...
Chân cứ bước, vòng qua Eo Nín Thở…con đường này hôm 
nay vắng vẻ lạ thường…bất ngờ chàng gặp một cô gái. Cô mặc 
chiếc áo dài trắng, rất trẻ : “không phải là dân Sư Phạm rồi” chắc 
là nữ sinh trường Trung Học nào đây? Chàng đến làm quen, hỏi 
thăm. Một hồi qua lại thì biết cô bé cũng mang tâm sự “buồn”. Thế 
là cùng hội, cùng thuyền nên dễ càm thông.
Hai người cứ tiến bước và ngồi xuống bãi biển lúc nào không 
biết? Nàng ngả đầu vào vai chàng thủ thỉ. Còn chàng “phẻ quá” 
vòng tay qua ôm liền! Nàng thơm nồng, ấm áp trong tay. Chàng ra 
tay “nghĩa hiệp”, cố ôm chặt để giúp nàng tránh “trúng gió độc” do 
những cơn gió lạnh từ biển thổi vào. Đêm khuya, tối mịt mùng chỉ 
nghe tiếng thì thầm của hai người hòa âm cùng sóng biển…và chỉ 
thấy trên màn hình đen, xa xa những chấm đèn li ti chớp nháy của 
những thuyền chài và những vì sao trên trời chứng kiến…
“Tan giấc mơ hoa, bóng người khuất xa, đôi đường từ đây, 
ai bước đi không hẹn ngày…(Mơ Hoa). Nàng trở về phố thị, chàng 
quay về nội trú…Ồ! suốt buổi bên nhau mà cả hai lo tình tự, quên 
hỏi tên nhau? 
Bây giờ câu chuyện ấy trở thành giai thoại! Cảm giác ấy đi 
theo chàng suốt khoảng thời gian 40 năm. Nếu ngày ấy???Thì biết 
đâu bây giờ cuộc đời chàng đã rẽ sang lối khác?

5/Chàng-nàng ờ ngoại trú và gần nhà nhau lại đi học chung 
trên một chuyến xe Lam. Chàng thích nàng vì cách ăn nói khéo léo 
đầy cảm thông…đôi lúc lại chia xẻ được những cảm xúc. Nàng 
mến chàng vì sự vui vẻ, nhiệt huyết của tuổi trẻ…
Một buổi chiều, có giờ cuối trống tiết…ra về cũng buồn nên 
muốn nán lại bên nhau thêm một chút nữa. Nhưng biết đi đâu bây 
giờ? Cuối cùng chàng đã tìm ra (chàng vốn lanh mấy chuyện như 
thế này). Chàng quyết định rủ nàng vào ciné…nhưng nghiệt nỗi là 
bên cạnh nàng lúc nào cũng có cô bạn, Làm sao bây giờ???
-À, có cách rồi!
Nhìn vào sân trường, thấy có một chàng đang“lớ ngớ” đi 
ra…-Vị cứu tinh đây rồi! Nghĩ như thế và anh kêu bạn ấy lại.
Anh nghe các bạn trong lớp”cắp đôi” với cô bạn này…Thế là 
hợp tình, hợp cảnh. Sau đó, cả bốn người lên xe Lam tiến thẳng 
vào rạp ciné Kim Khánh. 
Trong rạp ciné chiếu permanent, nên từ ngoài bước vào tối 
đen không thấy gì cả? Lúc đó 4 người không biết ai dẫn ai? Ai 
nắm tay ai? Ai dìu ai? Và… Điều này chỉ tự biết mà thôi!
Một lúc “quờ quạng” rồi cũng tìm được ghế. Chàng ngồi 
cạnh nàng như ý nguyện còn đưa cô bạn “ngu ngơ” ngồi cạnh anh 
chàng “ngơ ngẩn”…Sau đó bốn người mắt dán vào màn ảnh rộng. 
Không biết có mắt nào đi lạc không? Thì cũng chẳng rõ? Sau một 
tiếng rưỡi đồng hồ ra khỏi rạp, có hai người thở phào nhẹ nhỏm vì 
xem phim dài quá, nóng quá! toát mồ hôi hột! Còn có hai người 
tiếc nuối vì giây phút ấm áp qua nhanh quá! Và phim quá ngắn!
Nhưng rồi chuyện của chàng và nàng chẳng đi đến đâu? vì 
hôm đó, trời xui đất khiến sao đó mà xem phải “Chuyện phim 
buồn” nên chia tay nhau “cái rụp”! Anh đường anh, tôi đường tôi, 
tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi! Hai người biền biệt sơn khê, bốn 
mươi năm sau mới gặp lại.

6/Chàng từ quê “Ti Quà” ra Qui Nhơn học Sư Phạm. Cha mẹ 
tạo cho chàng một vóc dáng to cao so với các bạn “Bảy chú lùn” 
cho nên chàng rất tự hào về vẻ bên ngoài của mình.
Vào nội trú lại ở cùng phòng các bạn cùng quê, các bạn đều 
có “bồ” người thì có Mối tình Mobylette, người thì có Mối tình Y 
tá…còn chàng chẳng có mối tình nào? Nên quyết đi tìm! 
Nhưng tìm đâu bây giờ? Thôi tìm trong sách báo. Thế là 
hàng ngày chàng “tuyển chọn các tài tử Pháp, Ý, Mỹ…” Các minh 
tinh màn bạc ở Hollywood cũng được chàng tuyển lại. Cuối cùng, 
chàng đã chọn! Mà chọn là phải mê. Suốt ngày ngắm các cô đào 
của Pháp Brigitte Bardot hay Elizabeth Taylor…gì đó? mà mơ một 
ngày mình sẽ gặp!
Kiên nhẫn, ngày ngày âm thầm một mình trong nội trú tập 
“Quyền Anh” để càng ngày càng rắn chắc, to đẹp! Hy vọng có một 
ngày “sánh vai với các cô đào của các cường quốc năm châu”?
Rồi một hôm, tình cờ phát hiện ra trong lớp của mình cũng 
có một “bông hồng” biết nói và biết hát. Thôi thì gác “mộng trời 
Tây” để viết thư cho nàng “Việt Nam” cho chắc ăn.
Nhưng tình yêu không phải lúc nào cũng là con đường màu 
xanh và:
Ví phỏng đường đời bằng phẳng hết
Anh hùng hào kiệt có hơn ai?
Chàng viết thư, từng chiếc, từng chiếc như chiếc lá lìa cành 
rơi xuống không có tiếng “dội” lại! Chàng buồn rồi thơ thẩn ngắm 
giày dép và từ đó trong đầu chàng xuất hiện một bộ sưu tầm về 
màu sắc: xanh, vàng, đỏ, đen, trắng, tím, nâu… để làm sao cho 
phù hợp với những ngày trong tuần hay thích hợp với những ngày 
mưa hoặc nắng ráo, trời lạnh hay nóng nực, Mùa Xuân, Mùa Hạ, 
Mùa Thu hay Mùa Đông …
Bốn mươi năm trôi qua, “tưởng rằng đã quên”…nhưng bạn 
bè chung phòng nội trú xưa vẫn còn nhớ, ngồi đâu cũng nhắc lại! 
Phải chi lúc xưa chàng biết thế! chàng đã chuyển sang nghề Thiết 
kế giày dép…thì ngày nay chàng đã có “nhiều” bộ sưu tập nổi 
tiếng thế giới rồi…

7/Ngày ấy, lớp 6 có 11 nàng. Mỗi cô một vẻ “Mười phân vẹn 
mười một”. Công nhận các thầy cô trường Sư Phạm tuyển chọn 
sao mà khéo quá! Cô giáo sinh nào cũng xinh!
Nhưng dạo đó, nam giáo sinh thiệt thòi là thế! Phân chỗ ngồi 
phía sau nên có thấy rõ “dung nhan”các nàng đâu? Chỉ thấy mái 
tóc xỏa ngang vai hay chảy dài xuống eo. Ngắm “vai em gầy guộc 
nhỏ” rồi tưởng tượng “mình hạc xương mai” hay “Mình tròn da 
trắng” v.v…và v.v…
Rồi những giờ ra chơi, len lén trộm nhìn. Lắng nghe oanh vàng thỏ thẻ…chàng trai Qui Nhơn mê ngay giọng nói Huế nhẹ nhàng. Khuôn mặt thanh tú, vóc người nho nhỏ…rồi âm thầm hát:
…Ai bảo em là giai nhân
 Cho đời anh đau buồn…
Thời gian cứ trôi, chàng càng ngày ánh mắt dành cho nàng 
càng tha thiết! và cứ thế, mỗi buổi học có một trái tim đang thổn 
thức ở phía sau lưng nàng…Nhưng nàng đâu có biết? Chịu không 
nổi! Chàng thổ lộ người bạn ngồi bên cạnh nhưng bạn ấy còn “tồ” 
hơn chàng nữa! Trong một giờ ra chơi, giữa đám đông, bạn ấy gọi 
tên nàng và bảo cho nàng biết là chàng yêu nàng…Nàng lặng lẽ 
quay mặt đi không nói gì? Từ đó chàng ôm chặt mối tình câm nín. 
Chàng quyết cắt đứt dây chuông! Thoát xa vùng tục lụy! Ngày 
ngày chàng “tìm quên cùng chuông sớm mõ chiều”…Không biết 
có đúng không mà chàng tungsky cứ email nhắc đi nhắc lại hoài…

8/ Ngày ấy, có một chàng trai đến từ đất Quảng mơ mộng và 
lãng mạn nhưng không chạy theo những nàng trong gia đình mình 
mà theo một “bóng hồng” lớp bốn. 
Suốt năm nhất niên, chàng luôn mơ về miền đất cao nguyên, nơi quanh năm có sương mù bao phủ. Chàng muốn hái những bông hoa Dã quỳ để làm vòng nguyệt quế đội cho nàng. Chàng muốn múc hết nước sông Trà cho nàng rửa chân. Chàng muốn lấy hết cát biển làm nệm nhung cho nàng nằm…nói tóm lại chàng muốn gom mây trời may áo cho nàng…Nhưng tình yêu đơn phương đã giúp cho tâm hồn chàng thăng hoa và sang năm nhị niên chàng yêu ngay một đóa hồng hé nụ của lớp Mẫu giáo.Cuộc đời ai biết được chữ “ngờ”. Cuộc chiến bùng lên mãnh liệt! cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực của chàng … Lúc này chàng mới thấm thía câu: “Một mái nhà tranh hai quả tim vàng” là không thể nào được? “Tình yêu” phải gắn liền “no bụng”. Chứ làm sao mà “ngày ba bữa vỗ bụng năm cái bánh tráng bình bịch” được!!!Cũng vì thế trong túi rỗng không “money” thì làm sao dẫn “honey” đi ciné hay vào quán nước???
Buồn quá! Ngày nào, chàng cũng chỉ hẹn hò nàng ra biển (vì biển gần trường còn những chỗ khác xa, đi không nổi!!!”. Ngồi trên bãi biển, lật từng viên cát thổ lộ tình yêu…có khi không ngắm nỗi sao trời vì “bụng cồn cào” quá!Chuyện tình yêu của chàng cứ thế kéo dài suốt năm nhị niên. Yêu và đói làm cho chàng lúc nào cũng bay bổng như đi trên mây…Rồi một ngày, chàng trở lại nơi đây than thở:
Ba mươi tám năm rồi về đây em có biết
Một mình anh ngơ ngẩn giữa Qui Nhơn
Để tìm em tìm ánh mắt dỗi hờn
Và tìm lại những ngày xưa sâu lắng
Ta đã lật lật từng viên cát trắng
Để tìm em mà chẳng thấy em đâu?
Ta hỏi sóng, sóng vội vã lắc đầu
Và hỏi gió, gió ầm ừ không nói
Ta hỏi cát, cát âm thầm lặng lẽ
Lại hỏi mây, mây cứ lững lờ trôi

Ta vẫn chờ, chờ mãi mãi em ơi…

Đến đây, người viết lo sợ, nếu mà …cứ chờ mãi… chờ mãi 
như thế?!?! thì thế nào có ngày cũng hóa thành đá. Mà hóa đá là 
lớp 6 mất đi một thi sĩ chuyên làm những bài thơ tình hay nhất 
hành tinh này!

9/ Ngày xưa ấy, có chàng trai người ở xứ Núi Ấn, Sông Trà. 
Ngày đầu tiên đi học, hùng dũng, mạnh dạn bước vào cửa lớp 6 
không ngờ vấp phải cái “gờ” cửa đau điếng! Đang trấn tỉnh lại thì 
thấy có đôi mắt đen nháy tròn xoe nhìn. Ôi! Thật dễ thương! Thế 
là chàng “lảo đảo” “ngẩn ngơ” ...
Những ngày sau đó, chàng quyết tìm hiểu về nàng. Một cô nàng có khuôn mặt tròn tròn phúc hậu. Nước da trăng trắng. Mái tóc dài xỏa ngang vai…Và một điều thích thú nữa mà chàng khám phá ra ở nàng là “người đẹp không bao giờ cười”.Con đường tiến đến…cũng xưa như vòng quay của trái đất nhưng chắc ăn…Sáng thức giấc, con đường quen thuộc từ Nội trú Nam sang Nội trú Nữ vòng lại lên từng bậc thang, đi chầm chầm dọc hành lang. Chàng cứ đi sau lưng đưa nàng đến lớp học…Ngồi trong lớp, thầy giảng bài nhưng chàng có nghe thấy gì đâu? Tâm trí chàng đang tập trung để nhìn mái tóc buông lơi của nàng.Chàng bắt đầu làm thơ tặng nàng. Những bài thơ tình mà theo chàng là hay hơn cả thơ tình của Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Lưu Trọng Lư…Những ngày cuối tuần, chàng lại rủ nàng dạo chơi công viên ghế đá ngắm hoa vàng anh mà nghe thoang thoảng đâu đây mùi thơm của hoa sứ…
Những ngày về quê trở lại trường, chàng mang theo cho nàng những bì kẹo gương, đường phổi, mấy hũ mạch nha…ngọt ngào như tình của chàng.
Những bài thơ của chàng đã đi vào lòng nàng. Thêm vào đó là những cử chỉ nhẹ nhàng cùng những món đặc sản của xứ Quảng 
quá ngọt…nên nàng cảm động, chớp chớp mắt…
Chiều chiều, từ phòng ăn nội trú, hai người bên nhau đi chầm 
chậm con đường trước sân trường hay trú mưa “dưới gốc thông già 
nào đó?” Hoặc đêm “nguyệt cầm” chàng dẫn nàng đi dạo xa xa hơn một tí…xuống bãi biển ngồi ngắm vầng trăng khuyết…gió biển thổi man mác mà mơ mà mộng mà ước chuyện gì đó? (chàng và nàng nói nhỏ quá, người viết cũng không nghe rõ…)Ngày về nghỉ Tết năm đó, chàng xách vali dùm đưa nàng lên xe về quê nhà…Thế nhưng chưa chắc “cá đã cắn câu”. Năm 1974 ra trường rồi 1975…nàng đi đâu mất hút, biệt vô âm tín…chàng nhiều lần cố đi tìm mà không thấy. Có lẽ “Nàng đi phía Bắc, chàng tìm phía Nam”.Sau 40 năm gặp lại, nàng lên chức bà nội, chàng đã là ông ngoại…Thôi! Lỡ một cung đàn…Bây giờ chỉ còn cách là thầm hẹn nhau: Nếu có duyên sẽ kết làm “sui” gia cho các cháu…

10/Cách đây đã lâu lắm rồi! Có một chàng nọ vóc người thư sinh, tao nhã. Khuôn mặt khôi ngô tuấn tú…Từ trên núi xuống biển dự khoa thi và đậu nhầm vào trường “gõ đầu trẻ”.Ngày vào trường cũng như bao nhiêu nam thanh, nữ tú khác “khấp khởi” trong lòng tiến bước! Chàng gặp ngay hai chị em bạn thân nhà kia trong lớp của mình…khiến chàng ngẩn ngơ mà thốt lên rằng: “ Mỗi người một vẻ, chín phân vẹn mười hai”. Cô chị có đôi mắt buồn, khuôn mặt chữ điền, dáng người tròn trịa.Cô em, khuôn mặt tròn tròn, miệng cười tươi vui, dáng dấp vừa tầm.Cô nào chàng cũng thích! Nhưng chẳng biết thích cô nào hơn cô nào? Nhiều đêm nằm trong nội trú, tay gác lên trán suy nghĩ “nát óc” nhưng cũng không biết tình cảm mình nghiêng về đâu? Bên trái hay bên phải?
Mỗi lần gặp cô chị, chàng muốn “dịu dàng” một chút, nhưng cô em xuất hiện nên chàng vội dừng ngay ý định đó. Để về phòng 
suy nghĩ thêm đã…
Hôm sau thấy cô em, chàng định đến “ngọt ngào” nhưng bất ngờ cô chị đến! Vừa thấy đôi mắt buồn…chàng dừng lại kịp thời!Và cứ thế hai năm học chàng cứ lẩn quẩn chạy lòng vòng hụt hơi với hai bông hồng “có gai” đó…Rồi ra trường…Sau 75 chàng gặp cô em nhiều hơn cô chị. Nhưng cô em chỉ làm chàng “ngơ ngẩn nhìn” mà không dám bước đến!
Thế rồi trong một lần học chính trị hè, gặp cô em chàng quyết định tuyên bố là chàng sẽ đi lấy vợ! Chàng cứ ngỡ “Tối Hậu Thư” của chàng sẽ làm nàng “giựt mình” mà chớp chớp hàng mi cong vút. Nhưng không nàng cứ chăm chỉ nghiền ngẫm các “Nghị quyết”  vội vội vàng vàng bước đi quên cả câu chúc mừng ???
Giận quá! Chàng lên thuyền sang bến đỗ mới! 
Bốn mươi năm sau gặp lại cô chị lẫn cô em…chàng tưởng rằng, thế nào hai cô cũng tiếc nuối! Nhưng không, khuôn mặt hai 
cô vẫn “tỉnh bơ” nhìn chàng…Cả ba người cùng cười hìhì…

BBT



CÂU CHUYỆN LỬA TÀN

CÂU CHUYỆN LỬA TÀN

Của ông Hiệu trưởng Trường Sư phạm Quy nhơn nói với các giáo sinh khóa 11 thuộc trường trong “ĐÊM MÃN KHÓA” hạ tuần tháng sáu năm 1974
Anh chị em giáo sinh khóa 11 thân mến.
Đêm đã khuya ,lửa cũng gần tắt,trước khi chia tay,tôi muốn nói với anh chị em đôi lời trong câu chuyện lửa tàn đêm nay.
Nhìn khu trường với những hàng thông trầm lặng,từng chứng kiến bao bước chân anh chị em đi về.Những công viên hoa sứ nở muộn,những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè, dẫn vào những căn phòng nội trú, rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê.Nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng,ưu tư vời vợi,Những hình ảnh và âm thanh đó như thì thầm nhắc lại bao kỉ niệm vui buồn anh chị em đã có nơi đây,gợi lại bao sinh hoạt đã cùng nhau tham dự:nào những tối cuối tuần ngồi bên chén trà “hội hữu” hay “ bạn đường” nghe thơ nhạc hay nghe nhau kể lể chuyện đời.Nào những ngày đi công tác xã hội hay thực tập giáo dục cộng đồng bận rộn với dân quê,những buổi du ngoạn tươi mát ý đời,những đêm văn nghệ rộn ràng niềm vui,cũng như những sáng chiều thường xuyên thảo luận,học tập về chuyên môn….tất cả đều nói lên những tâm tình anh chị em đã có với nhau ,với ngôi trường này
Sau đêm nay ,anh chị em sẽ rời ghế  nhà trường chia tay về hè để sau đó vào đời chứ không còn trở lại trường cũ như mùa thu năm trước.Chúng tôi cầu chúc anh chị em gặp nhiều niềm vui trong đời,những niềm vui sâu xa từ trong lòng mà có hơn là từ bên ngoài mà nên.
Tục ngữ ta có câu “ Câu chuyện nên quen,chuyến đò nên nghĩa”.Anh chị em đã cùng nhau đi chung một chuyến đò dài.Nay tuy chưa đến bến cùng của sông nước nhưng mỗi người phải chia tay sang những con thuyền khác đế lại tiếp tục hành trình dẫn tới quê hương xa.
Giây phút phân ly nào chẳng đượm buồn và đó cũng là thân phận con người trên cõi thế.Nhưng,như trăng khuyết rồi tròn,ly hợp cũng là lẽ thường của cuộc sống,miễn sao trong cách xa mà vẫn không xa cách,và miễn sao mỗi đổi thay đều mang mãi một chiều hướng.Anh chị em hãy chấp nhẫn nỗi buồn cách xa trong tim,vẫn còn những niềm vui gặp gỡ đây có trên bước đường nghề nghiệp,ở một nẻo nào trên dải đất quê hương này.
Đời anh chị em còn dài,dài đủ để không uổng công thắp sáng niềm tin trong đêm tối thiếu những ánh trăng sao soi dẫn bước chân anh chị em đi.
Tuổi anh chị em còn trẻ,quá trẻ để còn đủ thời gian tự làm lấy cho mình những gì mình mơ ước.Với tuối đôi mươi,chẳng có gì là muộn .Tất cả đang chờ đón anh chị em:tình yêu để yêu,tình bạn để thương,tình quê hương để nhớ,những nguyện vọng để thực hiện,nghề nghiệp để phụng sự..nghĩa là cả một cuộc đời để sống,để xây lên hoặc nếu cần, để dựng lại.
Mỗi thế hệ có những vui buồn,những ưu tư riêng và mặc dầu thế hệ này có liên quan với thế hệ khác,nhưng không nên cho rằng thế hệ này không làm được gì hơn thế hệ khác.Than trách hay quy lỗi không phải  là triết lý đẹp của một hướng sống cao.Mỗi người trẻ hãy tự nói vói mình “ Dậy mà đi”,dù quê hương có đang đổ nát mênh mang vì bom đạn vẫn chưa thôi trên mảnh đất nhỏ bé này,dù xã hội có đang phân hóa tàn tạ vì cảnh tương tàn thê lương đă kéo dài hơn 20 năm qua.
Anh chị em hãy “ dậy mà đi”,đi từ “ đêm bây giờ” để đến “đêm mai “,như Trịnh Công Sơn thuộc khóa đàn anh của anh chị em đã hát lên rất chân tình :
“Đêm bây giờ đêm quá hư vô
Ôi con người mang trái tim khô
Đêm bây giờ thắp sáng âu lo
Hai mươi năm buồn vui hững hờ
Đêm thôi dài cho mai này
Người Việt hái lúa ngoài đồng chín
Đêm no lành đêm thanh bình
Người Việt sống như chưa bao giờ”.
Nói như vậy “ đêm bây giờ” dù “ quá hư vô “,chỉ “mang trái tim khô” với những “ âu lo” và “buồn vui hững hờ” cũng chẳng có thể làm cho anh chị em buồn thảm,vì rằng đêm mai này mới là của anh chị em để hướng tới,để xây lên,để dựng lại,để “ sống như chưa bao giờ”
Tôi nhắc lại ý vừa diễn tả:Anh chị em hãy dậy mà đi,lạc quan vào đời và tích cực góp phần mình vào việc xây dựng đời
Trước giờ chia tay tôi cũng muốn nói lại với anh chị em một ước mong chan chứa ưu tư này của trường.Chúng tôi ước mong rằng dù hoàn cảnh đời mỗi người chúng ta như thế nào,khi đã dấn thân vào một nghề là chúng ta phải chọn lấy cho mình một hướng đi đầy ý thức.Làm thân con người chẳng ai có tự do vô điều kiện ,ngoài hoàn cảnh giới hạn.Cho nên giá trị của con người tự do là chấp nhận cái mình chọn hoặc chấp nhận cái mình phải chọn,và như vậy giá trị ở thái độ chọn hơn là ở điều chọn hay phải chọn.
Tôi tin rằng sau 2 năm học ở trường này,anh chị em đã thấy rõ hướng đi phải có của cuộc đời.Mai đây trên bước dường phụng sự , cầu chúc anh chị em ngày càng vui ,yêu nghề và làm được những gì anh chị em muốn làm trong khả năng của mình.
Tôi cũng tin rằng trong một tương lai không xa, đất nước chúng ta phải được thanh bình.Khi đó, và ngay cả khi này,cánh đồng văn hóa giáo dục cần nhiều nông phu,những ngưởi đổ mồ hôi trên từng mảnh ruộng để cày, bừa,gieo,cấy,đợi mùa gặt đến đem vui tươi,no ấm cho các xóm làng thân yêu.
Đêm đã khuya,lửa cũng gần tắt, tôi đã nói gì với anh chị am trong câu chuyện lửa tàn đêm nay?
Một lần nữa, nhìn lại khu trường với những hàng thông trầm lặng,từng chứng kiến bao bước chân anh chị em đi về,những công viên hoa sứ nở muộn,những dãy hành lang heo hút gió đông hay phơi phới gió hè dẫn vào những căn phòng nội trú rộn ràng bao buồn vui đèn sách và tình bạn ý quê,nghe mỗi khi đêm xuống từ lòng đại dương sóng xa vọng lại nhiều thương nhớ bâng khuâng,ưu tư vời vợi.
Những hình ảnh và âm thanh đó như vẫn thì thầm nhắc lại bao kỉ niệm vui buồn anh chị em đã có với nhau với ngôi trường này.
Mai đây trên vạn nẻo đường đời có khi nào tưởng lại quãng thời gian cuối cùng của những ngày đèn sách,có lẽ những hình ảnh và âm thanh trên sẽ còn đậm ít nhiều nét sống vấn vương bên lòng anh chị em chứ không đến nỗi tàn phai như những vang bóng một thời bị chìm quên vào dĩ vãng.
Anh chị em hãy thỉnh thỏang nhớ đến trường cũ và nhất là luôn luôn nhớ đến nhau,thương mến nhau,nâng đỡ nhau trên những bước đường đời.
Trong những ngày anh chị em sống nơi đây,chúng tôi không nghĩ là đã làm được tất cả cho anh chị em nhưng chúng tôi đã hết lòng với anh chị em.
Phần anh chị em ,trong 2 năm qua đã cùng nhau đi trên một chuyến đò mà trong hành trình có những chiều xuống đêm về,cắm sào dừng nghỉ ở nhiều bến nước,ngắm trăng thanh gió mát cho vui trên bước giang hồ mà vẫn nhắn nhủ nhau rằng những bến nước ấy chưa phải là bến cùng của quê hương xa.
Nay chuyến đò chung đã đến lúc rẽ bến.Mỗi lữ khách phải rời đò để đi tiếp lộ trình còn dài.Chặng đường sẽ vắng vẻ hơn và lữ khách sẽ cảm thấy thấm thía nỗi cô đơn trên đường đời.Nhưng anh chị em nên nhớ thân phận con người là cô đơn,trong cô đơn ta gặp được mình,ta gặp được người,ta gặp được trời.Nhưng cô đơn mà đừng cô độc.Muốn vậy anh chị em hãy luôn luôn nhớ đến nhau,thương mến nhau,nâng đỡ nhau trên những bước đường đời
Trải qua nhiều năm sống rồi anh chị em sẽ học được kinh nghiệm sâu đậm này là chẳng có gì quan trọng trong đời ngoài tình thương mến nhau
Tình thương mến ấy như “trăng sáng trên môi hoa “ “ xua bóng tối trong hồn ta” để ta “ tìm về bên nhau” và để “tình người nở đêm sâu” như Đăng Lan hát trong “ Thương quá Việt Nam”:
“ Trăng sáng ngời trên môi hoa
Trăng lên tiếng hát vui đêm già
Trăng sáng ngời trên non xa
Trăng xua bóng tối trong hồn ta
Sáng lên trăng,sáng lên trăng
Sáng cho người tìm về bên nhau
Sáng lên trăng,sáng lên trăng
Sáng cho tình người nở đêm sâu
Trăng muôn đời,trăng muôn nơi
Trăng đem bóng mát cho muôn đời
Trăng thanh bình trăng yên vui
Ôi thương quá ánh trăng Việt Nam”
Trên đường đời sẽ có nhiều đêm không có ánh trăng sao, nhưng trong lòng chúng ta ánh trăng chẳng bao giờ tàn,vì mãi mãi chúng ta vẫn có lòng thương mến nhau.
Anh chị em thương mến,
Trên con đường nghề nghiệp đã chọn,anh chị em hãy can đảm bước lên ,niềm tin của anh chị em ấy là niềm tin của chúng tôi và cũng là ý đợi của quê hương này.
Cuộc đời là một đi tìm để được gặp .Và trên hành trình tìm gặp đó,hành trang của chúng ta phải đủ nhưng đơn giản. Trút bỏ những giận ghét vẩn vơ,những bận tâm vô ích,những so đo nặng nề để được nhẹ nhàng như cánh diều nương gió lên cao.
            Thương mến từ biệt anh chị em
             Hiệu trưởng trường Sư Phạm Quy Nhơn
                                    Trần Văn Mẫn

TRI ÂN

TRI ÂN.
Các thầy cô và giáo sinh năm 1973 tại giảng đường  trườngSPQN



Chiều xuống chầm chậm. Nắng nhạt dần…nhạt dần trên những vòm cây cao rồi rút chạy ra xa tít về phía cuối trời. Không biết từ bao giờ, tuổi của chúng tôi lại thích vẻ tĩnh mịch của chiều về. Có thể khi con người tuổi đã cao, thích tĩnh tâm nên thấy tâm hồn mình phù hợp với khung cảnh êm ả của chiều hôm. Mỗi khi chiều về, chúng tôi thấy lòng mình lắng xuống bình yên, thanh thản một cách lạ lùng. Chúng tôi thường ngồi lặng im để nghe tiếng gió vờn trong lá. Lặng im để nghe tiếng chiều bước nhẹ và lặng im để hồn mình trở về lại quãng đường mà mình đã đi qua. Mùa Thu năm 1972 chúng tôi vào trường Sư Phạm Qui Nhơn. Hầu như lúc ấy, nhiều người trong chúng tôi chẳng thích học sư phạm chút nào. Vào đây vì nhiều hoàn cảnh bắt buộc phải vào… sau khi đậu tú tài toàn, con đường tương lai trước mắt toàn một màu hồng nên không ai muốn dừng lại để làm nghề gõ đầu trẻ nhưng dạo đó đất nước chiến tranh, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn hay cuộc sống không bình yên nên không cho phép chúng tôi làm theo những mơ ước, thực hiện những hoài bảo của tuổi trẻ…
Mùa tựu trường năm đó, chúng tôi bước vào năm thứ nhất 
khóa 11. 
Vào Sư Phạm là ai cũng đã xác định: Đây là trường đào tạo ra những người thầy nên chắc chắn không khí rất là mô phạm và là 
môi trường để tu luyện chứ chẳng có gì để mà vui chơi cả.Nhưng khi vào đây rồi, theo ngày tháng chúng tôi bắt đầu thích khung cảnh. Ngôi trường đẹp, thơ mộng! Bình yên nằm tọa lạc trên một khuôn viên rộng. Mặt trước quay về biển quanh năm gió thổi lao xao và tiếng sóng biển vỗ rì rào. Mặt sau là dãy núi xanh thẫm bao bọc. Con đường đến trường với hàng liễu rủ. Bên trong, sân trường với những hàng hoa giấy nhiều màu sắc. Thoang thoảng mùi thơm của hoa sứ. Những dãy lầu cao của các lớp học hay những hành lang hun hút dẫn về khu nội trú…Bạn cùng lớp, nữ hiền hậu, nhu mì, nam đều sinh năm 1954. Các bạn từ mọi nơi tụ hội về đây: Từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, cao nguyên…Tất cả đều xa lạ nhưng khi tiếp xúc thì  rất là chân chất. Càng ngày tình bạn bè càng thêm gắn bó. Tuổi trẻ nên chúng tôi dễ dàng hòa đồng vui vẻ.  Các môn học thì lạ lẫm so với ở phổ thông. Năm thứ nhất chúng tôi đã làm quen với Tâm Lý Giáo Dục, Luân lý Chức 
Nghiệp, Sư Phạm Lý Thuyết, Sư Phạm chuyên biệt, Giáo Dục 
cộng Đồng, Dụng Cụ Giáo Khoa, Y Tế Học Đường ngoài ra, còn 
học các môn như Việt Văn, Nhạc, Hội Họa, Hoạt Động Thanh Niên. Nữ Công Gia Chánh (dành cho nữ) v.v…
Lúc đó hầu như chúng tôi lờ mờ về các môn học. Ngồi trong lớp, thầy cứ giảng còn trò cứ thả hồn đi hoang ...Sang năm thứ hai, chúng tôi hiểu hơn một chút về các môn học như : Kinh Tế Chính Trị, Giao Tế Xã Hội, Quản trị & Thanh Tra Học Đường, Sư Phạm thực Hành…Các thầy giáo, cô giáo giảng dạy, ai cũng mang một phong cách, một lối sống đạo đức chuẩn mực của một nhà giáo. Thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn lúc nào cũng lặng lẽ nhưng ánh mắt thân thiện. Thầy thường khuyên chúng tôi rằng nếu có điều kiện nên ghi danh học thêm đại học. Các thầy cô phụ trách bộ môn. Ai cũng nhiệt tình giảng dạy. Ai cũng tâm huyết, vận dụng hết các 
kiến thức từ trong sách vở thành những thực tế đời thường. Các 
bài dạy về làm người, về giao tiếp, về nghề nghiệp…hầu hết tôi học được từ nơi đây.  Các thầy cô đã truyền hết những kinh nghiệm để mong rằng: Đó là hành trang đủ cho chúng tôi mang vào đời.Tôi cứ nhớ mãi câu nói của các thầy lúc chúng tôi mới vào 
trường : Các anh chị phải xác định là mình đã chọn nghề giáo thì 
tiếp tục theo nghề còn nếu mình không thích thì ngay bây giờ có 
thể ngừng lại cũng còn kịp. Đừng mang những điều bực bội, chán 
nản đem vào trường này!
Câu nói như một lời khuyên rất chân thật và cũng rất đúng vì 
dạo ấy cũng có nhiều bạn trong đó có tôi vì hoàn cảnh thế này hay thế nọ. Bất đắc dĩ không còn con đường nào khác đành phải vào Sư phạm và cũng nhờ câu nói này, chúng tôi xác định được tư 
tưởng và hướng đi của mình.Các thầy cô rất chú trọng đến nhân cách con người. Chú trọng đến tác phong đạo đức của nhà giáo. Chú trọng từ cách ăn mặc, lời nói, cách ứng xử…  Thầy Võ Sum giảng dạy môn Giao Tế Xã Hội thường xuyên nhắc nhở chúng tôi về cách giao tiếp : Các anh chị mỗi khi lên xuống thang lầu, các anh phải nhớ nhường phía tay vịn cho các chị. Khi lên các anh nên đi phía sau, khi đi xuống các anh phải đi phía trước các chị. Khi ra đường nếu đi với các chị thì các anh luôn đi phía bên tay trái của các chị. Các anh phải cầm dù và xách những cái túi  nặng cho các chị nhưng không phải xách hết phải để lại cho chị một cái ví nhỏ, con gái người ta còn có cái để làm duyên.v.v và v.v…Chúng tôi nghe các chị ở những khóa trước kể rằng : Vào thời đó người ta thường nói rằng nam mà vào sư phạm thì “yếu”. Vì thế thầy Trần Văn Mẫn, Hiệu Trưởng thường nhắc nhở các giáo sinh nam là:  Chúng ta có thể chấp nhận cho các chị vì họ là phái “yếu”. Các chị mơ mộng, yếu mềm vì có thể trong số các chị ở đây có  người yêu ở xa. Trong những đêm mưa nội trú thao thức nhớ đến người yêu giờ này đóng quân ở một tiền đồn heo hút nào đó? Còn các anh là nam thì không thể có những tư tưởng yếu đuối được, mà phải mạnh mẽ lên! Đừng để mang tiếng : Trai Sư Phạm thế này? Hay thế nọ?…Cứ thế, các thầy dạy rất kỹ những vấn đề nhỏ cho đến vấn đề lớn trong giao tiếp. Mà đúng như vậy! Có những điều rất bình thường nhưng nếu các thầy cô không nhắc nhở thì ta lại không chú ý, không nhớ  hay quên đi. Chúng tôi không thể nào quên những thầy giáo giảng dạy trong hai năm sư phạm: 
Thầy Nguyễn Kim Tính nghiêm khắc nhưng rất mô phạm. Thầy giảng dạy chúng tôi năm nhất niên về môn Giáo Dục Cộng Đồng.
Thầy Nguyễn Văn Nở phong thái đỉnh đạc, tính tình điềm 
đạm, nói năng lưu loát trong các kiến thức môn Sư Phạm Lý Thuyết. Sợ nhất là giờ Tâm Lý của thầy Đàm Khánh Hỷ
 vì chúng tôi có chịu học bài đâu? Biết thế nên thầy thường xuyên dò bài, mục đích giúp chúng tôi nắm vững. Thế mà những điều gì đã hiểu được thì kiến thức đó giúp chúng tôi rất nhiều trong công việc cũng như trong cuộc sống.Thầy Đặng Văn Bồn
Thầy Đặng văn bồn đi dự họp mặt năm 2012 tại Trầu Cau 

 thuyết giảng lôi cuốn về các vấn đề của môn Giáo Dục Cộng Đồng. Thầy Nguyễn Văn Tôn
Thầy cô Nguyễn Văn Tôn Tại úc năm 2012

 đạo mạo, chững chạc nhưng rất gần gũi đưa chúng tôi đến những hiểu biết rất nhiều về môn Kinh Tế Chính Trị. Thầy Phạm Sĩ Học với môn Thí Nghiệm Thực Hành và Toán học Ứng Dụng giúp ích cho chúng tôi rất nhiều về kiến thức cơ bản của Toán học.
Thầy Lê văn Toản với môn học Quản Trị và Thanh Tra Học 
Đường đã giúp chúng tôi có một cái nhìn về cách tổ chức trong nhà 
trường và giúp ích rất nhiều cho các bạn sau này làm quản lý.
Thầy Đinh Kim giao cho chúng tôi những bài thuyết trình vế 
Các Vấn Đề Giáo Dục và nhờ vậy chúng tôi nắm nhiều kiến thức 
và dạn dĩ trước mọi người hơn.
Thầy Hoàng Hy
Thầy Hoàng Song Nhy

 rất nghệ sĩ, đem đến những giờ học hát vui 
tươi thoải mái, những căn bản về nhạc lý mà mãi sau này vào đời 
vẫn giúp ích cho cuộc sống của chúng tôi. 
Thầy Phan Thâm,

Thầy Phan Thâm và Huỳnh Kim Thạch ngày về trường kỷ niệm 50 năm -1962-2012

 thầy Bùi Thường với những bài họa đẹp và 
có ý nghĩa...
Thầy Phan Minh Ba, thầy Nguyễn Xuân Triêm với giờ hoạt động thanh niên thật vui và bổ ích…
và còn rất nhiều  các thầy cô giáo khác như thầy Tạ Quang Khanh giảng dạy môn Anh Văn, thầy Thái Văn Liêm…luôn đem đến những kiến thức, những điều hay, lạ mà trong các giờ học cho 
chúng tôi.
Dưới sự dẫn dắt của thầy Lê Văn Ba
Chúng tôi thấy ấm áp thân tình như trong cùng một gia đình và lớp tôi là:

GIA ĐÌNH NHỊ SÁU.
Trường Sư Phạm hàng năm tổ chức những cuộc thi văn nghệ 
giữa các lớp không phải chỉ là thi đua và giải trí mà qua những lần 

hội thi giúp chúng tôi đoàn kết, gần gũi, thương yêu nhau hơn. Rồi 
cũng qua những tiết mục văn nghệ thấm đượm tính dân tộc tạo cho 
chúng tôi tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng bào, yêu cộng 
đồng, yêu trường lớp, yêu nghề…
Còn rất nhiều điều chúng tôi được học từ các thầy cô dưới 
mái trường Sư Phạm mà không thể kể hết được. Thế rồi, các kiến thức ấy, các điều ấy ! Cứ đọng lại trong chúng tôi mỗi ngày một ít như  :“ Mưa dầm thấm đất”. Và rồi nó ăn sâu nảy nở trong tâm hồn chúng tôi như những đóa hoa rực rỡ nhiều màu sắc. Hàng năm, từ mái trường Sư Phạm Qui Nhơn tiễn đưa lớp lớp những giáo viên lên đường đi khắp mọi miền đất nước. Từ đồng bằng đến miền núi xa xôi hay hải đảo. Các thầy cô đã trang bị cho chúng tôi quá đầy đủ nên chúng tôi không chỉ là những giáo viên dạy Tiểu Học mà còn dạy cấp hai, cấp ba…  hoăc cũng có thể dạy các môn khác như : Nhạc, Họa, Thể Dục, Ngoại Ngữ…Nhiều người trong số chúng tôi là giám đốc Sở, Thanh Tra, Hiệu Trưởng, giáo viên dạy giỏi… Sau 1975, những giáo học Cấp Bổ Túc ngày xưa ấy lại càng phát huy năng lực. Trong ngành Giáo Dục, chúng tôi đều là những người tiên phong. Chúng tôi giữ vị trí then chốt trong chuyên môn. Trong trường học, Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, các Tổ Trưởng Chuyên Môn đa số đều không phải là những người có bằng cấp học vị cao mà là những người chỉ có Chứng Chỉ Khả 
Năng Sư Phạm Ban Thường Xuyên Hai Năm. Tất cả chúng tôi 
giảng dạy rất vững vàng, có phong cách riêng, có lương tâm của 
một nhà giáo chân chính… Trường Sư Phạm Qui Nhơn nói chung 
và các thầy cô giáo nói riêng đã đào tạo cho chúng tôi thành những 
giáo viên đa năng.
Các thầy cô giáo trường Sư Phạm Qui Nhơn đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều: Đó là kiến thức và trải nghiệm. Đó là niềm say mê và sáng tạo. Đó là tính độc lập tự chủ để tìm hướng đi đúng đắn trong nghề. Các thầy cô là những người cho chúng tôi những bài học đầy tính nhân văn mang đậm tình người, tình quê hương, dân tộc. Các thầy cô đã đi qua đời chúng tôi hun đúc tính cách, con người chúng tôi…Các thầy cô giáo âm thầm và lặng lẽ gieo vào hồn chúng tôi những nốt nhạc trầm lắng êm đềm nhưng da diết và sâu sắc.Và điều đó đã giúp chúng tôi suốt những năm tháng giảng 
dạy luôn có được phẩm chất nhân cách của người thầy. Trên bục 
giảng, vững vàng về kiến thức. Mẫu mực đối với học sinh và phụ 
huynh. Bây giờ thì chúng tôi đã hoàn tất công việc củanhà giáo.Tuy rằng trên con đường đến bến bờ ấy không phải lúc nào chúng tôi cũng nhận được sự êm ả. Thế nhưng mỗi khi có những sóng gió, lời thầy cô lại vang vọng giúp chúng tôi mạnh mẽ vượt qua.  Xin mãi mãi tri ân các thầy giáo cô giáo! Chúng tôi xin mượn lời của Carl Jung để bày tỏ lòng tri ân đến các thầy cô, một thời giảng dạy dưới mái  trường Sư Phạm Qui Nhơn :“Người ta hồi tưởng lại với sự cảm phục những nhà giáo lỗi lạc với sự biết ơn những người đã tác động vào xúc cảm nhân văn của ta. Chương trình giảng dạy là nguyên liệu cần thiết nhưng năng lượng ấm áp mới là yếu tố cần thiết cho cây lá phát triển và cho tâm hồn của trẻ…” Chúng tôi nghĩ rằng không thể thốt lên bằng lời mà nói hết lòng tri ân đối với thầy cô giáo. John. F. Kennedy nói rất đúng là : Khi chúng ta bày tỏ lòng biết ơn, chắc chắn chúng ta không bao giờ quên sự tri ân cao quý nhất không phải chỉ thốt ra bằng lời, mà chính là sống theo những lời tri ân ấy”. 
Sài Gòn, 9/4/2013

   BBT.