Ngày ấy...
Bây giờ....
Huỳnh Thiên Tâm.
Ngày ấy
lớp chúng tôi có 57 thành viên. Do thầy Lê Văn Ba làm chủ nhiệm. ban đầu chúng
tôi còn xa lạ, rồi dần dần cũng quen thân và trở thành một gia đình
Năm thứ
nhất, học được vài tháng theo thông lệ thì ngày hội diễn văn nghệ toàn trường
cũng sắp đến. Nhận được thông báo, đội văn nghệ của lớp nhanh chóng được thành
lập. Thấy trong lớp bạn Ngọc Tượng đàn hay nên cả lớp cử làm đội trưởng cho
tiết mục hợp ca của lớp. Các bạn nam và nữ, hễ thấy bạn nào có vóc dáng đường
được theo cảm tính của người giới thiệu là đưa vào ngay chẳng cần thử giọng,
thử hơi gì cả. Tiếp sau đó Ngọc Tượng chọn bài hát giới thiệu và cả lớp đồng ý
có tựa đề : “Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói – Của nhạc Sĩ Trịnh Công Sơn”. Nội dung
bài hát ca ngợi sự khát khao yêu hòa bình chống chiến tranh. Nhạc trầm hùng,
lời ca tha thiết, tiết tấu lúc đầu chậm càng về sau nhanh hơn… khiến người nghe
sâu lắng man mác …
Đội
được chia làm hai bè, một bè đúng âm chuẩn và một bè cao. Ngọc Tượng chỉ huy và
đệm đàn. Thế là cứ có giờ rảnh là chúng tôi tập luyện. Ngọc tượng chạy tới chạy
lui để tập cho hai bè ở hai phòng học thật là vất vả. Hợp xướng có bè rất khó,
tập hoài mà vẫn chưa thấy ưng ý. Thời gian thì còn ít, ngày diễn cứ xáp lại gần…
Thật sự
nhìn nhận thì anh em chúng tôi đâu có phải là tài tử hay ca sĩ gì đâu? Nên khi
đứng vào hàng hợp xướng thì mới thấy khó. Khó nhiều mặt. Những người trong đội
hợp xướng phải là người có chất giọng tốt, âm vực phù hợp với dòng nhạc…rồi họ
phải tập dợt với dàn nhạc suốt hai, ba tháng liền mới xong…Còn các anh em
“Phổng đá” của chúng tôi thì rất chịu chơi, nuốt tất-Cứ làm rồi sẽ biết!!!
Thời
gian tập luyện gần một tháng đã trôi qua. Việc tập dợt cũng đã tạm ổn định. Ngày
hội diễn Văn nghệ đã đến. Hôm nay giảng đường được sửa soạn tươm tất. Sân khấu,
đèn đóm, phông màn rất rạng rỡ hoành tráng.
Phía
dưới trước sân khấu là dàn nhạc đủ các loại nhạc cụ đang chờ sẵn, nhìn vào như
là một “ Concert show”. Lòng ai cũng nôn nao muốn xem ngay.
Đêm
diễn bắt đầu, các tiết mục lần lượt diễn. Sau mỗi tiết mục là tiếng vỗ tay vang
lên cả hội trường. Không khí càng háo hức vui tươi. Tiếng người giới thiệu cất
lên :
-Sau
đây là tiết mục Hợp ca Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
sẽ do lớp nhất sáu trình bày.
Màn kéo
ra, đèn bật lên, chúng tôi đã xếp thành hàng ngay ngắn với tư thế sẵn sàng.
Trang phục chỉnh tề, nữ áo dài trắng, nam áo chemise cà vạt quần sẫm màu. Chúng
tôi đứng im không nhúc nhích trông rất giống các “phỗng đá” xếp hàng trước cung
điện hay đền miếu gì đó, miệng lẩm nhẩm lời bài ca. Màn từ từ mở, ở trên sân
khấu nhìn xuống chúng tôi thấy một rừng người, đầu đen lố nhố, ngước mắt đổ dồn
nhìn chúng tôi. Chưa kịp hoàn hồn thì dàn nhạc đánh lên, rền vang cả hội
trường…bây giờ thì chúng tôi hơi xao lãng, mất bình tĩnh. Ngọc Tượng đứng dưới
trước sân khấu cầm đàn đệm theo, đầu gục gục…Dứt nhạc đệm, chúng tôi bắt đầu
xướng lên! Việc gì đến cứ đến! Các bạn cứ “gió theo lối gió, mây đường mây…”
mạnh ai nấy hát, mỗi người một bè, các bè lạc nhau, đuổi nhau như một đoàn quân
ra trận “xáp lá cà” không còn hàng ngũ hay nhịp nhàng. Tiết tấu nhanh chậm tùy
mỗi người! Các âm thanh phát ra loạn xạ nghe ồ ồ, rì rầm…thỉnh thoảng có một bè
nào đó ré lên cao hay một ai đó xuống
giọng bass. Lâu lâu có một bè ngang phè phè…Ngọc Tượng cố hát lớn để chấn chỉnh
đội ngũ nhưng nào có ai nghe thấy gì đâu??? Lỗ tai chúng tôi lùng bùng, mồ hôi
ra ướt đầm cả lưng áo “trận”…
Bản hợp
xướng rồi cũng kết thúc! Màn nhung được khép lại. Hội trường chỉ còn nghe một
vài tiếng vỗ tay lẹt đẹt như tiếng “pháo chuột” bị mắc mưa…Các phỗng đá lúc này
hoàn hồn, nặng nề lê chân ra khỏi chiến trận như một đoàn quân thất trận trở
về, không dám nhìn ai, không ai nói một tiếng nào, lòng trĩu nặng…Ôi! Thật là
tội nghiệp.
Những
ngày đi học sau đó, cả lớp im như “cái nhíp” không ai dám nhắc đến bài hợp
xướng đêm đó. Không khí bao trùm lên cả lớp. Lòng nặng nề, buồn buồn như sương
chiều miền sơn cước.
Dường
như các lớp khác thì tha hồ “nổ”, cười nói, vui sướng, hạnh phúc và đắc thắng
với các tiết mục văn nghệ của lớp mình.
Sáng
thứ hai tuần kế tiếp, sau giờ chào cờ, thầy Hiệu Trưởng Trần Văn Mẫn phát biểu
việc học tập trong trường và kết quả cuộc thi văn nghệ vừa qua. Tiếp theo là
thấy Hoàng Hy Trưởng Ban Văn Nghệ và Giám khảo đọc tổng kết và xếp hạng nhất
nhì ba…Tiếng vỗ tay vang lên đồng loạt của cả 20 lớp Nhất niên và nhị niên,
không khí vui vẻ, huyên náo cả sân trường…Chờ đợi, nghe ngóng mãi, lớp nhất 6
của chúng tôi không được nhắc đến? Hóa ra là thứ hạng của chúng tôi đang lưu
lạc ở một phương trời nào đó chưa được định vị.
Rồi
ngày tháng trôi qua, dần dần thì các lớp nhất niên cũng lên lão, thêm một tuổi
mới, bảng tên trên áo giữ lại màu đỏ trở thành nhị niên. Chúng tôi già dặn và
chính chắn hơn.
Mối hận
lòng so tài văn nghệ chôn kín trong lòng nhưng vẫn sôi sục. Cả lớp chờ ngày so
gân trên đài Sư Phạm. Phen này ta đã quen không khí Văn nghệ rồi, đã dày dạn
rồi, đâu có còn run-run nữa. Phải làm một cái gì đó cho biết tay chứ thế này
thì cứ hậm hực mãi …
Trời
bắt đầu chuyển tiết sang đông, có những cơn mưa và trời se se lạnh…Tháng 12 đã
đến, các lớp lại chuẩn bị tập dợt ráo riết để chuẩn bị cho cuộc thi văn nghệ
toàn trường.
Lần này
lớp Nhị 6 chúng tôi đã rút kinh nghiệm nên làm theo kiểu khác dưới sự đạo diễn
của “chuông nhỏ”, Hoài Thanh đảm trách việc y trang, Ngọc Tượng đệm đàn, Sĩ
Tạo, Văn Tuấn, Văn Tố và cả lớp tham gia góp ý…Với một dàn diễn viên xinh đẹp
trẻ trung: Hoàng Phượng, Tâm Thanh, Diệu Phương, Ánh Tuyết, Đình Tuấn, Kim
Thạch, Văn Thanh, Tự Tín, Sĩ Tạo, Đức Tuấn….
Các nam
nữ diễn viên tài hoa này sẽ diễn hoạt cảnh “Miếng Trầu Duyên” Ngọc tượng đệm
đàn theo bài Duyên Quê của Hoàng Thi Thơ.
Lần
này, với tinh thần “quyết chí” nên đội văn nghệ lao vào tập dợt, không lãng phí
thời gian, các thành viên được phân công cụ thể từng vai diễn, từng công việc.
Mấy
ngày đó, Ren, Hoài Thanh chạy đôn chạy đáo lo trang phục, đạo cụ, hóa
trang…Ngoài luyện tập vào những buổi trống giờ, các bạn tự về nhà hay về phòng
nội trú tập luyện thêm…
Một
tháng tập luyện, thuần thục, nhịp nhàng. Lần này nhìn bộ mặt các diễn viên tự
tin. Cả lớp phấn khởi! Cầu mong “Tổ nghiệp” phò hộ cho đội thắng trận không thì
chắc chết…
Đêm diễn
đã đến, quang cảnh bên ngoài lẫn trong hội trường được tổ chức không khác gì
năm trước nhưng lòng hăng hái, nhiệt huyết của cả lớp thì tăng lên gấp bội
phần. Tiếng đàn, tiếng trống xập xình vang lên rộn ràng thúc giục mọi người đến
dự. Màn đêm buông xuống, đèn sân khấu tỏa sáng…hội trường chật ních người xem,
có người phải đứng vì không còn ghế.
Giờ
khai mạc đã đến, Vài lời của ban tổ chức, giới thiệu chương trình…các tiết mục
bắt đầu trình diễn.
Sau
tiết mục của các lớp là tiếng vỗ tay, tiếng huýt huýt vang lên. Những màn hợp
ca, đơn ca, múa...cứ lần lượt tiếp diễn.
Bỗng
người dẫn chương trình giới thiệu:
-Tiếp theo sau đây là Hoạt cảnh Miếng Trầu
Duyên với bài
hát Duyên Quê làm nhạc nền sẽ do giáo sinh lớp nhị
niên 6 trình diễn.
Lời
giới thiệu vừa dứt thì dàn nhạc đã trỗi lên những âm thanh vui tươi mang âm
hưởng trữ tình ngọt ngào quê hương của bản nhạc Duyên Quê rất quen thuộc nói về
một cô gái miền quê ngây thơ trong trắng, hồn nhiên, yêu cái đẹp quê mình và đã
gặp gỡ một thanh niên trong làng hiền lành, chất phác…siêng năng cần cù lo việc
cấy cày làm lụng…họ yêu nhau, cưới nhau, lễ vật chỉ có trầu cau với họ hàng nên
duyên vợ chồng. Họ sống hạnh phúc với nhau trọn đời…
Màn sân
khấu đã mở rộng, dưới ánh đèn chiếc phông màn bên trong với hàng chữ Miếng Trầu
Duyên phía dưới là những chiếc lá trầu xanh xếp thành hình trái tim bên trong
là hình buồng cau trông thật bắt mắt.
Mọi
người trong hội trường đổ dồn nhìn lên sân khấu. Khúc nhạc nền được đệm lần thứ
hai thì từ bên trong Huỳnh Kim Thạch đầu đội khăn đóng, áo dài chữ thọ, chân đi
giày, tay cầm quạt, đeo kính lão…trong vai ông sui bước ra theo vũ điệu nhún
nhảy rất ăn ý với nhạc lượn một vòng sân khấu. Lúc đó Tâm Thanh đóng vai chị
sui, áo dài xanh, tóc búi cao, khăn quàng vai cũng bước ra với khuôn mặt tươi
vui, điệu bộ nhí nhảnh…Hai người diễn rất uyển chuyển nhịp nhàng hòa quyện với
nhau, chỉ trỏ…thể hiện là muốn làm sui gia với nhau.
Thấy có
chút thành công, anh sui phấn khởi, bước nhảy ẻo lả hơn, anh còn dõng mông lên
như vịt đực, đi thì ẹo ẹo…chị sui thì càng làm duyên, e thẹn…hai người đã khuất
vào bên trong mà mọi người còn say sưa nhìn theo... và rồi cả hội trường òa lên
tiếng hò hét, tiếng vỗ tay, tiếng huýt huýt rần rần xen lẫn với tiếng nhạc làm
cho bầu không khí càng thêm náo động.
Màn
tiếp theo là họ nhà trai bưng quả qua nhà gái. Đi đầu vẫn là anh sui Kim Thạch
dẫn Đình Tuấn đi hỏi vợ. Phía nhà gái, Chị sui tiếp đón ân cần…Kim Thạch trình
lễ, thưa chuyện hỏi, cưới…Tâm Thanh nhận lễ, Hoàng Phượng bưng nước ra rót mời.
Kim Thạch gật gù, Đình Tuấn nhìn Hoàng Phượng ngẩn ngơ…
Ngày
cưới đến! Lễ rước dâu. Họ hàng hai bên đông đúc khoảng hai mươi mấy người. Hai
người bưng quả đi trước, hai người cầm lọng đi hai bên, trang phục thật đẹp rực
rỡ sáng trưng dưới ánh đèn sân khấu. Chú rễ “Tuấn trắng” áo dài màu xanh, quần
trắng, khăn đóng xanh mang giày cười toe toét. Hoàng Phượng cô dâu áo gấm đỏ, đầu
đội khăn vành, chân mang hài, vòng vàng đeo đầy cổ e thẹn, mặt cúi xuống không
dám nhìn ai. Được thể chú rễ càng lấn tới, cô dâu càng mắc cỡ. Anh sui Kim
Thạch mông càng dõng lên ngoáy ngoáy nhiều hơn…liếc mắt tình tứ với chị sui Tâm
Thanh…Cả họ hàng hai bên vào hàng ngũ bước đi ra giữa sân khấu thì tiếng hát
trầm ấm của Dương Đông Thành vang lên:
“Dăm
miếng trầu cay, một buồng cau trắng, một buồng cau trắng là đôi chúng ta nên vợ
thành chồng.”
Mọi người vỗ tay rầm vang, tiếng nói, tiếng
cười, tiếng la hét, chỉ trỏ…lấn át cả tiếng nhạc nền. Âm thanh sôi động kéo dài
cho đến khi hoạt cảnh kết thúc.
Bạn bè cả lớp sung sướng, la hét, ôm nhau
nhảy, hạnh phúc ngút trời…
Đêm vui hôm qua sao ngắn quá! Mấy ngày sau
đó, đến lớp, lớp học như bừng sáng, trên khuôn mặt bạn bè rạng ngời niềm vui.
Ai ai cũng nhắc đến buổi biểu diễn văn nghệ. Rồi châm chọc cô dâu, chú rễ, anh
sui, chị sui…
Đầu tuần, cũng điệp khúc chào cờ ấy, khen
ngợi, tuyên dương ấy! Ban giám khảo đã đọc thứ tự xếp loại cuộc thi Văn Nghệ.
Hoạt cảnh Miếng Trầu Duyên của lớp nhị 6 dạt giải nhất toàn trường…Tiếng vỗ
tay, reo hò, nhảy múa, gây mất trật tự của một góc sân trường…Chúng tôi sung
sướng hạnh phúc quá!
Giờ đây lớp 6 của chúng tôi xem như đã trả
được món nợ, mối hận lòng Văn Nghệ năm nào, nay đã được hóa giải. Không còn
sung sướng nào hơn? không còn hạnh phúc nào hơn? Chỉ biết lớp 6 chúng tôi là
lớp tuyệt vời nhất!
Nhưng rồi, theo luật của Trời Đất thì thời
gian vẫn tiếp diễn. “Ngày vui ngắn chẳng đầy gang” Gia Đình nhị 6 sống đoàn
kết, êm ấm và hạnh phúc như thế được sáu tháng thì tan vỡ. Hình ảnh Miếng Trầu
Duyên chỉ còn lại trong tâm tưởng và là kỷ niệm mà thôi.
Không biết ngày đó anh sui Huỳnh Kim Thạch
có đi coi ngày lành tháng tốt cho cô dâu chú rễ không? Hay coi trúng ông thấy
“cùi bắp” mà nhằm ngày hắc đạo lại đi cưới cho con mình, hay là có “khắc
miệng”, “khắc mạng” gì với chị sui không mà hai cháu nó “ly hôn” sớm thế? Mỗi
người đi mỗi phương trời lo mưu cầu cuộc sống riêng tư, đến khi chính biến thì
mất tin nhau. Cứ tưởng rằng không còn ngày gặp lại nhau nữa.
Nhưng người xưa cũng đã có câu “Tiền hung
hậu kiết” nghĩa là trước xấu, không may, sau tốt đẹp, hạnh phúc. Chúng ta là
anh em đã và đang mong cầu như thế. Chúng ta cố gắng vì nhau, đừng mặc cảm bất
cứ khía cạnh nào, để gần nhau hơn vì tình bạn của chúng ta là trên hết.
Các bạn hãy nhớ rằng chúng ta là anh em
cùng trong một GIA ĐÌNH NHỊ SÁU.
Quảng Ngãi, 2012.
Huỳnh Thiên Tâm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét