Vương Hữu Thành
Vậy là gần 40 năm trôi qua, cuộc đời tôi biết bao những thăng trầm, đổi thay theo thời gian, vui, buồn lẫn lộn. Những năm tháng ấy có biết bao kỷ niệm từ những ngày tháng ấu thơ đến nay tuổi đã lục tuần. Những kỷ niệm làm tôi nhớ hoài, những kỷ niệm đẹp thời trai trẻ, mỗi khi nghĩ lại tình cảm lại dâng trào một tình yêu, tình bạn thật khó tả.
Tuổi đôi mươi của cậu sinh viên sư phạm mới ra trường, chỉ quen với vùng quê nghèo chưa một lần xa nhà ra ngoài tỉnh. Thế mà lại nhận công tác tại vùng cao nguyên xa lạ Pleiku, cái tên vừa lạ lẫm, chen lẫn sợ hãi quanh mình...
Đêm đó cả nhà hầu như không ai ngủ, bà và má cứ đi lại suốt vì lo cho đứa cháu, đứa con của mình ngày mai sẽ ra sao? Liệu có biết đường đi không? Đến đó không một người thân nào liệu nó ra sao? Trường nó dạy ra sao? Thầy giáo trẻ liệu có bị bắt nạt không?...
Mới bốn giờ sáng tôi đã liên hệ một chiếc xe cùng xã đi Pleiku. Bác tài ngạc nhiên vì tôi đến quá sớm, lên xe chọn một chỗ ngồi, xe đón khách trả khách, tôi ngồi bất thần không một tiếng động. Bỗng giật mình khi nghe bác tài nói “tới nơi rồi”. Nhìn quanh không có một bóng người thân, tôi vội vàng kéo cái túi xách và xuống xe. Cảm giác sợ hãi đang bao trùm quanh mình chẳng biết đi đâu về đâu ở xứ sở xa lạ này...
Như có bùa hộ mệnh, một anh thanh niên đi xe máy đỗ xịch trước mặt, một câu hỏi ấm áp làm sao “dân sư phạm Quy Nhơn phải không?” tôi vội gật đầu, gật đầu lia lịa như sợ anh không hỏi nữa, và thế là anh bảo tôi lên xe, chở về chỗ các anh tắm rữa, ăn uống và tối dẫn đến gới thiệu nhiều anh chị em khác. Bao nhiêu năm qua rồi nhưng tôi nghĩ chỉ có dân sư phạm mới có được tình cảm nhân hậu và sâu đậm đến thế. Mỗi lần nhớ lại mình vẫn bùi ngùi xúc động.
Sáng hôm sau tôi tạm chia tay các anh để đến Sở học chính Pleiku nhận công tác. Đến đó tôi đỡ cô đơn hơn vì ở đó tôi lại có anh Huỳnh Ngọc Tượng cùng lớp, thế là tôi có nơi tá túc. Nỗi lo lắng cứ vơi dần, mang lại cho tôi một cảm xúc mới lạ, lại được gặp những người bạn học có gia đình sống ở Pleiku như: Đặng Ngọc Lân, Tạ Thị Bích Lệ... Lúc đó tôi nghĩ rằng dù cuộc sống còn vô vàn khó khăn trước mắt nhưng tôi không cô đơn vì đã có bạn bè cùng chia sẽ, giải bày, cùng nhau vượt khó và tôi cảm thấy lòng thật nhẹ nhõm, bình tĩnh hơn sẵn sàng lên bục giảng cùng những học trò nhỏ thân thương. Suốt thời gian ấy bọn mình sống với nhau như anh em ruột thịt, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi. Lên bục giảng chưa được bao lâu thì đến đầu tháng ba tôi lại có quyết định chuyển trường mới, khi chuyển sang trường mới chưa đầy một tuần, sáng chủ nhật “ngày 16 tháng 3 năm 1975” thì tôi về Pleiku chơi. Đến nơi thì người dân ở Pleiku đang di tản, tôi tháp tùng theo xe anh chị của Lê Văn Cảnh, là bạn cùng khoá nhận công tác cùng trường. Xe đi theo hướng đường Bảy từ Pleiku về Phú Bổn qua Củng Sơn đến sông Ba. Nơi đây nước lớn chờ bắt phà qua sông, sau đó chúng tôi đi máy bay về Tuy Hoà. Đến trưa ngày 19 tháng 3 chúng tôi đã ở nhà Đặng Ngọc Tài, chiều đó cả nhóm lại được Tài cho đi dạo thị xã Tuy Hoà và sáng ngày 20 tháng 3 thì tôi về quê.
Dù năm tháng qua đi, cuộc đời tôi đã rẽ sang một hướng đi mới, nhưng những kỷ niệm đẹp của thời trai trẻ vẫn như là một trang huyền thoại của đời mình, tôi nhớ hoài trong ký ức chưa một lần lãng quên. Sau đó, năm 1977 tôi chuyển sang học một ngành mới, khoá I trường đại học Tây Nguyên. Ra trường lấy vợ công tác tại thị xã Buôn Hồ. Từ đó đến nay.
Cuộc sống bình lặng của một công chức cứ vậy lặng lẽ trôi đi. Cho tới một ngày cuối tháng tám năm 2012. Tôi đang ở cơ quan thì nhận được điện thoại của cậu em ở dưới quê ( Cát hanh_Phù cát _Bình Định ) báo là ông Bình trưởng thôn Tân Xuân tìm và nói từ trưa tới giờ có người gọi điện rất nhiều hỏi ở thôn có ai tên VHT không? Ông ấy trả lời họ Vương Hữu thì có, còn tên Thành thì phải đợi ông hỏi đã, nhưng người đó có vẻ rất sốt ruột . Tôi cúp máy và gọi lại cho ông Bình hỏi thăm và xin số người tìm. Tôi bấm máy trong lòng thì phân vân vì nghe ông Bình nói là bạn học SPQN, nhưng sao giọng còn nhỏ lắm.
_Alo chào cô ! Cô cho tôi gặp ai là bạn tôi với ạ
_Dạ xin lỗi bạn anh tên gì ạ. Đầu dây kia hỏi
_Tôi xin lỗi vì tôi cũng không biết bạn tôi tên gì . Nhưng tôi tên là VHT đây
Một tiếng reo vui và máy được chuyển qua người khác. Sau ít phút ngỡ ngàng tôi nhận ra anh bạn cùng học lớp nhị 6 SPQN ngày trước. Và tôi cũng biết tôi là một trong ba người cuối cùng của lớp chưa tìm thấy. Niềm vui nối tiếp những niềm vui đến với tôi liên tục những ngày sau đó điện thoại rồi email được kết nối từ Quảng Nam tới Cần Thơ và từ Mỹ, CANADA tới ÚC. Và thêm một niềm vui là cùng ở ĐakLak với tôi có bạn Mai Trọng Tài các bạn cũng mới liên lạc được trước tôi khoảng một tháng
Một tuần sau vào một buổi chiều trước nhà tôi có một người đàn ông tóc hoa râm, dừng xe và hỏi tôi. Bước ra nhìn tôi không thể nào nhận ra đó là bạn Trần Trọng Thái bạn cùng lớp năm xưa đã lặn lội từ Phú Yên lên Buôn Hồ thăm tôi.
Chừng một tháng sau tôi nhận được ĐT của MTT báo sẽ có bạn lên thăm. Niềm vui vỡ òa khi sáng đó xuất hiện ở nhà tôi là Mai Trọng Tài,Lệ Thu ở Đồng nai, và vợ chồng Huỳnh Kim Thạch ở Sài Gòn. Bốn chúng tôi gặp nhau, sau phút ngỡ ngàng vì nhiều năm xa cách, chúng tôi như sống lại tuổi đôi mươi với bao nhiêu chuyện, bao nhiêu điều muốn nói và đã nói. Và trong đó còn có cả những hẹn hò cho những lần gặp sau và nhất là dự định họp lớp chúng tôi khi tìm được hết các bạn trong lớp.
Tuy không còn theo nghiệp làm thầy nữa, nhưng những năm tháng ở sư phạm là một kỷ niệm đẹp về tình yêu, tình bạn, tình thầy trò, nhân cách sống và những kỷ niệm đẹp của những người bạn cùng sư phạm đã dẫn dắt tôi trong những ngày đầu làm thầy trong cuộc đời tôi, mãi mãi trong trái tim tôi.
Tôi xin cảm ơn tất cả những người thầy, người bạn sư phạm Quy Nhơn mến yêu của tôi đã cho tôi tất cả, tất cả để có cuộc sống đẹp như ngày nay.
Daklak tháng 4 năm 2013
Vương Hữu Thành
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét