Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

TẢN MẠN-HUỲNH VĂN TRIÊN


          

     Huỳnh Văn Triên.
ngày đến
Lần đầu tiên tôi “xuất dương” - Hồi đó đi từ Quảng Ngãi đến Quy Nhơn hầu hết chỉ đi bằng tàu thủy loại nhỏ- là đi Quy Nhơn để thi vào Sư Phạm. Đó là lần tôi đi xa nhất  từ khi còn nhỏ. Sau này và cho mãi đến bây giờ, không còn nhớ là đã bao lần ra đi nhưng  chuyến đi đó vẫn mãi là chuyến đi còn đọng lại trong trí nhớ của tôi. Điều gì ư?
Vốn là anh học trò trường làng, mãi đến lúc hơn 10 tuổi tôi vẫn sáng chiều quanh quẩn ở thôn quê chưa ra khỏi huyện. Thấy súng đạn, xe tăng và máy bay trước khi thấy đèn điện. Vì vậy, mà khi được ra phố thấy quạt trần chạy xè xè cứ đứng nhìn mãi trầm trồ với mẹ rằng nhà họ có chong chóng trực thăng! Sau này khi kể lại cho các con, chúng nó cứ cười khúc khích. Đến khi học cấp 2 được lên phố huyện, cấp 3 lên phố tỉnh đã mở mang dần cho tôi hiểu biết được nhiều điều mới mẻ và cũng hình thành nên biết bao nhiêu ước mơ hoài bão. Thế rồi những ngày hè năm 1972 đỏ lửa đành phải từ giã mái trường phổ thông Trần Quốc Tuấn thân yêu rẽ bước sang một trang mới mà chưa kịp chuẩn bị điều gì…
Tôi theo các bạn xuống tàu để đi thi SPQN, được lênh đênh trên biển, từ chiều tà cho đến đêm cảnh vật cứ lung linh thay đổi. Từng đàn cá chuồn bay theo tàu sáng lên như những dãi bạc, xa xa trong bờ là những vệt sáng tối của đạn đại bác hoặc những ánh sáng le lói của hỏa châu hòa quyện như một bức tranh vừa yên bình vừa dữ dội với biết bao nhiêu cảm xúc rồi lạc dần vào giấc ngủ cho đến khi tỉnh dậy thì xa xa trước mắt tôi các bạn có biết gì không? là cả một dãy dài những đèn là đèn! Tôi cứ tự hỏi và tìm trong trí nhớ rằng, sách địa lý mà tôi đã học không thấy có thành phố nào gần Quảng Ngãi mà lại lớn đến vậy! Tàu vào dần đến cảng Quy Nhơn thì tôi mới biết rằng, hóa ra đó là đèn trên các tàu đánh cá! Vậy đó, các bạn thấy là sự hiểu biết của anh học trò trường làng là như thế nào và điều đó mãi là một kỷ niệm đi theo suốt trong tôi. Tôi bước chân đến Quy Nhơn như vậy đó.
lạc nhau
Ngày nhận được tin trúng tuyển từ cô tôi, trong khi nhiều bạn thân cùng lớp bị rớt, quả thật tôi không thấy mình vui nhiều lắm cứ lừng khừng không muốn nhập học. Cô tôi cứ dục mãi và sau này với sự ác liệt của chiến tranh, tôi thấy sự biết ơn của mình với cô thật lớn, nếu không nhập học thì ai mà biết là sẽ ra sao!
Tôi khăn gói vào Quy Nhơn, xa mẹ với tấm lòng nặng trĩu vì chỉ còn mỗi mẹ thui thủi sớm hôm, cha tôi thì xa quá! Xa mẹ, tôi bỗng thấy nhớ thương mẹ vô cùng, sau tết năm 1973 trên tàu vào Quy Nhơn lúc gần sáng và chỉ còn cách cảng có mấy cây số bỗng dưng bị gió lốc trong khi tàu hết dầu không điều khiển được bị trôi dạt tự do theo con sóng, càng gần bờ sóng càng dữ dội tàu có thể bị chìm bất cứ lúc nào. Trong lúc đối diện với hiểm nguy, bao nhiêu người ôm nhau ở ca bin thì chỉ mình tôi leo lên đầu mũi tàu và lúc đó trong tôi sao bình tĩnh lạ lùng chỉ nghĩ đến mẹ sẽ không bao giờ biết mình chết ở nơi này. Nhìn ra xa thấy một con sóng rất to và cao, tôi chờ và khi con sóng đánh vào tàu, mũi tàu nhẹ hơn nên quay rất nhanh vào hướng bờ và tôi lao xuống, thật may mắn rồi tôi cũng leo được lên bờ. Tôi la lên: Mẹ ơi! con được sống rồi! Bây giờ mỗi khi nhớ lại tôi vẫn thấy đôi mắt mình cay xè! Đúng như Steve Jobs đã nói: “ Không ai muốn chết cả. Ngay cả những người muốn lên thiên đàng cũng không muốn chết để được đến  đó…”.  Các bạn hãy thông cảm!
Rồi những ngày mới ở trường SPQN cũng bắt đầu, ngỡ ngàng với ngôi trường thật đẹp, ngượng ngùng và lúng túng làm quen với các bạn mới nhất là các bạn nữ vì những năm lớp 10, lớp 11 trong lớp tôi toàn là bạn nam. Ôi, thân yêu sao những ngày xưa ấy, nhớ sao các bạn nam trong lớp rất ngoan các bạn nữ thì đúng là công- dung- ngôn- hạnh, nhớ sao môn giáo dục cộng đồng, những ngày đi dạy thực tập, những lúc đón xe lam lại gặp các bạn nữ của lớp, nhớ da diết làm sao những lần cả lớp tổ chức tập văn nghệ để hội diễn với trường, những lần đi picnic…; cái tình cảm đó chắc là trong mỗi chúng ta không thể nào quên được.
Rồi 2 năm học cũng qua đi, lần chia tay năm 1974 ấy có ai ngờ đã gần bốn mươi năm, trong chừng ấy năm anh em mình gần như thất lạc nhau, nào ai biết được phải không các bạn?
ngày về
Từ năm 1982 cho đến 1986 khi còn làm việc ở Quy Nhơn gặp lại các bạn Trần Đình Tín, Nguyễn Sĩ Tạo thật là mừng, thông tin về lớp cũ thì gần như rất ít biết, những năm khó khăn ấy mãi lo toan cho cuộc sống thường nhật, dù có muốn gặp nhau cũng thật là khó khăn.
Mỗi khi trên đường vào Quy Nhơn, nhìn thấy các tháp Chăm lại nhớ những ngày cả lớp đi picnic; đứng trước trường nhìn ra Cù Lao Xanh lòng bồi hồi xúc động nhớ lớp nhớ các bạn vô cùng! Nhớ bạn Hoài Thanh, bạn Ren… là những thành viên tích cực nhất của lớp, không có các bạn thì chắc là cũng khó có cơ hội để cả lớp có được những ngày dã ngoại thật lý thú, có lẽ điều đó đã gắn bó tất cả chúng ta để có ngày hội tụ sắp đến.
Trong những ngày đầu tháng 8 năm nay, tôi bất ngờ nhận được điện thoại của các bạn Kim Thạch, Tự Tín… và qua Ban liên lạc mà có thông tin của gần hết các bạn trong lớp để từ đó điện thoại, email thăm hỏi và ai cũng e bạn mình không còn nhận ra sau chừng đó thời gian nên gởi ảnh cho nhau, thật là một cuộc tiền hội ngộ thú vị và cảm động. Rồi các Thông báo số 1, số 2… của Ban tổ chức cho ngày gặp mặt được liên tục phát ra cho thấy cái “nóng” của tình cảm cả lớp lớn biết chừng nào, chỉ mong có cơ hội để gặp nhau và chia xẻ. Ai cũng mong muốn tổ chức càng nhanh càng tốt vì quỹ thời gian không còn nhiều nữa! Điều gì thôi thúc chúng ta như vậy? Chắc chắn rằng đó là vì tình cảm tốt đẹp mà trong hai năm học chúng ta đã chân thành xây dựng cho nhau. Thật là đẹp biết bao!
Tôi không nói đến những lần ra đi, ai trong chúng ta mà chẳng biết bao lần ra đi, mỗi ngày trôi qua là một lần ra đi. Lúc này tôi rất mong ngày về, ngày về đó đã được tất cả lớp chúng ta chọn và tôi chắc rằng ai cũng háo hức mong cho mau đến. Tôi, bạn sẽ chuẩn bị gì cho ngày về? Có gì đâu mà phải chuẩn bị phải không các bạn. Nó ở sẵn trong tim của mỗi người rồi mà!  
Tản mạn mấy dòng để góp vui với ngày về.  
Quảng Ngãi, tháng 9/2012
Huỳnh Văn Triên.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét