Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Ba, 6 tháng 8, 2013

THÁI THỊ VĨNH PHƯỚC

THÁI THỊ VĨNH PHƯỚC.
Sinh ngày: 30/12/1952.
Nơi sinh: Tuy Hòa – Phú Yên.
Ra trường dạy tại trường Hòa Phong – Nhơn Mỹ - Bình Định.
Sau 75: Tiếp tục dạy tại trường Tiểu học Nhơn Lý – Qui Nhơn. Trường tiểu học Hải Cảng – Qui Nhơn, cho đến ngày về hưu.
Hiện ở tại: 960/9 Trần Hưng Đạo – Qui Nhơn.
Số điện thoại: 01289487597.
Email: vinhphuoc1252@gmail.com











CHO NHỮNG MÙA XUÂN PHAI.
                             Vĩnh phước.

          Bụi thời gian có thể phủ mờ tất cả nhưng có những kỷ niệm khó có thể phai nhòa vì nó đã được nằm sâu trong tâm thức…

          Năm 1973, tôi học năm thứ hai trường Sư Phạm Quy Nhơn. Một hôm tôi và các bạn nữ được nhà trường chọn đi choàng vòng hoa chiến thắng ở Pleiku.
          Thú thật nghe nói đến Pleiku là tôi thích lắm! Tôi chưa một lần đặt chân đến đây. Nhưng vùng cao nguyên đất đỏ mù sương này rất hấp dẫn đối với tôi và tôi cũng mê bài hát phổ thơ Vũ Hữu Định: “Phố núi cao phố núi đầy sương, phố núi cây xanh, trời thấp thật gần…”
          Sáng hôm đó, những chiếc GMC đón chúng tôi tại sân trường Sư Phạm rồi khởi hành. Chúng tôi ai cũng náo nức! Đi hết địa phận Bình Định xe bắt đầu lên đèo. Quãng đường đèo Mang Yang không dài nhưng có độ dốc thẳng đứng nên tôi có cảm giác như mình đang đi lên với trời xanh. Hai bên đường là đồi núi cao thấp nhấp nhô xanh mướt. Những khóm dã quỳ vàng tươi khoe sắc. Khí hậu mát mẻ dễ chịu. Càng đến gần thì trời bắt đầu se lạnh. Sương mù trăng trắng giăng giăng thật thấp.
 Đoàn chúng tôi sẽ đến Lệ Minh - Hàm Rồng choàng vòng hoa cho những người lính vừa chiến thắng trận nào đó? Pleime, Dakto, Lệ Minh, Hàm Rồng hay…tôi cũng không nhớ nỗi?
          Khi xếp hàng để chuẩn bị… vì do chỗ tôi đứng hơi hơi nắng gió cho nên tôi đã đổi chỗ cho Tâm người bạn học nhị 9 khóa 11. Trước mặt chúng tôi là những người lính, màu da sạm đen vì nắng gió, áo quần còn vương bụi đất hành quân…
          Sau khi choàng vòng hoa chiến thắng xong, bất ngờ tôi gặp anh Khánh. Anh là phóng viên chiến trường:
          -Chào Ph..! Em cũng có mặt trong đoàn người choàng vòng hoa?
          -Chào anh! Tôi ngỡ ngàng khi gặp người quen.
          -Em đã gặp Tuấn chưa?
          -Dạ chưa?
          -Tuấn cũng có mặt trong đoàn người chiến thắng đó. Thôi, em chờ ở đây! Anh sẽ đi tìm anh ấy!
          Thoáng một lát, anh Tuấn đã đến trước mặt tôi, anh cười cười lộ rõ vui mừng.
          -Gặp em ở đây, anh mừng ghê!
          -Anh cũng được choàng vòng hoa hả? Cô nào choàng cho anh vậy? Tôi vừa cười vừa nói đùa với anh ấy.
          -Cô Tâm học lớp nhị 9, anh vừa mới làm quen với cô ấy.
          Nghe anh nói xong, tôi chợt nghĩ: Nếu mình không đổi chỗ, thì mình đã là người choàng vòng hoa cho anh ấy? Lúc đó tôi chỉ nghĩ thế thôi! Nhưng sau này khi các sự việc liên tiếp xảy đến thì tôi mới thấy rõ rằng: Trong cuộc sống này tất cả mọi việc đều phải có cơ duyên của nó!

          Cách đây ba năm, tôi quen anh rất tình cờ…
          Mùa xuân năm đó tôi mười sáu tuổi, học lớp mười trường Trinh Vương Quy Nhơn. Tuổi mới lớn vô tư, hồn nhiên, nhiều mơ mộng, thích đi chơi. Một hôm, tôi và các bạn nữ rủ nhau đi du ngoạn Tu Viện Nguyên Thiều. Trong lúc chúng tôi đang tung tăng bên nhau vãng cảnh chùa, thì ở đâu không biết xuất hiện “bốn chàng ngự lâm pháo thủ”. Các anh đi theo, làm quen rồi chụp hình dùm… Cuối cùng còn đích thân lái xe Jeep chở chúng tôi về tận nhà. Tôi không biết các cô bạn của tôi sau đó thì sao? Nhưng từ đó bên tôi đã có một người. Anh tên là Ngô Đình Tuấn, Chuẩn Úy vừa mới ra trường được 7tháng. Đơn vị anh đóng quân ở dưới chân Tháp Bánh Ít.
Những ngày cuối tuần hay những ngày nghỉ phép, anh thường đến đón tôi ở cổng trường Trinh Vương hoặc đến nhà thăm…
          Vào thời đó, con gái cũng còn e ấp lắm! Hơn nữa gia đình tôi người Huế nên ba má tôi rất khó khăn với con cái trong lứa tuổi còn đi học. Vì thế, anh phải đến nhà xin phép ba má thì tôi  mới được phép đi chơi. Nhưng cũng chỉ được phép đi trong khoảng thời gian ngắn. Do vậy, mỗi lần đi chơi cũng chỉ đi loanh quanh khoảng nửa tiếng hay một tiếng đồng hồ rồi về nhà đúng giờ. Nhiều lần anh đến nhà chơi nhưng người tiếp anh là ba tôi chứ không phải là tôi! Anh chỉ liếc nhìn thấy tôi, khi tôi bưng nước ra  mời. Có hôm anh lại đến rồi vui đùa với các em của tôi. Tôi là con gái đầu nên rất đông em. Tôi còn nhớ, cứ vào đầu năm học anh lại mua sách vở cho các em, có khi anh còn dạy cho chúng nó học hành…
          Và như thế anh cứ đi bên cạnh tôi. Còn tôi thì vô tư lắm! Chỉ biết chăm lo học tập, thi cử. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều về tình cảm của mình thế nào? hay về tương lai ra sao?  
          Tôi đậu Tú tài và vào Sư Phạm năm 1972…

          Đêm Cao Nguyên tối đen mịt mùng. Gió thổi lồng lộng tràn xuống những lũng thấp. Sương bắt đầu xuống nhiều. Khí trời lạnh cóng. Mùi hương thoang thoảng của núi đồi, bãi cỏ của đất đỏ Bazan nồng nồng. Đâu đây có tiếng suối chảy róc rách và có cả âm thanh réo gọi của đất trời…
          -Em mặc phong phanh thế này thì thế nào cũng bị cảm mất? Anh nhìn tôi ái ngại! Khi thấy tôi lạnh run trong chiếc áo dài trắng mỏng manh.
          -Lúc đi em đã đem theo áo lạnh nhưng không hiểu sao khi trèo lên xe, rồi xuống xe chiếc áo rơi đâu mất?
          Anh đi đâu một lát và đem ra cho tôi một chiếc áo len cổ lọ. Do quá lạnh nên tôi chẳng ngại ngần chút nào? Cầm áo mặc vào ngay! Thế mà vẫn chưa thấy ấm. Thấy vậy, anh choàng thêm cho tôi chiếc áo khoác lính của anh.
          Lửa trại được đốt lên! Ánh lửa hồng bập bùng tí tách tỏa sáng trong đêm. Tiếng đàn thùng cùng tiếng hát trầm trầm của các nữ giáo sinh Sư phạm vang vang làm ấm lòng mọi người. Chúng tôi ngồi vòng tròn gần bên nhau. Những ánh mắt sáng ngời nhìn nhau Tôi ngồi co ro bên lửa ấm bên những bạn bè vừa gần gũi lại vừa xa lạ. Ôi, Cao Nguyên đêm nay sao nghe chơi vơi, chơi vơi như say men bên hương rượu cần. Văng vẳng bên tai, từ xa có tiếng súng vọng về. Thỉnh thoảng vài đóm hỏa châu lóe sáng bùng lên giữa cao nguyên mênh mông mịt mù...
          Sau chuyến đi Pleiku, tôi mới lờ mờ hiểu rằng cuộc sống của anh là vô cùng gian khổ và hiểm nguy. Tôi cũng chưa một lần nào “tra vấn” về tình cảm của mình đối với anh ấy như thế nào? Không biết sao lúc đó tôi vô tư như thế nhỉ? Tôi chẳng hề bận tâm về điều gì cả? Và thế là tôi cứ hồn nhiên vui chơi rong ruỗi theo tháng ngày.
          Hai năm học sư phạm qua nhanh rồi ra trường. Tôi chọn về dạy ở một ngôi trường Sơ Cấp Nhơn Mỹ-An Nhơn-Bình Định. Trường có ba lớp mà có đến sáu giáo viên nên mỗi tuần tôi chỉ dạy ba buổi. Thuận lợi hơn nữa là trường lại gần nhà nên sáng đi dạy trưa về nhà.
          Khoảng thời gian này anh ấy vẫn đều đặn đến thăm. Lúc này ba má tôi dễ dàng hơn, có lẽ vì tôi đã là cô giáo? Vì tôi đã có nghề nghiệp vững vàng! Chúng tôi thường đi dạo phố vào quán café Lệ Đá ở đường Võ Tánh hay café Dung ở đường Phan Bội Châu-Lê Lợi…. Nhưng thú thật cũng chỉ là đi chơi, nói chuyện vơ vẩn thế thôi! Chứ chưa bao giờ anh thổ lộ tình cảm bằng lời. Anh ấy luôn quan tâm chăm sóc, nhắc nhở tôi. Nhiều lúc tôi cứ nghĩ rằng hình như anh ấy xem mình như một người em gái.
          Rồi anh được cử đi học ở Vũng Tàu. Một hôm, tôi dọn dẹp nhà cửa. Tình cờ tôi đọc được một bức thư anh gởi riêng cho ba tôi. Nội dung trong thư anh nói rằng, anh đã về Hội An thưa với ba má về chuyện anh với tôi và xin phép ba má tôi Mùa Hè năm 1975, anh sẽ đưa ba má anh ra thăm nhà…
          Đọc xong lá thư tôi ngạc nhiên! Bây giờ thì tôi mới biết gia đình anh ở Hội An và lại càng ngỡ ngàng khi anh thưa chuyện với ba má tôi. Tôi nghĩ : “Sao chuyện “đại sự” như thế mà anh ấy chẳng nói, chẳng rằng với tôi nhỉ?”.
          Tôi đem chuyện đó nói với ba thì ba tôi gạt phăng:
          -Nó nghĩ đến chuyện “xây dựng” điều đó cho thấy nó là đứa đàng hoàng. Nó đã thưa với gia đình rồi thì đây là chuyện “lớn”. Con không nên nói lui, nói tới!
          Tôi vẫn “hậm hực”! Nên sau đợt học anh trở về, tôi đem chuyện lá thư nói với anh, anh bảo:
          -Lúc trước thì em nói rằng để em học và thi cử xong đã. Bây giờ, em có nghề nghiệp ổn định thì anh xin phép hai bên gia đình tiến đến!
          Thấy anh nói có lý nên tôi cũng không biết phải nói làm sao? Vả lại, lúc đó tôi chẳng có khái niệm gì về việc lập gia đình? Chắc bởi vì tính tình của tôi sao cũng được nên chẳng biết đồng thuận hay dứt khoát như thế nào cả? và rồi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều cho mệt?
         
          Cuộc chiến bùng nổ! Đầu tiên ở Cao Nguyên. Rồi Tây Nguyên! Chiến tranh cứ mỗi ngày một lan rộng!
          Khoảng cuối tháng ba, một hôm anh đến nhà tôi. Khuôn mặt anh buồn buồn đầy lo lắng! Anh bảo:
          -Ph…đi lãnh lương đi!
          Anh chở tôi đến Ty Giáo Dục. Bước vào tôi thấy người đông quá! Chờ một lúc, tôi quay ra:
          -Thôi, về anh! Đông quá, chiều đến lãnh cũng được!
          Anh bảo tôi đứng chờ anh, rồi anh quay vào nộp thẻ một lát sau là đến phiên tôi.
          Tình hình Quy Nhơn bắt đầu hỗn loạn! Mọi người trong thị xã nhốn nháo! Thỉnh thoảng anh đến và bàn bạc ba tôi để đưa cả nhà đi vào Sài Gòn.
          Một buổi chiều anh đến để đưa gia đình tôi di tản bằng tàu thủy đến nơi yên bình. Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng tôi được nhìn thấy anh ấy! Ba tôi cũng ở lại. Những ngày sau đó nghe đâu anh và ba tôi thường xuyên liên lạc với nhau.
          Chuyến tàu đưa gia đình tôi đi, không thể vào Sài Gòn mà phải ghé lại Nha trang. Quy Nhơn giải phóng rồi Nha Trang giải phóng… Chúng tôi đành trở về! Mới chỉ có vài ngày mà Quy Nhơn bây giờ là một thị xã vắng vẻ. Đường phố, nhà cửa đổ nát hoang tàn. Bãi biển thảm thương với xác người, xe cộ và áo quần....
          Gặp lại ba tôi, ông cho biết trước một ngày Quy Nhơn giải phóng, ông còn gọi liên lạc được với anh Tuấn nhưng sau đó gọi mãi mà không ai trả lời rồi bặt vô âm tín luôn. Tôi và ba má tôi đều nghe ngóng, hỏi thăm tin tức về anh nhưng chẳng ai biết? Không biết anh còn sống hay đã chết? Nghĩ đến cảnh người chết la liệt trên bãi biển mà tôi và ba má tôi đều cầu nguyện cho anh được mọi sự an lành.
          Gia đình tôi lúc đó có ý định đưa tôi vào Sài Gòn nhưng nhìn thấy cảnh ba má, các em còn nhỏ dại nên tôi không chịu đi.
          Mọi người trong thị xã vẫn cứ lo lắng, chờ đợi, trông ngóng và…Một tháng sau giải phóng Sài Gòn…
          Tôi trình diện và đi dạy lại…
Phải sau mấy năm, tôi mới biết một chút tin tức về anh qua lời bà cô của tôi ở Vũng Tàu. Bà kể :
          -Giải phóng Quy Nhơn thằng Tuấn nó chạy vào Sài Gòn. Sau đó nó xuống Vũng Tàu tìm và ở với cô. Ngày nào nó cũng hỏi thăm tin tức của gia đình mình. Nó thường ra bến tàu xem những chuyến tàu chở người di tản từ miền Trung vào có ai là gia đình mình không? Trông bộ dạng của nó thất tha thất thểu trở về! Mỗi khi chẳng thấy ? Thiệt là tội nghiệp! Sau đó, một ngày trước khi Sài Gòn… Nó tạm biệt cô và nói với cô là nó phải đi. Và đêm hôm đó, nó xuống tàu…

          Từ đó, biết bao nhiêu Mùa Xuân phai đi rồi Mùa Xuân lại quay trở lại. Một năm, hai năm…năm năm…mười năm…và cho đến bây giờ gần bốn chục năm…vẫn chẳng thấy tin tức của anh ở nơi nào!!!

          Một Mùa Xuân lại về! Cái rét nhẹ nhàng hòa quyện với cái nắng ấm của Mùa Xuân làm cho không khí trở nên tươi mát. Hương xuân như tràn ngập khắp nơi nơi. Thổi vào hồn tôi một vài hoài niệm. Nhìn những nụ mai vàng đang phô sắc tôi bâng khuâng nhớ lại chuyện xưa… Tôi nghĩ rằng mình phải viết để nói lên lời tạ ơn! Vì trong cuộc đời của mỗi người chúng ta có những người đi qua mà mình vẫn còn “mắc nợ” một lời cám ơn hay xin lỗi. Tôi xin khắc ghi và luôn trân trọng những tình cảm đẹp đẽ và trong sáng của anh ấy. Trong thời gian năm năm quen biết, anh ấy đã mang đến cho tôi và gia đình tôi những mùa Xuân vui tươi và dịu dàng những tháng ngày êm đẹp. Gia đình tôi luôn xem anh như một người thân thuộc trong gia đình. Còn riêng tôi xin mãi mãi tri ân và xin cảm tạ tấm chân tình của anh đã dành cho tôi trong cuộc đời này!

Quy Nhơn, Đầu năm 2013.
Vĩnh Phước.


ĐÀ LẠT MỘNG MƠ.
                                      Vĩnh Phước.



          Chiếc xe bắt đầu lên dốc, hai bên đường đã thấy những đồi đất màu nâu đỏ, những rừng thông xanh, những đóa hoa dã quỳ vàng rực mọc dại ở bên đường. Tôi thấy tai mình hơi “ù” có lẽ xe lên đến độ cao.
          Mây chùng đón ta về phố núi
          Nắng vàng reo con phố rợp đầy hoa
          Hàng thông đứng nhìn trời thăm thẳm
          Khói sương mây hâm hấp mái nhà…
          Đây là lần thứ hai tôi đến Đà Lạt, so với lần đầu đến đây dễ chừng cũng đã là trên hai chục năm nhưng sao những cảm xúc lâng lâng bay bổng….
Tôi nhớ Đà lạt mơ ru lòng người lữ khách với bao nhiêu ước mơ. Lưu luyến Đà lạt thơ khi hoa anh đào nở đường lên phố xưa…” (Thương về miền đất lạnh-Minh Kỳ&Dạ Cầm).
Thật ra chuyến đi này, tôi không chuẩn bị trước. Rất tình cờ, tôi có cô bạn trước đây dạy cùng trường, có quen với một chị khóa 6 ở Sài Gòn có Nhà Nghỉ trên ấy rủ lên chơi. Cô bạn lại rủ tôi lên Đà Lạt nhân ngày Cựu giáo sinh Sư Phạm Đà Lạt Kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường 12-12-2012.
Chúng tôi lên Đà Lạt vào dịp cuối năm nên trời lạnh. Hai chúng tôi tay xách nách mang toàn thức ăn, vì biết rằng các bạn ở Sài Gòn sẽ thích các món miền Trung.
Gặp các anh, các chị, các bạn thật là vui! Chúng tôi hỏi thăm nhau, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất…
Buổi sáng, tôi thức dậy sớm! Trời thật lạnh. Tôi choàng thêm áo lạnh, thắt lại cái khăn quàng cổ bước ra đường. Tôi lang thang lên xuống những con đường góc phố Đà Lạt ngắm nhìn đủ các loại hoa nhiều màu sắc mọc hai bên lối đi hay trên những khung cửa sổ, hoặc khoe sắc rực rỡ bên những vạt cỏ xanh tươi. Tôi ra đến bờ hồ Xuân Hương. Sương mù vẫn lãng đãng giăng khắp. Quanh bờ hồ những cây mai anh đào, những nụ hồng xuất hiện hình như chỉ chờ mùa Xuân ấm áp là nở bung ra những đóa hoa màu hồng thắm. Trước đây, tôi thường nghe nói rằng Đà lạt là xứ hoa anh đào nhưng lần trước lên đây vào mùa hè nên tôi không thấy được loài hoa này.
Những chiếc xe chở đầy hoa quả tươi tắn vội vã chạy vòng theo đường quanh bờ hồ để cho kịp buổi chợ sớm. Tất cả mọi người qua lại trên đường đều ấm áp trong những chiếc áo ấm, khăn, mũ, giày… Đúng là dân xứ lạnh.
Rủ nhau vào quán café Thủy Tạ, chúng tôi ngồi quây quần quanh chiếc bàn ngắm cảnh, nói chuyện nhâm nhi bên tách café nóng… Tôi bị thu hút bởi bình hoa pha lê với những nhành hoa tím mảnh mai…vẻ đơn sơ nhưng càng nhìn càng thích cái vẻ duyên dáng của nó Forget me not-Đừng quên tôi…Tôi nhìn ra xa, những đồi thông xanh, những bãi cỏ tươi non ven hồ. Mặt hồ chênh chếch in bóng hàng thông xanh…Tất cả, thật là tuyệt vời! Tôi muốn lặng yên để hưởng thụ cái không khí nhẹ nhàng, cảm nhận cái hơi sương lành lạnh trong lành của không gian, núi đồi Đà lạt trong tâm trạng lâng lâng.

Chúng tôi đến thăm những thắng cảnh của Đà lạt: Thung Lũng Tình yêu cuốn hút tôi bởi thung sâu và đồi thông xanh ngát với những con đường đất đỏ vòng vèo và mặt hồ nước yên tĩnh. Theo những lới đi vào là muôn vàn loài hoa khoe sắc.
 Vườn hoa Thành Phố làm cho chúng tôi như trẻ lại bên các sắc màu của hoa. Các màu hoa vàng, hồng, tím, đỏ hòa vào nhau tươi tắn bên những thảm cỏ xanh non…Tôi như đứa trẻ tung tăng chụp hình với tất cả những khóm hoa trong vườn…
Nhưng có lẽ ấn tượng với tôi nhất là Thiền Viện Trúc Lâm…Một khung cảnh êm đềm, làm cho tâm tĩnh lặng đến lạ thường. Hình như đây là một cõi nào đó ở chốn bồng lai tiên cảnh? Thiên nhiên và con người hòa vào một. Không có khái niệm về cõi tiên hay cõi thế. Đứng trên nhìn xuống Hồ Tuyền Lâm phẳng lặng in cảnh trời mây non nước. Phong cảnh xung quanh rất đẹp! Rặng thông bên hồ lặng yên soi bóng. Đến đâu tôi cũng bắt gặp cái chất nên thơ và lãng mạn bàng bạc khắp trong không gian mây trời cảnh sắc của Đà lạt.
Buổi chiều, đứng trên dốc nhìn xuống đồi thông. Hàng cây đứng lặng im trong sương lam chiều. Chiều xuống chầm chậm. Hơi lạnh len vào người tôi thắt vội chiếc khăn quàng rồi thong thả bước đi trong hoàng hôn buốt giá. Ngước nhìn lên bầu trời đêm sương giăng phủ mà thấy rằng Đà lạt luôn để lại trong tôi những cảm nhận dịu dàng dễ thương đến lạ.
Đêm cao nguyên, trên độ cao 1500m trong một Mùa Đông rét buốt, chúng tôi ngồi lại thật gần bên nhau, bên cái lò sưởi thấy ấm áp tình bạn… và hát với nhau…Tuy rằng không bài hát nào trọn vẹn cả bài nhưng sao mà da diết say sưa đến thế! Hát như chưa bao giờ được hát. Nghe như chưa bao giờ được nghe. Tất cả ấm áp bên nhau.
Buổi sáng chúng tôi đi dự cuộc họp mặt Kỷ Niệm 50 năm ngày thành lập trường Sư Phạm Qui Nhơn tại Đà Lạt 12/12/02. Cuộc họp diễn ra rất thân tình của những anh chị em đồng môn…
Buổi chiều chúng tôi lại dạo chơi quanh những con đường đầy hoa, tôi nhớ câu thơ của ai đó rất đúng với cảnh Đà lạt:
Thành phố nở hoa trên mỗi con đường
Nở dịu dàng bước chân nhè nhẹ
Thành phố về chiều sương xuống mỏng manh
Hương se lạnh như chớm tình yêu mới…
Chúng tôi từng tốp đi bên nhau ra phố chợ. Chợ Đà Lạt về đêm ấm áp bởi nước đậu nóng, những quả bắp nướng hay các món chiên nóng hổi thơm ngon…Mọi người nhìn nhau vui cười. Hình như chẳng thấy ai mệt mỏi hay nhăn nhó.
Tôi rời Đà Lạt trở về phố biển vào một sáng trời Đông lạnh. Dường như sương giăng kín lối về. Dường như hoa anh đào đang hé nụ đón Xuân, Dường như không gian dịu dàng níu chân tôi…
Chia tay Đà Lạt ta nhung nhớ
Một góc cao nguyên đất nở hoa
Hoa có trên môi hoa ở mắt
Dẫu xa rồi mà đâu có xa…
Tháng 12/2012.
Vĩnh Phước.







         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét