Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

CÒN CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ!!!-VST

       
                Võ Sao Tây.

Tối nay, khi đọc bài “Đời dạy học” của Thủ Tịnh lòng Tây dâng lên một nỗi buồn man mác. Tây cố gắng hồi tưởng lại những kỉ niệm đã qua về bạn bè, về trường lớp và cuộc đời đi dạy của mình. Kể lại để cùng các bạn chia sẽ, dù văn chương chữ nghĩa của mình còn hạn hẹp.
 Ngôi trường Sư Phạm Qui Nhơn đối với Tây đã gắn bó một thời gian rất dài. Nơi đó, có thầy Phan Thâm, thầy Bùi Thường. Những người thầy đã dạy Tây trong nhiều năm về môn Mĩ Thuật và Hội Hoạ ở trường Kĩ Thuật Qui Nhơn và nhiều Thầy Cô giáo đã dạy Tây nên người. Ở trường Sư Phạm Qui Nhơn còn có các anh, các chị Tây cùng bạn bè thân thiết khác nữa cũng học ở đây .
          Năm 1972 Tây đang học lớp 10 (Đệ tam) trường Kĩ thuật Qui Nhơn thì bị động viên. Lúc đó, Tây rất ham học cho nên không còn con đường nào khác là phải làm thí sinh tự do để thi Tú tài1. Đậu Tú tài 1 Tây thi  vào Sư Phạm Qui Nhơn và đậu thế là Tây vừa học Sư Phạm vừa học luyện thi Tú tài 2. Năm học thứ nhất Tây thi và đậu Tú tài 2. Sau đó, ghi danh học thêm Đại học Văn khoa Sài Gòn. Nói chung con đường thi cử đến với Tây thật suôn sẽ và nhiều may mắn.
          Trong 2 năm học Sư Phạm có rất nhiều kĩ niệm về thầy cô và bạn bè làm sao kể xiết! Ở lớp Nhị 6, Tây ngồi sau lưng các bạn nữ. Trong những giờ học bạn nào ở hàng sau vuốt tóc, cột áo dài, dán quảng cáo, viết thư….??? Chọc ghẹo các bạn nữ ? Lần này về gặp nhau phải tự thú đi nhé!. Tây phải làm cho ra lẽ. Chớ hồi đó thấy Tây ít nói rồi cứ đổ thừa cho Tây thì oan cho Tây lắm đó! Vì “Có tiếng mà không có miếng” ai mà chịu đựơc phải không các bạn? Nói vậy cho vui thôi, chứ đó là những kỉ niệm đẹp đẽ đáng nhớ của thời son trẻ phải không các bạn?
          Sau khi tốt nghiệp Tây chọn nhiệm sở ở Phú Bổn. Vì không quen biết, lại không có tiền?! nên bị đày một mình lên dạy ở Buôn Huing ở một buôn làng xa nhất (Thuần Mẫn).
Buồn quá! Thấy cuộc đời mình sao kém may mắn nên viết đơn khiếu nại lên chánh Sở, Tỉnh. Bị thanh tra Sở hăm dọa, sa thải…Thế rồi, không ngờ! Hôm sau, Tây có quyết định về truờng Trung Tiểu học Yasol huyện Phú Thiện và đuợc thầy Hiệu truởng Nayhot (lúc đó làm ở Hạ Nghị Viện) đùm bọc cưu mang. Tây được phân công dạy lớp 5, học sinh của Tây là dân tộc ÊĐê, đứa nào đứa nấy da đen nhem nhẻm người thì to đùng. Ngày bị pháo kích Thầy trò kéo nhau xuống giao thông hào quanh truờng. Đó cũng là lần đầu tiên Tây chứng kiến tận mắt cảnh học sinh chết rất là thảm khốc!
Ra trường dạy học được vài tháng chưa hết niên học thì chiến trận Tây Nguyên bùng nổ, Tây theo dòng nguời di tản trên tỉnh lộ 7. Đoàn xe hàng vạn chiếc nối nhau đi. Dọc đường xác chết la liệt! Nhìều nguời động lòng thương cảm đã lấy đá đè lên từng thây chết ghi vội mấy dòng chữ bằng than để lại cho thân nhân người xấu số biết rồi vội vã bỏ đi.
Đến ngày thứ 10 thì giao chiến rất ác liệt! Xe tăng thiết giáp chạy dọc ven đường bắn phá dữ dội! Đoàn nguời di tản thì đói khát, áo quần rách rưới dơ bẩn, tả tơi. Mọi người tìm kiếm bất cứ thứ gì có trên đường chạy để ăn. Họ hái những đọt cây non ăn qua ngày… Rồi trên bầu trời, máy bay trực thăng thả bánh mì cứu đói, dưới đất đoàn người đang đói trông thấy như thế hoảng loạn chạy túm lại đông như kiến giành giựt thức ăn. Nhìn thấy cảnh tượng ấy thật là đau xót trong lòng!
Còn Tây may thay thấy một chiếc Xinúc ( sâu róm) đang bắn pháo báo hiệu đằng xa ở trong rừng. Với sức trẻ và dốc hết sức lực của mình Tây vượt qua lau lách. Nhảy được vào đầu tiên cùng với một vị tuớng lĩnh. Máy bay đóng nắp cất cánh bay về Tuy Hoà. Đến Tuy Hòa, không có người thân, trong túi không có một đồng. Không biết làm thế nào để về với gia đình? Trong lúc đang lang thang trên đường phố thì bất ngờ gặp được Tâm Thanh. Tâm Thanh là nguời bạn cùng học chung lớp Nhị 6 khóa 11 Sư Phạm Qui Nhơn. Vẫn với khuôn mặt rạng rỡ, mái tóc đuôi gà, dáng người nhỏ nhắn, thân thiệt, hoạt bát…Thanh mời Tây về nhà.
Sau khi biết được tình cảnh của Tây, bạn ấy không ngần ngại dốc hết tiền trong túi áo, rồi tế nhị bỏ vào trong quyển sách đưa cho Tây với mục đích giúp Tây có tiền xe về với gia đình. Tây xúc động nghẹn ngào không nói nên lời. Tình bạn, tình đồng môn thật chân thành, đẹp đẽ và quý biết bao! Có lẽ suốt đời này Tây không bao giờ quên!
          Cũng nhờ số tiền cô bạn cùng học Sư Phạm giúp đỡ trên con đường chạy loạn đó, Tây về được với gia đình. Về đến Quy Nhơn thì mọi người trong thị xã nhốn nháo di tản. Gia đình Tây thuê tàu đánh cá ở eo Nín Thở đi Nha Trang vì đường bộ bị cắt. Nửa đêm đến Vũng Rô tàu bị thủng nước, ngập cả khoang thuyền. Đồ đạc mang theo đành vứt xuống biển. May thay tai nạn qua khỏi! Đến Nha Trang thì Nha Trang cũng vừa giải phóng. Gia đình Tây tiếp tục đi bộ 100km đến Phan Rang. Dọc đường bị cướp giật mất hết tài sản. Giải phóng Phan Rang, cả nhà quay trở về quê. Ba Tây đi học tập cải tạo, anh chị em mất dạy vì lí lịch không tốt. Tây bỏ vào Cam Ranh xin làm công nhân ở Đoàn điều tra lâm nghiệp khu Trung Trung Bộ, đi công tác các huyện miền núi, các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Đà Nẵng, Gia Lai, KonTum, Đaklak, Phú yên, Khánh Hoà…). Với chiêc ba lô và cây súng Aka có lúc đánh nhau với Fullrô, cảnh chết chóc thật là ghê rợn!
          Năm 1977 cơ quan cho Tây đi học chuyên tu tại đại học Lâm nghiệp Hà Nội. Tưởng cuộc đời mình đã chuyển sang trang mới tốt đẹp, huy hoàng hơn! Nào ngờ biến cố lại ập đến với gia đình! Anh ruột bị tù .
Thế là Tây bỏ học đại học Lâm Nghiệp. Rời Hà Nội trở về! Xin thôi việc!
Tây theo gia đình vào Đồng Nai, cũng là cái “nghiệp” quanh quẩn rồi cũng  trở lại nghề giáo! Tây xin dạy học ở phân hiệu thuộc chiến khu cũ. Dạo đó Giáo viên lương “ba đồng ba cọc” nhưng vẫn cố gắng theo nghề. Được đề bạt làm quản lý nhưng không làm. Gần 30 năm làm khối trưởng khối lớp 5. Cuộc sống cứ bình bình, không lên cũng không xuống cho đến ngày về hưu.
          …Dòng suy nghĩ cứ tuôn chảy dào dạt, viết sao cho xuể, nói sao cho hết. Cuộc đời người quá nhiều thăng trầm, có nhiều sóng gió, có nhiều ngã rẽ…Tây xin tặng các bạn 4 câu thơ để kết thúc bài viết:
                             Lệ tôi đã cạn hềt rồi
                   Còn đâu để khóc cuộc đời hôm nay.
                             Tim đà khô héo thế này
                   Vắt ra để viết những ngày đau thương.

                                                          Đồng Nai, Đêm 18/12/2012
                                                      VÕ SAO TÂY NHỊ 6 KHÓA11



                                                         


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét