Vĩnh Tuấn.
Sau một chuyến về Việt Nam ,
tôi trở lại nhà tiếp tục mọi công việc thường ngày.
Úc đã vàoThu. Mùa Thu ở đây bắt đầu từ
tháng ba đến tháng năm. Trời Thu lúc nào mây cũng giăng giăng một màu trắng
xám, u ám. Cây cối chuyển sắc vàng và cảnh vật ngập tràn trong sương. Thỉnh
thoảng có một vài cơn mưa rải xuống, lạnh và buồn. Tôi đã về thăm quê nhà nhiều
lần nhưng có thể nói đây là một chuyến đi để lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất.
Chiều nay, ở đây trời có một chút nắng nhạt, ngồi trong
nhà nhìn ra vườn cây im ắng, đâu đó tiếng lá rơi nhè nhẹ, trong lòng tôi dâng
lên những dư âm hương xưa của thuở nào.
…Người
ơi, chiều nào có nắng vàng hiền hòa sưởi ấm nơi nơi. Người ơi, chiều nào có thu
về cho tôi nhặt lá thu rơi?... (Hương Xưa-Cung Tiến)
Bốn mươi năm trước tôi học trường Sư Phạm Qui Nhơn.
Tuy học với nhau chỉ hai năm thôi nhưng sao chúng tôi gắn bó với nhau nhiều kỷ
niệm. Rồi vì thời cuộc, mất hút nhau và cho đến bây giờ trải qua mấy chục năm, chúng tôi mới tìm ra và liên lạc
được với nhau và một điều rất mừng là tôi cũng vừa biết tin tức “người xưa” ấy.
Mồng một Tết năm nay, vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất
là vợ chồng Huỳnh Kim Thạch và Nguyễn Tài đón tôi. Chúng tôi ngồi với nhau, hỏi
thăm nhau và được biết các bạn trong lớp cũng mong chờ gặp mặt tôi sau bao năm
xa cách.
Thật sự mà nói, tôi có thật nhiều bạn,
bạn trai, bạn gái, bạn đời, bạn vàng, bạn trăm năm…nhưng sao tôi gắn bó với các
bạn lớp 6 khóa 11 này.
Từ thuở nhỏ, tôi lớn lên ở Huế và Qui Nhơn. Ở Huế vài
năm tôi lại vào trong tê ở vài năm. Cứ như thế mà tuổi ấu thơ của tôi qua hồi
nào không biết. Biến chuyển cuộc đời rồi cũng tới. Tôi trở lại Qui Nhơn học lớp
11 rồi vào Sư Phạm. Cái sự nghiệp cỏn con của tôi bắt đầu từ đó!
Năm nhất niên, tôi làm quen với nhiều
bạn mới. Bạn thì cả lớp nhưng chỉ loanh quanh với bạn Phan Văn Thanh, Đỗ Thanh
Tùng và Nguyễn Văn Thái để biết thêm các bạn đang sống trong nội trú. Nói chung
năm nhất không có nhiều kỷ niệm đáng nhớ cả. Nếu năm một trôi qua trong lặng lẽ
thì năm nhị niên phải nói là năm vui nhất của tôi từ khi đi học.
Lớp tôi, nữ ngồi những bàn trước. Tôi
được diễm phúc ngồi sau lưng các chị và tha hồ ngắm. Nhìn cái vẻ đạo mạo chăm
chỉ học hành của các chị mà nhiều khi tôi cười đến tức cả bụng. Hồi đó tôi nghĩ
có chi đâu mà học dữ vậy ta? Rồi ngày vui qua mau vì sau đó là chúng tôi soạn
bài, chuẩn bị đi thực tập rồi thi ra trường…
Tôi còn nhớ những ngày ra trường ngoài
đi dạy mẫu. Tôi run lên khi đứng trước đám học trò và nhất là đám bạn trong lớp
ngồi ở bên dưới nhìn lên như muốn ăn tươi nuốt sống ông thấy mới. Hiều được cái
cảm giác làm thầy ngày đầu tiên ấy nên tôi rất ái ngại nhưng cũng không thể
nhịn cười trước cử chỉ điệu bộ lúng túng của các bạn khi tập làm thầy. Cũng có
bạn chững chạc giảng dạy, có bạn nói không ra hơi, có bạn òa khóc vì sợ. Ôi!
Đời sao khổ thế! Thời gian này tình bè bạn trở nên thắm thiết hơn xưa nhiều.
Rồi cái ngày không thể quên của chúng
tôi cũng đã đến! Ngày cuối cùng của khóa học. Ngày giã từ năm mươi mấy người
bạn cùng lớp, thật buồn nhưng riêng tôi bù vào đó tôi có được một người bạn
gái.
Hồi đó, vì muốn xa nhà tung tăng tự do
nên tôi đã chọn nhiệm sở Khánh Hòa và điều này đã làm phật lòng người bạn gái
của tôi không ít. Biết được điều đó nên hàng tuần sau khi dạy xong, sáng thứ
bảy là tôi ra Quốc lộ đón xe về Qui Nhơn để hẹn hò.
Ngày ấy những thầy cô giáo khóa 11 của
tôi đổi ra Vạn Ninh, tôi không nhớ là bao nhiêu? Nhưng ra Tubong thì có 6 người
được chia làm 3 xã. Tôi về Vạn Long, trường sơ cấp chỉ có 1 phòng học nằm ngay
trên con đường Quốc lộ 1 vào Tubong. Tôi dạy buổi sáng và một cô giáo dạy buổi
chiều. Và cứ thế, vào thứ bảy tôi lại lên Quốc lộ đón xe về Qui Nhơn như đã kể
ở trên. Trong 6 thầy ra dạy ở Tubong thì có thầy Hoàng được tạm trú trong nhà
của phụ huynh và đã lấy vợ định cư tại đó đến năm 1977. Không biết bây giờ
Hoàng, cô Huệ và 4 bạn kia đang ở đâu hay đã về lại quê nhà?
Biến chuyển 75, tôi vào Sài Gòn gặp
lại bạn Đỗ Thanh Tùng và người bạn gái “Thề non hẹn biển” với tôi. Lo âu nhưng
bù lại tôi đã có được những giây phút tuy ngắn ngủi nhưng vô cùng hạnh phúc và
cho đến bây giờ tôi không thể nào quên được!
Tháng 5 tôi trở lại Nha Trang để nộp
đơn xin đi dạy lại. Tôi được đưa trở lại Tubong nhưng dạy trường Vạn Phước,
được đưa ra Đại Lãnh để xây trường. Tôi được phụ huynh tại đó cho tá túc trong
một căn nhà nhỏ bên bờ suối. Tôi và thầy giáo Oanh cùng hai người bạn sống một
thời gian thật thơ mộng. Hàng ngày đi ăn tiệm và ra vườn hoa để ngắm bướm muôn
màu.
Vẫn tiếp tục hẹn hò với cô bạn gái ở
Qui Nhơn. Có một lần, tôi hẹn với cô ấy ở sân chùa Long Khánh. Chúng tôi chưa
nói được câu nào thì một anh công an súng ống đầy đủ hỏi thăm:
-Anh
chị làm gì ở đây?
-Chỉ
ngồi chơi thôi, thưa anh! Tôi vội trả lời.
-Ngồi
đây không được!
-Thế
à!
Thế là tôi đứng dậy ngay và dẫn người
bạn gái đi liền một hơi!
Tôi tự thầm hỏi: -Ông công an này sao
hỏi mình những câu ngớ ngẩn như thế nhỉ? Nhưng nghĩ lại, sao mình vô duyên
không chịu nỗi! Sao lại dẫn người yêu vào sân chùa để tình tự? Thiếu gì nơi để
dẫn cho người yêu mình đến, nào là quán café, bãi biển…biết bao là chỗ. Nhưng
tôi vẫn hú hồn, vì nếu lỡ anh công an kiađưa tôi và người yêu về cơ quan an
ninh để người nhà lên bảo lãnh thì có nước hai đứa tôi chết mất . Mặt mũi nào
mà nhìn gia đình cha mẹ, nhất là đám bạn hiền đang tò mò muốn tìm hiểu thực hư
ra sao? Sự hồn nhiên ngây ngô của một thời tuổi trẻ, bây giờ toáng qua khiến
lòng thật bâng khuâng.
Có lẽ vào Chùa hò hẹn, nói những điều
không đúng cho nên cuộc tình của chúng tôi đi vào ngõ hẹp. Có những mâu thuẫn
giữa hai gia đình chúng tôi! Thôi thì đành chia tay! Một người quay lưng và một
người bước đi.
Đau khổ và nhớ nhung không chịu nỗi!
Cho tới 39 năm sau mới tìm lại được người xưa ấy cùng với 53 người bạn cùng lớp
cùng trường. Ngậm ngùi và vui sướng! Tôi chờ đợi tháng 7 ngày hội ngộ, ngày
hoài mong các bạn ạ!
Ngoài kia, nắng đã tắt, chiều đang
xuống chầm chậm…tâm hồn tôi phẳng lặng chỉ còn chăng là nỗi nhớ dịu êm:
…Còn
đó tiếng tre êm ru, còn đó bóng đa hẹn hò, còn đó những đêm sao mờ hồn ta mênh
mông nghe sáo vi vu…
…Đời
êm như tiếng hát của lứa đôi,
Trần
Vĩnh Tuấn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét