Hồ Quang Thanh,
Chiều chưa tắt hẳn, trăng đã từ từ lên
trên ngọn tre đầu xóm. Trăng rằm nên tròn vành vạnh. Cơn gió từ dưới cánh đồng
đưa lại mang theo mùi ngai ngái của bùn đất rơm rạ. Sau một ngày nắng nóng,
trời bỗng dịu mát…mọi người tay cuốc tay cày cùng trâu bò lục tục trở về. Trên
những mái nhà xa xa, khói lam chiều bay lên, lan tỏa rồi quyện vào không trung
như một dải lụa dài màu xám trắng…
Tôi ngồi một mình trước hiên nhà uống
chén nước. Một tiếng chuông của ngôi chùa trong làng thong thả ngân vang trong
không gian êm ả của cuối chiều, tôi thấy tâm hồn mình thanh thản một cách kỳ
lạ…và chợt ngẫm nghĩ về cuộc đời của mình, rồi chợt nhận ra rằng sao nó trôi đi
như một dòng sông…
Năm 1972, rời ghế phổ thông, tôi vào
trường Sư Phạm Qui Nhơn. Tuổi trẻ với rất nhiều hoài bảo khát khao bỏng cháy
trong lòng. Bạn bè lớp tôi vui vẻ, chân chất, dễ gần…nên rất vui. Năm nhị niên,
tôi được các bạn trong lớp bầu làm liên toán trưởng(lớp trưởng). Những giờ rỗi,
tôi thường tập cho các bạn ở nội trú một vài thế võ để tự vệ. Nhờ vậy tôi sinh
hoạt gần gũi, chan hòa với các bạn nhiều hơn.
Hai năm sau hăm hở ra trường lên đường
dạy học. Tôi được giảng dạy tại Bình Định nên gần nhà. Được sáu tháng, mùa Xuân
năm 1975 tôi trở về lại ngay tại quê nhà…rồi do có những con sóng ập đến cuộc
đời nên tôi không tiếp tục đi dạy mà phải lui về vui vầy với ruộng đồng…Để có
cái ăn, tôi cùng gia đình làm nông, tay cuốc, tay cày…
Cũng may là tôi có chút chút võ nghệ
nên mở lớp dạy võ cổ truyền. Tiếng lành đồn xa, học trò đến học cũng đông. Tôi
tập luyện và thường xuyên dẫn học trò đi thi đấu khắp nơi. Nhưng khi trở về
cuộc sống vẫn là “Một nắng hai sương”, “con trâu đi trước, cái cày theo sau”.
Ngày qua tháng lại, bốn mùa trôi đi…cuộc
đời tôi vẫn như là một dòng sông chảy êm đềm và hiền hòa…
Rồi cũng vào một buổi chiều, có cậu bé
tìm gặp tôi và cho tôi biết nó là con của Nguyễn Duy Trinh. Trinh là người bạn
học cùng lớp 6 khóa 11 trường Sư phạm Qui Nhơn.
-Thưa bác! Ba con mời bác lên nhà
chơi.
Tôi hẹn hôm sau sẽ lên nhưng rồi bận
bịu công việc quên mất.
Vài ngày sau nó lại xuống lần nữa! Lần này tôi đi theo
lên nhà thăm luôn.
Gặp nhau, cả hai cùng mừng rỡ! Trinh
nói:
-Tao bị “K”, bác sĩ nói tao không còn
sống bao lâu nữa! Nếu thuốc thang thì có thể cầm cự được vài ba tháng, còn nếu
cứ để vậy thì chỉ có thể kéo dài khoảng một tháng?!
Tôi nhìn Trinh, thấy cậu ấy ốm đi
nhiều, da bọc xương, cặp mắt sâu hoắm! Duy nhất còn lại trên khuôn mặt là nụ
cười vẫn vui và lạc quan.
Trinh cầm chai rượu rót mời tôi, tôi giơ
tay cản:
-Mày bịnh mà sao lại uống ?
-Trước sau cũng chết, kiêng cử làm gì
nữa? Mày uống với tao một ly, biết đâu đây là ly cuối cùng tiễn biệt?!
-Nói bậy nà!
Tối đó, tôi và Trinh ngồi bên nhau nói
những chuyện ngày xưa đi học Sư phạm, về các bạn trong lớp, về những ngày đi
dạy…Khi nhắc đến khoảng thời gian này, ánh mắt Trinh như linh hoạt hẳn lên, bạn
ấy say sưa tâm sự những kỷ niệm của một thời…
Một thời gian sau cái đêm hôm chúng
tôi chuyện trò, Trinh vĩnh viễn ra đi về nơi nào xa lắc…Tôi khóc và đưa tiễn bạn
về với lòng đất vào một chiều mưa buồn ảm đạm. Thế là hết một kiếp người. Con
người, tất cả rồi cũng trở về cát bụi…
Dòng sông vẫn cứ chảy, Mặt Trời vẫn
mọc và vẫn lặn theo chu kỳ của nó…và tôi vẫn trôi xuôi theo dòng đời… cuộc sống
vẫn hàn vi!
“Ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch, người
quân tử ăn chẳng cầu no…”
Rất thanh bạch nhưng hàng ngày vui vầy bên gia đình bà
con giòng họ. Có sức khỏe để chỉ dẫn cho các đệ tử những thế võ rồi lại thầy
trò cùng nhau thi đấu…
Như cây cổ thụ, có ngày rồi cũng già cỗi đi. Con người
không thoát khỏi qui luật sinh lão bệnh tử. Một sớm mai thức dậy, tôi biết mình
mắc một căn bệnh nan y! Tôi chấp nhận và đối mặt! Khi dòng sông nổi sóng! Tôi
phải đương đầu một mình chống lại những phong ba bão táp. Tôi không muốn người
thân lo lắng cho tôi. Tôi lên núi, xuống biển đi tìm thuốc chữa bệnh cho mình.
Có lúc tưởng tuyệt vọng, có lúc định buông xuôi, có khi lóe chút ánh sáng, lúc
lại tràn đầy hy vọng…
Một năm, hai năm, ba năm…rồi năm năm…Tôi tránh gặp bạn
bè vì ngại…!!!
Ngày 2 tháng 5 năm 2012 nghe tin các bạn trở về thăm
lại trường xưa. Tôi ngại ngùng đến gặp các bạn…Nhìn ngôi trường Sư Phạm cùng
bạn bè xưa…lòng tôi quặn thắt. Nhìn các bạn nói cười, tôi cũng cố cười vui các
bạn nhưng trong lòng tôi luôn khắc khoải và tự hỏi?
…Còn bao lâu cho
thân thôi lưu đày chốn đây
Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân
này…(Phúc Âm Buồn-TCS)…
Tôi chẳng muốn cho bạn bè biết mình bị bệnh.
Thế rồi một hôm, Thu Tịnh, người bạn cùng lớp ở Sư
Phạm tìm đến nhà và ghé thăm tôi. Chúng tôi tay bắt mặt mừng. Ngồi bên nhau hàn
huyên tâm sự thật nhiều. Tôi mừng lắm! Lòng tôi như ấm lại. Vậy là bạn bè không
quên tôi. Thế mà bao nhiêu năm nay, trong lòng tôi mang nặng những tự ti… không
đáng có.
Từ đó tôi thay đổi cách nhìn và cảm thấy vui hơn. Tôi
vào Sài Gòn xuống Tây Ninh đi lấy thuốc. Lần nào tôi cũng ghé thăm một vài
người bạn rồi cùng bạn ấy đi gặp các bạn như Hữu Tình, Lệ Thu…và còn nhiều bạn
khác nữa.
Một lần khác, căn bệnh tôi trở nặng. Tôi vào Sài Gòn
xuống Cần Thơ để chữa bệnh và ngồi Thiền. Rất cảm động! Khi các bạn nghe tin
gọi điện hỏi thăm, động viên tôi, mong tôi cố gắng thuốc thang. Tôi thấy nghẹn
ngào dâng trào những cảm xúc! Xin cám ơn những tấm lòng của các bạn!
Cả lớp tôi đồng lòng cùng nhau tháng 7/2013 về Qui
Nhơn họp mặt. Tôi mong sao mình được sức khỏe đến ngày đó để gặp lại bạn bè.
Một buổi sáng, tôi nhận được điện thoại của một người
bạn :
-Thanh ơi! Mình vừa tìm ra một loại thuốc trị bịnh cho
bạn rồi.
Bạn ấy hồ hởi;
-Trong chuyến về quê, mình đã nhờ người mua dùm, loại
này nhiều người uống đã lành bệnh. Thanh vào Sài Gòn ghé nhà lấy thuốc nghen.
Tấm lòng của bạn tôi rất chân tình, tôi nghẹn ngào
không nói nên lời…và cũng nhờ những thang thuốc của bạn, bệnh tôi cũng có phần thuyên
giảm.
Ngày về gặp nhau, các bạn có phát hành tập kỷ yếu của
lớp, tôi vô cùng cảm kích các bạn đã bỏ biết bao nhiêu công sức để làm nên. Tôi
tuy bệnh nhưng cũng cố gắng viết vài dòng gởi các bạn:
Trước tiên,
chúng ta cùng đốt nén hương lòng cho các bạn đã “trốn” chúng ta đi về cõi vĩnh
hằng.
Các bạn còn
lại thân mến!
Sau 39 năm
chúng ta mới có dịp đoàn tụ.
Sau đêm “lửa
tàn” đa số anh em tưởng rằng giữ vững nhịp bước thầm lặng trên đường giáo dục.
Rồi biến cố lịch sử 75, anh em chúng ta chuyển mình, mỗi người bước vào giai
đoạn mới, một vũ điệu cuộc đời khác nhau. Sự thăng giáng khôn lường! Ai cũng có
niềm ưu tư riêng cả. Có bạn tri mà không có thức, có bạn thức mà không có tri,
có bạn đạt cả tri lẫn thức như bạn Thanh Tùng. Vậy biết chôn sâu trong yên
lặng.
Giờ đây tất
cả chúng ta bước vào tuổi lục tuần…cũng nên xả ly tất cả để trở về mái nhà xưa
sum vầy cùng gia đình nhị 6.
Chúng ta đừng
mong cầu, đòi hỏi, chớ bài xích hay tán dương. Đứng lý giải so sánh thì suối
nguồn tình thương trong chúng ta rung cảm trào dâng, thì gia đình mình được an
bình hạnh phúc và Gia Đình Nhị 6 ngày một gắn bó nhau hơn.
Lời cuối cùng
muốn nói với các bạn là “Giờ còn có nhau giúp nhau cho thật nhiều,ngày nào mất
nhau sớt chia chẳng được đâu
(NĐQuang).
Mai đây, tất
cả dòng sông đều đổ ra biển, hòa vào đại dương mênh mông…ta còn lại gì? Hay chỉ
còn lại tình người trong nhau mà thôi.
Tháng tư, 2013.
Hồ Quang Thanh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét