Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2013

BỐN MƯƠI NĂM NHÌN LẠI- PHAN VĂN THANH


                          
   Phan Văn Thanh.

          Chiều xuống thật nhanh và hối hả như nhịp sống ở thành phố Sài Gòn vốn thường xuyên sôi động này. Ngoài đường, người người, xe cộ ngược xuôi rộn rịp, ồn ào và tấp nập…
          Tiếng chuông điện thoại reo lên:
          -Alô!
          -Cho gặp Phan Văn Thanh?
          -Vâng, Thanh đây!
          -Vĩnh Tuấn đây!
          -Ồ, chào Vĩnh Tuấn! Bây giờ bạn đang ở đâu?
          -Đang ở Sài Gòn, nhà Huỳnh Kim Thạch…đến chơi nghen!
          -…
          Máy tắt rồi mà sao tâm trạng tôi cứ bồi hồi, giọng nói người bạn thân học chung lớp Sư Phạm năm xưa làm cho tôi nhớ lại một thời Qui Nhơn đầy kỷ niệm.
          Mùa hè đỏ lửa năm 1972, một Mùa Hè chiến tranh khốc liệt. Máu đổ trên quê hương Việt Nam nhiều hơn màu đỏ của hoa phượng. Tất cả mọi nơi đều rền vang tiếng bom đạn kinh hoàng, người dân cứ chạy, cứ chạy ngược xuôi…để tránh xa vùng giao tranh…
          Tôi không có con đường lựa chọn nào khác là rời ghế trường Trung học để vào Sư Phạm.
          Chẳng thấy thích thú và hấp dẫn gì mấy với cái nghề “giáo làng” hay nghề “gõ đầu trẻ” này. Vì thế, nên khi vào đây tôi mang tâm trạng chán nản nặng nề nên rất thờ ơ hay nói chính xác là dửng dưng đến mọi việc từ học hành cho đến bạn bè hay mọi sinh hoạt của trường, của lớp.
          Ngày tháng trôi đi, hết Thu, sang Đông, Xuân tới, hè về…Tuổi trẻ cũng chóng quên và dễ thích nghi. Tôi bắt đầu thấy mến trường yêu bạn. Ngôi trường uy nghiêm nằm nép mình dưới dãy núi và yên bình bên biển xanh sóng vỗ, bên tiếng gió thổi rì rào qua hàng dương…Các bạn trong lớp từ mọi nơi đến nhưng tất cả đều hiền và hòa đồng vui vẻ.
          Tôi ở ngoại trú nên hàng ngày trên những chuyến xe Lam thường đi học với các bạn. Rồi không biết lúc nào đó tôi, Thanh Tùng, Vĩnh Tuấn trở thành ba người bạn thân với nhau.
          Vĩnh Tuấn cao cao, dáng người thể thao, thường hay vui cười, nói giọng Huế .
          Thanh Tùng rất cá tính, rất là “Men”, mạnh mẽ, hoạt bát và hơi bất cần đời.
          Tôi nhỏ con nhất, chẳng có gì đặc biệt ngoài những nhận xét hay kết luận hơi thâm thúy một chút nhiều lúc Tùng và Tuấn cũng phải “nghĩ lại” và thỉnh thoảng lại kể những mẩu chuyện “tếu” hay chọc cười cho cả nhóm.
          Chúng tôi bắt đầu mến các bạn trong lớp, nữ hiền hậu, thùy mị dễ thương, nam thì chân chất…
          Tôi tham gia văn nghệ của lớp. Tôi được các bạn nữ giao một vai diễn trong Hoạt cảnh Miếng Trầu Duyên. Một vai mà tôi và Sĩ Tạo nhớ đời đó là vai bưng quả (do hai đứa tôi chiều cao hơi khiêm tốn). Không ngờ những buổi tập dợt thật là vui! Các bạn nhiệt tình lo cho lớp và rồi chúng tôi đạt kết quả cao nhất toàn trường của hai khóa 11 và 12.
          Những ngày sau đợt thi Văn Nghệ, lớp chúng tôi lại càng vui vẻ hơn. Có giờ học nào rảnh là bạn Huỳnh Ngọc Tượng ôm chiếc đàn guitar lên trước lớp và cà lớp hát vang những bài hát Việt Nam quê hương ngạo nghễ của Nguyễn Đức Quang:
          Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn. Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang. Lê sau bàn chân gông xiềng của thời xa xăm.  Đôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang…
          Có lúc cao hứng Ngọc Tượng và cả lớp gào lên:
          Anh đã biết, anh đã biết,  yêu em là tuyệt vọng, mà vì sao? Mà vì sao?anh vẫn cứ yêu thương…
          …Anh yêu em, anh yêu em như rừng yêu thú dữ. Anh yêu em, anh yêu em không còn chi nói nữa…
          Vì tất cả chúng tôi biết rằng, thời gian còn lại của chúng tôi sẽ chẳng còn là bao? Sau đợt thực tập này chúng tôi sẽ chia nhau mỗi người một phương lên đường…Tất cả đều muốn nói những ước mơ của tuổi hai mươi…nhưng cổ họng như nghèn nghẹn…Muốn được sống, muốn được ăn, muốn thở, muốn yêu, muốn thương… nhưng chiến tranh “chặn lối”, chúng tôi ở trong những ngõ cụt…cho nên thôi cứ hát vang hay nói đúng hơn là muốn gào cho thật to những khát khao bỏng cháy trong con tim đầy nhiệt huyết này ..
          Tháng 7 năm 1974 chúng tôi ra trường. Mỗi chúng tôi không còn đi chung trên một chuyến đò mà mỗi lữ khách mang riêng cho mình một hành trang đến một bến bờ xa lạ… Chúng tôi đồng lòng hẹn nhau Mùa Hè đến sẽ gặp nhau.
          Nhưng…Mùa Xuân 1975 chúng tôi vĩnh viễn chia tay nhau. Một cuộc chia tay dài gần 40 năm.
…Sự chờ đợi đã mỏi mòn, vài người trong chúng tôi sức tàn cạn kiệt, đôi ba người đã phải từ bỏ cuộc chơi…Thế rồi như một định mệnh…”hữu duyên thiên lý năng tương ngộ” …người ở chân trời góc bể, người tứ phương lại tìm nhau, nối kết yêu thương hẹn hò một ngày về.
Tôi biết tin Đỗ Thanh Tùng qua bạn Huỳnh Kim Thạch trong chuyến bạn ấy đi miền Trung : Quảng Ngãi, Hoài Nhơn, Phú Yên, Bình Định…Bây giờ bạn ấy là người đã xuất gia. Nhìn tấm hình, tôi không nhận ra bạn ấy, một chàng trai nước Việt tuổi hai mươi ngày xưa vĩnh viễn mất đi theo thời gian…Mong rằng bạn ấy luôn tìm niềm vui hàng ngày trong “kinh sớm mõ chiều”.
Còn Trần Vĩnh Tuấn thì có bạn nói rằng bạn ấy đã mất rồi. Thế rồi một hôm nhận được tin vui, cũng qua bạn Huỳnh Kim Thạch là đã liên lạc được với bạn Vĩnh Tuấn từ Úc. Tôi vui mừng, chờ đợi …và bây giờ chúng tôi được gặp nhau.
Hoàng hôn bao trùm, Sài Gòn lung linh muôn ánh đèn màu. Gió từ sông Sài Gòn thổi ngược lên lồng lộng cũng như tâm hồn tôi trở nên dịu mát trước cuộc hội ngộ…tôi hối anh “xe thồ” :
-Anh chạy nhanh một tí nữa đi!
Lòng tôi nôn nao mong nhanh chóng đến gặp lại Vĩnh Tuấn sau 40 năm xa cách. Xem “dung nhan đó bây giờ ra sao?” Tôi tưởng tượng ra trước mắt tôi, hình ảnh ngày nào trong sân trường Sư Phạm Qui Nhơn ba đứa chúng tôi sánh bước bên nhau huyên thuyên tranh luận…
Cho dù thời gian có phủ mờ tất cả nhưng tình bạn vẫn sống mãi trong tôi. Tôi ngước lên nhìn bầu trời cao, hình như có ba ngôi sao nào đó đang bừng sáng…
Sài Gòn, tháng ba…
Phan Văn Thanh.
          `

          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét