Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Tư, 14 tháng 8, 2013

CỦI MỘT CÀNH KHÔ- Trịnh Công Tùng


         



  CÔNG TÙNG.


Làm sao tìm được lý do nào đã khiến cho ông Huy Cận biết rõ ràng đời tôi trong cảnh "Củi một cành khô lạc mấy giòng!"?
Như một định mệnh đã an bày. Đời tôi trôi nổi qua nhiều ghềnh thác, từ một tên nhà quê thành một người trơ mắt.
Năm 1974 ông hiệu trưởng Trần Văn Mẫn khuyên chúng tôi nếu cô đơn thì cũng đừng cô độc trên con thuyền cho quãng đời còn lại.
Tôi nào có được hạnh phúc ấy. Quãng đời tôi từ ngày ấy vẫn không được bước lên một chiếc thuyền nào mà cứ mãi là cành khô lạc mấy giòng.
---oOo---

Giữa cảnh hỗn loạn của chiến dịch Atlanté (Atlanté campaign - tiếng Ti Quà (Tuy Hòa) gọi là chiến dịch Ích Lăng). Tôi được (hay bị) ra đời trong tiếng thở dài của định mệnh để phải bao lần "soi gương mà thẹn" trong bao muộn phiền chứ không may mắn được hưởng "nhìn gương mà thương bóng mình".
Từ một chú bé nhà quê, núp bóng Đá Bia, tôi theo gia đình định cư tại thị xã Tuy Hòa. Thị xã nhỏ bé nép mình bên núi Nhạn, sông Đà Rằng và biển Đông Hải. Ngày ấy tôi đã mơ có ngày sẽ tát biển Đông (nếu có người thuận).
Nhìn về quê cũ, bên kia cầu Đà Rằng, mờ sau chân trời: "qua cầu ngã nón trông cầu..." Cầu Đà Rằng dài quá, đến những hai nươi mốt nhịp, dài hơn cầu Tràng Tiền nhiều quá nên không thể "thương nhau rồi xin kịp về mau"!!! Muốn về thăm quê cũ phải đi qua:
"Đồng Phước Lộc gió vờn sóng luá.
Sông Đà Rằng nước vẫy chào trăng."
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
Quê nội, quê ngoại trong tiếng gào binh lửa đã bao lần thay đổi; nhưng những nẻo đường quê vẫn in sâu tâm tưởng. Mãi đến hôm nay tôi vẫn thấy mình may mắn được sinh ra ở chốn quê nghèo để cảm thông "Hồn quê gờn gợn vài con nước. Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà!!!” (nhà chứ không phải căn hộ.)
Sau những đổi dời to lớn, không thể nào tôi thực hiện được lời tự hứa "Tôi sẽ về thăm lại đường xưa con phố cũ. Ngày xưa có lần chiến tranh qua..." Dẫu rằng  nhiều lần tâm hồn tím ngắt khi hỏi lòng:
“Hẳn là cốm đã lên hương.
Rơm vàng rải rác con đường thôn quê.
Ta xa lâu lắm chưa về.
Mẹ ta chân lấm nón mê ngóng chờ..."

Bạn bè tôi có người đã phải chịu cảnh "Máu đào hòa lệ tuôn ra nhắc câu chung thủy lòng ta nghẹn ngào..." (Võ Đông Sơ.) trong cơn bão lửa.

Đi xa tôi mới nhận ra rằng quê tôi nghèo thật. Nơi đất cày lên sỏi đá. Nơi có những ông già rách vai cuốc đất bên đàn trẻ gầy. Thực tế quá phũ phàng. Còn đâu hình ảnh "Tuy Hòa lắm lúa nhiều bông. Em về đây kết nghĩa cho thong dong cuộc đời."

Tuy Hòa, Tuy Hòa, Ti Quà, Ti Quà, thị xã của tỉnh Phú Yên. Cái xứ lọt gọn giữa hai ngọn đèo. Gọi tên bao nhiêu lần cho vơi nỗi niềm. Chiều mưa, ngày nắng có ai còn nhớ tôi không? Hoa phượng gọi hè về là tiếng lòng thổn thức của kẻ xa quê. Giờ đây tôi phải mang cảnh:
"Quê hương nào biết ngọn ngành.
Thịt xương đem bón cho xanh xứ người!!!"
                                                                                                (Trình Công Tùng)

Canh cánh nỗi niềm:
"Thoảng thèm những món thân thương.
Thèm rau ráng luộc  nhớ hương chùm cùi"
Và uất ức:
"Nẫu về xứ nẫu đề huề
Tôi xa xứ nẫu lòng mê mẩn buồn."
(Phước Giang còn đó niềm đau - Trình Công Tùng)

Tôi không được diễm phúc để "...ra đời dưới một ngôi sao xấu"  (Nhật Tiến). Ngôi sao của tôi lu mờ xám xịt. Con số 54 (năm sinh trên giấy tờ cuả tôi) bám tôi khó rời. Bốn năm đệ nhất cấp, 54 thằng bợm bãi chung nhau nghịch hơn quỷ phá nhà ma. Mấy hôm đầu cuả đệ nhị cấp có 6 tà áo dài lạc vào lớp Bê Ba. Nhưng có lẽ hương thơm của đám tặc tử quá nồng đậm nên nhà trường chuyển mấy kẹp tóc sang lớp khác. Tiếc ngẩn ngơ nhưng cũng mừng quá cỡ (vì khỏi phải e dè. ) Đêm tất niên năm 1971, trong cố gắng duy trì uy tín "thứ ba học trò", một quái tử nào đó treo câu đối "Ngọng ngoẹo Anh văn như chó sủa. Ngồm ngoàm  Pháp ngữ tưạ heo la"  trước cổng trại. (Anh văn là English chứ không phải "anh ơi" như mấy cô tóc dài tóc tém dùng rất điệu nghệ, phe húi cua nghe qua là hồn xiêu phách lạc). Anh văn tôi còn tệ lắm vì đã bao năm qua mà tôi vẫn chưa phân biệt tại sao người Mỹ họ sợ dead-line mà không sợ live-line - kỳ quá hén (Ai nói người Mỹ không sợ ma vì dead là đã đi bán muối, là đã chầu diêm vương, là đã chết, là đã về với tổ tiên nếu có hiếu).

Rồi cũng qua đi thời mơ "cùng đi lay Trường Sơn, cùng đi xoay Hoành Sơn" như ngài Nguyễn Đức Quang xúi dại. Nhờ ơn ông bà ngó lại, tôi khỏi phải "mười năm hao giấy viết mỏi cả tay (lá thư đô thị )". Dưới áp lực gia đình, tôi vào SPQN trong tâm trạng:
"Kiếp xưa tu đã chẳng đầy.
Kiếp này trời bắt làm thầy trẻ con"
Và sống cảnh "Mò trong túi quần, một đồng xu không có, hút thuốc tàn, uống nước trong nhà tắm, cuộc đời người giáo sinh nghèo..." (chiến sĩ vô danh). Chúng tôi, sáu trăm giáo sinh khoá 11, niềm kỳ vọng cuả các thầy cô mong đào tạo chúng tôi thành những "kỷ sư tâm hồn cuả thế hệ mai sau". Trong khoá học có một vài trục trặc nhỏ đã xảy ra, ví dụ thầy Trần Ngọc Trạng bị trừ năm điểm hạnh kiểm vì tội đá lon trong đêm (gần tiêu tan sự nghiệp).

Tôi mê ngôi trường trang trọng, hùng vĩ (nhưng không hoành tráng). Mê hàng hoa sứ từ cổng vào sân cờ vì chúng không phải là hoa sứ nhà nàng (nhưng biết đâu có kẻ thầm ca hoa sứ trường nàng). Tôi mến quán thầy Bồn vì nó hơi thấp hơn mặt đường. Những chiều mưa tôi ngồi ở bãi biển Gềnh Ráng nhìn sang Hải Minh mờ mờ như hoàn cảnh đất nước tôi ngày ấy. Ngày ấy tôi còn ngu ngơ lắm, chưa vướng vào "Tình tôi ngày ấy là ngơ ngẩn nhìn". Xin lỗi mười mấy đoá hoa biết nói cuả lớp, không phải tôi tự cao mà vì tôi còn khờ khạo ngu ngơ lắm...cho nên năm hai mươi tuổi tôi ra trường sư phạm mà lòng thì chưa hề yêu ai. (Tôi đang cố gắng tìm trả lời -không phải đáp án- cho câu hỏi "thưa cô con gà có mấy cái lông?")

Tôi về thực tập ở trường tiểu học Bình Hoà cuả ông hiệu trưởng tên Tuỳ (hiện ở San José, California). Nhận nhiệm sở thực thụ tại trường tiểu học cộng đồng Hoà Hiệp (ông hiệu trưởng tên Quang). Bây giờ thì mỗi ngày đến trường chúng tôi phải qua:
"Đồng Phước Lộc gió vờn sóng luá.
Sông Đà Rằng nước vẫy chào trăng."
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
Sung sướng quá. Nhưng chưa qua một niên khoá thì bão nổi lên rồi. Cuối niên khoá tôi thành tên mất dạy - vỡ bát, tan y. Chưa qua thời kỳ thử việc, tôi không có bằng cấp "giáo học cấp vổ túc" với chỉ số 350. Cũng chưa thử tìm người để cộng đồng chỉ số (ngôn ngữ SPQN theo ngôn ngữ ngày nay có lẽ là góp gạo nấu cơm chung). Tôi trở thành kẻ vô nghề bất nghiệp. Gia cư tạm trú cùng phụ mẫu.

Tôi lạc hướng, mất tin tưởng. Cơm cha, áo mẹ, công thầy lấy gì đáp đền? Lòng ngổn ngang trăm mối vẫn cố gắng tìm ý nghĩa cho cuộc sống, chợt thấy:
Bao nhiêu mơ ước cũng mờ phai
Nồi kê chưa chín vẫn miệt mài
Cô đơn thui thủi lầm lũi bước
Nặng gánh phong trần nặng trĩu vai
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
            Lâm vào hoàn cảnh “Bạn quên ta tình cũng quên ta, Nên chung thân ta giận cuộc đời” (Thói Đời -Trúc Phương). Nhưng vẫn hoài mong “Đoạn buồn xa ta đã đi qua Ngày vui tới, ta vẫn chờ.” (cùng môt nguồn) .

            Thời gian này Lệ Thu từ xứ Quảng có đến thăm tôi (không phải danh ca Lệ Thu mà là cựu giáo sinh nhị sầu). Không hiểu Lệ Thu có giận về cách đón tiếp cuả tôi không. Nếu có thì xin chấp nhận lời xin lỗi muộn màng này (chững chững hơi lâu há Lệ Thu?). Lúc ấy tôi đang soi gương mà thẹn.

Tôi là người Phú Yên, chưa mang ý tưởng tha phương cầu thực. Nhưng trong hoàn cảnh những ngày ấy, túi trống, nghề không; làm sao hy vọng có đủ ba thiên cá mòi để đáp ứng:
"Tiếng đồn con gái Phú Yên.
Đồng Nai đi hỏi ba thiên cá mòi."
            Vẫn còn ngu, chưa học thuộc câu:
“Thương làm chi cho uổng tấm tình.
Nẫu về xứ nẫu bỏ mình bơ vơ.”
            Ngu ơi là ngu. Tôi về quê, dưới chân đèo Cả, toan tính làm nông để để dành cho đủ ba thiên cá mòi. Nhưng phong trào hợp tác xã đã có tin đồn mà tôi thì chả có được một tấc đất cắm dùi.

            Thôi thì tìm động hoa vàng ngủ say. Lên rừng mong chơi với khỉ.

            Lên rừng, qua Lạc Mỹ, vượt Tịnh Thọ, đến Dốc Phường, Hòn Nhọn, Hà Roi ngắm núi Vọng Phu và mơ một bóng hình chung ̣thuỷ (sau này tôi mới biết đó là một giấc mơ không tưởng). Một hôm tôi chợt nhận ra:
"Uổng công cha mẹ ước mong
Thằng Tùng giờ chẳng nên công cán gì."
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
Đã không giúp cha mẹ được thì cũng đừng là gánh nặng. Thôi thì xin ra đi vào phương trời vô định bỏ lại
"Còn đâu trăng sáng Dốc Phường.
Mưa rơi Tịnh Thọ nông trường Sông Hinh".
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
            Lại lạc vào giòng “thần tiên gãy cánh đêm xuân, bước lạc sa xuống trần...” (Vũ Thành An)
            Cảnh ngộ “Ta cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc, nào ngờ đâu ở mãi đến hôm nay” thật là khó chịu.
Xứ lạ, người lạ, đường lạ, trường lạ, tôi trở lại học đường. Mặc thầy nói thầy nghe, tôi không rảnh vì còn phải lo sinh kế. Cũng may cho tôi vì dân ban BÊ tôi đã quen: từ, từ đó ta có, do đó mà ra, từ đó suy ra, vì thế cho nên. Thế là xong phần sinh kế, cũng đến ngày áo mão xênh xang.

            Trong thời gian còn đi học, tôi được tin có người không tha thứ cho tôi trong cảnh "chợt đêm chia ly xa cách một đại dương" (Trầm Tử Thiêng.)
            Thôi thì
..."Ngày ấy xa rồi em hỡi em.
Bên tê em có còn nhớ đến.
Những mảnh trăng vàng soi dáng ta."
                                                                                    (Trình Công Tùng)
Vì "Trách gì cũng nước lã người dưng" nhưng ..."Giờ vướng cơn đau, còm cõi xanh xao. những cơn đau tuổi xanh rớt lại." (xin cám ơn đơì - Trúc Phương)

            Làm sao giải thích được
"Đã bao vật đổi sao dời.
Mà sao nẫu vẫn nhớ người bội vong"
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
Vì ai ơi
"Cần gì khơi cả hình dáng cũ.
Chỉ nét cười thôi đủ chết người."
                                                                                                            (Trình Công Tùng)
            Thật là "Đời là la vie, tay không thì ước mơ gì! Tình là l'amour, như me nhiều mắt thêm chua!" đêm sầu đời (Không phải C'est la vie và C'est l'amour).
            Trớ trêu và vô vọng, như tiếng thở dài cuả định mệnh, như tên tôi. Như lời hối hận muộn màng "ngày về quê xa lắc xa lơ, trót nghe theo lời u mê..." (tình khúc thứ nhất - Vũ Thành An). U mê thật đó, ai đã từng đời đá cho thành chai đá sẽ hiểu những hối tiếc trễ muộn này. Còn đâu mộng mơ ngày cũ, vì đâu đời ta nên nỗi, hay tôi vẫn mãi là một tên khờ đuổi theo ảo vọng - vẫn nghĩ rằng bãi cỏ xa xanh hơn đám cỏ gần.
Tam thập tôi vẫn chưa vững vàng nhi lập, vẫn đầy: hỉ, nộ, ái, ố, sầu, bi - đầy bầu nhân dục - cám ơn Nguyễn Công Trứ. Nhưng trời ngoảnh lại, một cành củi khác cũng lạc giòng như tôi, nghe tôi xúi dại ̣(có lẽ cô bé nhìn lầm tướng cướp mà ngỡ nai tơ). Cành khô này rớt ra mãi tận gần lăng tả quân Lê Văn Duyệt nơi hòn ngọc viễn đông. Gốc Bắc kỳ ̣không phải gốc cây. Vì gốc Bắc mà sinh ở Nam cành này thành Bắc Kỳ Cục. Cô ấy không biết "...chua ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền." Chưa biết trả lời con rằng "chân bố mẹ đen vì mong đời con trắng". Cô cũng chưa hiền ngoan, lịch sự diễn tả người bự bụng là người có “bụng dạ rộng rãi”; hay người phì lũ là người có “thân thể phì nhiêu”.
            Tôi nghe theo lời u mê thì cô ấy “u mê vốn sẵn tính trời, nghe lời bá láp uổng đời ngây thơ.” (Trình Công Tùng). Không ai chờ tôi để “tôi sẽ về đưa người yêu đi qua lối cũ, nhặt hoa lót từng bước em đi”, nên hai cành khô cùng mơ:
“Chung nhau tiếng khóc nụ cười.
Chia cho nhau cả đoạn đời lưu vong.”
(hối lộ vợ - Trình Công Tùng)
            Vì “l'homme sans l'amour comme l'auto sans bougie (đàn ông không tình yêu như xe hơi không bu gi - sưu tầm trên mạng).
Thôi thì yêu dù mùa yêu có muộn” (Xin cám ơn Đời -Trúc Phương). Không bó buộc trong hoàn cảnh “dù cho sương tuyết phai mối tình mặn nồng, anh vẫn tin nghiã nặng vợ chồng”, chúng tôi cùng hưởng “tình cũng khó theo thời cơm áo khó, ta dìu nhau đi dưới bóng nợ nần”. Chưa lần cần đến giải phẩu chỉnh hình nên tôi và cô ấy đều là chân thật - chân bằng xương bằng thịt từ ngày cha sinh mẹ đẻ. Cô ấy có một người bạn thân thời trung học tên thật theo giọng nam kỳ là "Bịch Lon" nhưng giấy tờ theo chính tả Bắc thành "Bạch Loan" cái tên thật đẹp.

            Cô ấy ngu thật, chỉ biết vui cái vui của chồng con, chỉ biết buồn cái buồn của chồng con.
Tài chánh không cho phép hoang phí, chúng tôi lót ổ ở Corona, nơi trước kia là vườn cam, nay:
“Vườn cam rày đã nên nhà
Chỗ thời nhà trệt chỗ thời nhà cao
Đêm nghe xe cộ lao xao
Giật mình còn tưởng xạt xào vườn cam.”
(Phỏng theo Trần Tế Xương)
            Nhiều lúc cô ấy hối tiếc về không được sống ở Bolsa phồn hoa, tôi phải năn nỉ “Tìm về nơi Corona, mơ chi Bolsa dối trá, xin em hãy mơ thật gần, xin em hãy xem nhà ta là đây!” (Phỏng theo Ngày Vui Qua Mau). Ngày vừa về nơi ở hiện tại tôi mê mùi hương cam thơm ngát mỗi chiều về vuốt ve thân xác lưu đày của tôi. Thơm quá, bình yên quá. Nhưng ngày vui qua mau, không còn hương cam nữa. Lại thêm một nhung nhớ khôn thỏa trong đời! Ngày xưa - hương chùm cùi; ngày nay - hương cam, rồi mai này sẽ là hương gì? Mong rằng không là hương tình yêu, lạy trời.
            Tôi khám phá ra rằng vợ là người không sinh ra ta nhưng là người lo cho ta manh áo tấm quần, nuôi nấng ta, lo cho ta thuốc men (nói khẽ - nhưng đôi lúc cũng dạy dỗ ta khi ta say mê bốc phét hay bay trong mộng mơ không tưởng- với bản tính trời ban, các cô sẽ không dùng đến roi vọt - đừng sợ các ngài).
            Nói về lang thang cõi mộng, thì tôi cũng thuộc hạng cao thủ. Mỗi năm tôi vẫn mơ vài trăm lần, đúng là
Ta mơ từng mùa, trưa hè cánh phượng hồng tung bay, chờ thu ngắm lá thu bay, đón xuân về vui hội xuân đầy.” (Hòa bình ơi, Việt Nam ơi)  Những bước chân hoang khi nào dừng gót? Thế mới thấy mụ oan gia nhà tôi giỏi chịu đựng thật!
            Cô ấy không là giai nhân nên đời tôi khỏi lo đau khổ. nàng cũng chả thích ngồi bên cửa sổ nên tôi cũng chưa vướng nợ thi nhân. Hiện cảnh như thế này: Khi tôi mở đề
Ngoài hiên mưa gió lạnh lùng.
Thì cô ấy tiếp theo Anh ơi (tiếng “anh ơi” sao mà tha thiết thế) anh để cái thùng nơi mô?
Thế là tàn hết một đời hoa! Thế là tàn giấc mơ hoa! Thật là: “Chưa gặp em, anh vẫn nghĩ rằng có nàng thiếu nừ đẹp như hoa.” Nhưng “khi gặp em anh mới tản thần, thấy mình ngu dại lỡ yêu em”. (Mộng dưới hoa!!!)
Mấy thầy cô còn tiếp tục yêu nghề mến trẻ cho tôi hỏi nhỏ: trường trại bí mật nào huấn luyện môn cằn nhằn và phái nữ theo thụ huấn lúc nào mà ai cũng là cao thủ thượng thừa hết thế? (Cấm phái kẹp tóc đọc câu này!!!).
Một thí dụ nhỏ:
-Nè em cô kia xinh quá hả?
-Cô ấy có thổi cơm, thay khuy cho anh không?
Trời ạ, tiêu chuẩn người xinh xắn là người biết thổi cơm, sửa khuy áo, đến nay tôi mới biết. Thế là mộng đi theo mơ hết mong ngày về!!!
            Mãi rồi chúng tôi cũng có được một nhà ba cửa (còn nợ), một vợ hai con và ba chú chó nhỏ (không nợ), và chúng tôi lên chức cụ, cùng tu hú tại gia với pháp danh Thích Lung Tung và sư bà Thích Nhăn Nhó. Hai con tôi cũng có pháp danh nhưng khiêm tốn hơn là Thích Lady và Thich Money.
            Tôi không đủ khả năng để giàu tiền giàu bạc nên tôi suy nghĩ hay là mình nên giàu vợ giàu con (tôi và cụ oan gia đã đồng ý một cái tên thật đễ thương cho đứa con gái không bao giờ chúng tôi có được - lại thêm một nỗi niềm khôn thỏa!!!).
            Tôi lỡ dại hỏi:
-Này em năm anh 73 tuổi, anh mong được nói ngũ thập niên tiền nhị thập tam như Nguyễn Công Trứ được không em?
-Này ông tướng, có nhuộm tóc bỏ trầu và ăn mặc hippy cho đủ bộ không? Có mà mơ!!!
-Cho anh níu kéo vài giọt nắng cuối chiều đi mà!!!
-Có ai cấm được anh mơ đâu nhưng bây giờ xin anh phụ em canh hộ em nồi cơm. Em đang lỡ tay phải làm cho xong con cá.
            Trời đất, chí lớn đã có lúc mơ xoay Hoành Sơn phải canh chừng nồi cơm tầm thường này sao?
            Tôi có mơ gì quá đáng đâu, tôi chỉ lỡ mang tính chất di truyền của tổ tiên ngàn xưa
Quân sinh thiếp vị sinh
Thiếp sinh quân đà lão
Quân hận thiếp sinh trì
Thiếp hận quân sinh tảo
Thực tế đơn giản thế thôi người ạ!!! Cúi xin trời thấu cho lòng thành của tôi.
Ngày tin tức ông Clinton lộn xộn với cô Monica, bà huyện (lớn hơn xã thì phải là huyện đúng không?) của tôi phê bình:
-Ông Tông Tông này bê bối qúa.
Tôi ngây thơ tuyên bố:
-Ông ấy không bê bối mà có lẽ ông ấy đang học truyện Kiều.
-Truyện Kiều của anh hả?
-Truyện Kiều của Nguyễn Du; ở câu Vườn hồng đã có thêm hoa và tòa nhà trắng (White House) cũng có Rose Garden (đúng là vườn hồng rồi còn gì) rất đẹp. Nhưng Nguyễn Du ẩn dụ hoa biết nói nên ông Clinton hiểu hơi sai nghĩa một tí ấy mà.
Bà huyện nhìn tôi với một cái nhìn rất lạ và tôi nghe có cảm giác lành lạnh sau lưng.
Có một lần tôi và bà "huyện" không nhìn chung về một hướng vì chuyện gì tôi quên rồi, bà cho tôi xực món gì tôi không rõ, nhưng đêm đó tôi khó ở và bụng biểu tình rồn rột. Tôi nghĩ: đúng rồi, đây là tại sao:
“Đưa người ta chẳng đưa sang sông.
Mà sao nghe tiếng sóng trong lòng.”
(hình như cuả Thanh Tâm Tuyền )
Đúng là:
Hôm qua bà xã giận tôi
Cho ăn mắn sống bụng sôi biểu tình
                                                                                                (Trình Công Tùng)
Những vụn vặt như thế giúp chúng tôi đối diện với đời mãi đến hôm nay. Ngày nay, đời đã về chiều. Ngỡ là sẽ an cảnh
“Vui tưạ kỷ ngâm thơ cho vợ ngủ
Buồn chong đèn đọc sách với con chơi
Tri ngã dã bất tri ngã dã
Người chẳng biết ta ta vẫ là ta.
Làm chi cho mệt tuổi già!”
(Tuy An ẩn sĩ Hà Túc Đạo)
Thầm nhủ nếu gặp lại ai kia thì cũng “lén nhìn nhau cúi đầu tiu nghỉu, hai đứa bây giờ xin gọi bạn đồng hương…”. Ngờ đâu cái số 54 lại níu kéo tôi, mấy thầy cô của lớp sáu khóa 11 SPQN - những kẻ vì lý do nào đó mê chữ "nhị sầu" (sầu thật, nếu không thì sao có câu chuyện lửa tàn ở năm 1974) không đập kính ra tìm lấy bóng mà đập mạng tìm tôi cho đủ số 54!
Thôi thì:
“Cám ơn các bạn, cám ơn trời
Cho tôi tìm lại quãng đời thơ ngây.”
                                                                                                (Trình Công Tùng)
Dẫu rằng trí nhớ nhện giăng, những chủ điểm giáo dục cộng đồng: nuôi gà, nuôi heo, nuôi cá, trồng chuối, trồng cây si, trồng lúa IR5, IR8, IR20 đã mờ phai. Kính thưa các thầy, con không muốn vậy nhưng con không thoát được cảnh chữ trả cho thầy.
Nhìn ảnh lớp, buồn vui lẫn lộn: có người phát tướng, có người thật đạo mạo, có người héo hắt, có người phì nhiêu, có người đời vật xác xơ (có lẽ cũng cỡ như tôi ), và anh bạn ngồi cạnh ngày nào sao nỡ mê kinh phật hơn mê tục luỵ (thoát vòng tục luỵ?). Có người đổ vỡ, có người xâm mình, lên xe vài lần (có lẽ muốn thử xem con tạo xoay vần ra răng?), nhiều kẻ lên ông lên bà. Thật là một bức tranh vân cẩu. Thầm hỏi
“Đời buồn hay vui
Thì xin hỏi ngay cuộc đời.”
(Minh Phẩm)
Chút lòng thành xin chúc tất cả các bạn “Đường mây ít rủi công thành” (Lá thư đô thị) dầu có tí trễ muộn.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét