KÝ ỨC QUI NHƠN.
Văn Thái.
Trong cuộc sống, tôi may mắn được đến
nhiều nơi, nhưng gắn bó và có nhiều kỷ niệm sâu sắc nhất vẫn là thành phố Qui
Nhơn – thành phố hiền hòa nằm ven biển miền Trung đầy nắng và gió; con người ở
đây rất chân chất, thô mộc, mạnh mẽ nhưng giàu tình cảm và rất dễ gần. Tôi đã
sống, học tập ở thành phố này trong 2 năm trước 1975 và 4 năm sau ngày hoà bình.
Qui Nhơn những năm 72 - 74 là một thị
xã nhỏ, nằm lọt thỏm giữa các dãy núi hình cánh cung vươn ra biển, với mấy con đường
lớn: Gia Long, Phan Bội Châu, Lê Lợi, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Huệ, Tăng Bạt Hổ…Vào
Qui Nhơn bằng đường bộ chỉ có con đường độc đạo từ Phú Tài xuống. Nơi đông vui,
tấp nập hồi đó là công viên Quang Trung, Chợ Lớn và các phố trên đường Gia
Long, Phan Bội Châu. Khu vực Trường Sư phạm, Trường Kỹ thuật, Ghềnh Ráng, đường
Nguyễn Thái Học… lúc đó còn vắng vẻ, thưa người. Qui Nhơn và các vùng phụ cận có
nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hoá, làng nghề nổi tiếng mà tôi đã đến như:
Bãi tắm Hoàng Hậu, Qui Hoà, Tháp Đôi, Chùa Thập tháp, Tu viện Nguyên Thiều,
Điện Quang Trung, Cù Lao Xanh, bán đảo Phương Mai, Đập Đá, Gò Bồi…
Tôi học tại Trường Sư phạm Qui Nhơn ở phía Nam thành
phố, gần Ghềnh Ráng – nơi yên nghỉ của nhà thơ tài hoa Hàn Mặc Tử; đây là một
trong những trường chuyên nghiệp lớn của cả miền Nam, hàng năm đào tạo và cho
ra trường khoảng 600 giáo học bổ túc, cung cấp cho các tỉnh từ Quảng Tín đến Phan
Thiết và Tây Nguyên. Thời ấy Trường Sư phạm gồm hai khu nhà học và hành chính,
hai khu nội trú, một giảng đường lớn; quanh sân trường là những hàng phượng vĩ
và hoa sứ nở suốt mùa nắng. Tôi đã trải qua 2 năm học làm thầy ở đây và từ đó
yêu nghề dạy học, một nghề mà tôi đã gắn bó gần nửa cuộc đời làm việc trước khi
bước sang một ngả rẽ mới. Tôi có thêm thầy cô giáo mới, nhiều bạn bè mới ở các
tỉnh trong khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Đến giờ bạn bè tôi đã ở
độ tuổi U 60, xa mái trường gần 40 năm, nhưng khi gặp nhau đều tay bắt mặt
mừng, nhắc lại những kỷ niệm đẹp về những tháng ngày sôi nổi, trẻ trung ở tuổi
mười tám, hai mươi. Tôi nhớ về những
người thầy đáng kính như thầy Mẫn, thầy Sum, Thầy Ba, thầy Tháo, thầy Hỷ, thầy
Hoàng Song Nhi …, về các bạn Nhị sáu thân
thương như Ren, Hoài Thanh, Tâm Thanh, Ánh Tuyết, Tự Tín, Kim Thạch, Ngọc
Thạch, Sao Tây, Ngọc Thuyết, Ngọc Tượng, Hiền Tuấn, Vĩnh Tuấn, Thiên Tâm…Giáo
sinh sư phạm chúng tôi ngày ấy cũng oai ra phết, nữ mặc áo dài đến trường, nam
cà vạt, giày vớ hẳn hoi; mùa mưa ra phố các cô, các cậu ăn mặc bảnh bao, mang dù đen trông đạo mạo
không khác những nhà giáo thực thụ. Hồi ấy, tôi và một số bạn như Vĩnh Tuấn,
Sao Tây…vốn cao to nhưng lại nhút nhát rụt rè, tim đập thình thịch khi thầy gọi
phát biểu, lúc lên lớp dạy thực tập hoặc
đứng trước bạn gái. Lớp Nhị sáu chúng tôi đã có nhiều kỷ niệm đẹp trong các đợt
đi sinh hoạt cộng đồng, dã ngoại, kiến tập, thực tập, biểu diễn văn nghệ; có
những đêm không ngủ không thể nào quên ở Cù Lao Xanh, đêm lửa trại cuối khoá
học trong sân trường…Tôi thật sự yêu mến và tự hào về những người bạn một thời:
Ren hát hay, viết giỏi; Tâm Thanh thẳng tính, tếu táo; Ánh Tuyết sôi nổi, hồn
nhiên; Kim Thạch hết lòng vì bạn; Tự Tín, Sao Tây hiền hậu, chân thành; Ngọc
Tượng tài hoa..
Qui Nhơn ngày ấy đối với tôi có nhiều
thú vui: Ra phố bằng xe lam trả tiền theo chuyến, xe chạy liên tục suốt ngày
trên các tuyến đường; chỉ 10 đồng là có thể ngồi mãi trên xe đi dạo phố phường
cả buổi sau đó quay về Trường Sư phạm; có lúc chúng tôi lên xe gặp cô em xinh
xinh nào đó là cứ ngồi mãi chờ cơ hội làm quen, đến lúc cô xuống xe cả bọn mới chưng
hửng vì chưa kịp hỏi được cô tên gì. Cũng có khi cao hứng chúng tôi rủ nhau đi
bộ từ trường vòng qua “eo nín thở” xuống phố chỉ mỗi việc là vào quán uống cà
phê ngắm phố phường và ngưòi qua lại. Hồi ấy Qui Nhơn có rạp Trưng Vương và Kim
Khánh chiếu phim thường trực; nhiều chủ nhật rỗi rãi chúng tôi đi xe lam ra phố
mua bánh mì, nước uống vào rạp xem phim cả buổi đến thuộc…
Sau năm 75 tôi gắn bó với trường thêm
4 năm với bao khó khăn, vất vả; cái nghèo như đeo bám đến từng con người. Chúng
tôi ăn cơm độn ngô, độn sắn, độn bo bo với canh “toàn quốc”; lên giảng đường nghe
giảng có lúc bụng đói cồn cào. Nhiều lúc suy nghĩ đời mình quá giống những số
phận đầy bi kịch trong các tác phẩm văn
học. Qui Nhơn ngày ấy không như những năm 72 – 74; biển xanh, cát trắng, nắng
vàng vẫn thế, phố phường vẫn thế, nhưng không đông vui, ít người và ít xe cộ đi
lại hơn; không còn bóng dáng những nữ sinh mặc áo dài tha thướt đến trường.
Chúng tôi làm quen và thích nghi nhanh với cuộc sống mới; tập xếp hàng khi đến
nơi công cộng, đến các cửa hàng mậu dịch, khi xem phim. Cuộc sống xuề xoà, giản
đơn, chừng mực. Rồi thời gian cũng trôi qua nhanh, chúng tôi hoàn thành khoá
học, ra trường và tiếp tục làm cái nghề mà mọi người thường gọi là nghề cao quí
trong các nghề cao quí.
Bây giờ bạn bè lớp Nhị sáu chúng tôi
đã đến tuổi lên lão, nhưng mỗi khi gặp nhau vẫn ríu rít, nói cười rộn ràng như
thời trai trẻ; vui mừng khi biết bạn mình may mắn thành công; buồn, sẻ chia khi
biết tin bạn chẳng may qua đời hoặc bị lỡ gánh. Điều gì ngày xưa đắn đo chưa
nói bây giờ thoải mái vô tư chẳng chút ngại ngùng. Hơn một năm nữa thôi chúng
tôi sẽ lại gặp nhau ở thành phố biển Qui Nhơn để kỷ niệm 40 năm ngày ra trường.
Hai bạn Kim Thạch và Ren chắc là người khởi xướng cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này.
Tết năm nay Ren vào Tuy Hoà “alô” cho nhóm bạn Nhị sáu.
Chưa đầy nửa giờ Tâm Thanh, Ánh Tuyết, Văn Thái, Tự Tín, Văn Tiến, Hữu Tình đã có
mặt. Nhìn chúng tôi các chị nhắc nhở: Các ông phải “tút” lại nhan sắc trước khi
đi gặp mặt bạn bè vào tháng 7 này nhé. Tôi chợt nghĩ: Hoá ra con người không
cưỡng được qui luật thời gian, tất cả chúng ta đã già mà vẫn muốn níu kéo thời
trai trẻ. Nghĩ thế nhưng tôi và mọi người đều mong chóng đến ngày trở lại Qui
Nhơn.
Tuy Hoà, tháng 2/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét