Nguyễn Tài
Mười Một, Nhị 6! Em đã về?
Tưởng đã vĩnh viễn mất nhau. Vậy mà… em đã về! Em về tức tưởi như ngày nào em đã tức tưởi ra đi. Tưởng đã vĩnh biệt nhau, ai dè hội ngộ.
Đón em, tôi hạnh phúc đến sững sờ. Quơ vội cây bút, nhưng viết gì đây hở em! Ba mươi mấy năm đối mặt với cơm áo gạo tiền, đối mặt với những trâng tráo đến khôi hài trong cuộc sống, hồn tôi như xơ cứng, mớ chữ nghĩa không hợp thời vụt biến. Cảm xúc nào, chữ nghĩa nào còn để viết cho em.
Nhớ thuở còn son trẻ, tôi và em sao dại dột hững hờ. Sau “ĐÊM LỬA TÀN” bỗng yêu thương nhau như chưa được yêu thương bao giờ. Giòng đời kéo xệch mỗi đứa về một nẻo. Rồi biến cố 1975, tôi ngỡ em thương tích đầy mình, bởi da thịt em đâu phải là sắt là đồng. Tôi ngậm ngùi thắp nén hương lòng, khói hương cứ trôi dài theo cuộc đời phiêu bạt…
Nhị sáu, cái tên hồn hậu biết chừng nào! Từng đứa, từng đứa… tôi không thể nào quên được nét riêng. Một Đông Thành phảng phất nét bụi bặm; một Sỹ Tạo thấp bé hay khôi hài, thường mặc cái quần màu vàng nhạt; một Mai Trọng Tài mỏng mảnh với đoạn tuồng Bình Định; một Sao Tây như gánh gồng tình đời nên lưng đi hơi khom. Nhớ anh chàng lớp trưởng Đào Văn Tuấn, thấp bé nhưng đĩnh đạc, thấp thoáng dáng vẻ đệ tử Baden Powell. Thằng Nguyễn Duy Trinh, xấu trai nhưng cái miệng liếng thoắng đến dễ thương… Bọn con gái lại càng dễ nhớ rõ hơn bởi chỉ có 11 đứa, lại được sắp ngồi dãy bàn trên. Cô bé Rung Chuông (Ren) với cái răng khểnh không làm cho nàng xấu đi mà lại tăng nét kiêu sa; thị Sen thấp bé với đôi mắt tinh nghịch; Tâm Thanh với mái tóc hơi xoăn và cái miệng liếng thoắng; thị Tỏi luôn toát lên chất hồn hậu, mộc mạc chịu đựng của cô gái miền Trung đầy nắng gió; Diệu Phương với đôi mắt hiền và hai má trắng ngần. May mắn là tôi ngồi cách xa bọn con gái quá. Nếu ngồi sau con Diệu Phương, chắc tôi đã dán vào vạt áo nó hai câu ca dao rồi:
“Nước trong ai chẳng (muốn) rửa chân
Cái mái trắng ngần ai chẳng muốn hôn”
Thế nhưng cái khoảng cách từ MUỐN cho đến ĐƯỢC là cả một nghìn trùng.
À, mà cũng tại cái số cả. Nếu ngày xưa tôi dán lên áo Diệu Phương hai câu này, chưa biết cô nàng sẽ giận tôi đến bao giờ. Mà cũng có thể ngược lại.
Nhị Sáu, em biền biệt ra đi. Nay lại tức tưởi trở về. Em về, dù hình hài không còn nguyên vẹn, nhưng thực sự em đã về. Bốn thằng: Đình Tuấn, Ngọc Thuyết, Kim Tín, Duy Trinh đã hờn giận cõi đời hay hờn dỗi ly tan? Viết đến đây, tôi tạm dừng giòng chảy cùng 52 bạn còn lại kính cẩn thắp nén hương lòng tưởng niệm bốn người an hem cũng như nguyện cầu cho cả bốn bạn về miền cực lạc.
Nhị Sáu, bọn mình 57 đứa sống vô tư như quên ngày tháng đi qua, chẳng đứa nào nhăng nhít với đứa nào. Có chăng cũng chỉ là một thoáng tâm hồn lạc nẻo vu vơ. Thế rồi, một ĐÊM LỬA TÀN oan nghiệt, như một định phận xé rời Nhị Sáu ném mỗi đứa mỗi phương.
TA MẤT EM TỪ ĐỘ ĐÓ!
Hôm nay, hội ngộ! Định phận chăng? Không, trăm lần không! Mà là một sự tìm kiếm nhau miệt mài không mệt mỏi của một số bạn trong lớp. Ở đây, một nhân vật không thể không nhắc đến, đó là cô bé Huỳnh Phú Vang, thường gọi là Lan, vợ ông bạn Huỳnh Kim Thạch, tôi gọi cô nàng là con dâu của Nhị Sáu. Không biết ngày xưa ông Thạch mồm mép thế nào mà rủ rê con bé về xe tơ kết tóc, sinh hạ hai đứa con. Lan đã là một trợ thủ đắc lực để Kim Thạch dò tìm nốt vài thằng bạn có thông tin mờ mịt nhất.
Gặp lại nhau, đứa nào cũng đã lên ông bà Nội Ngoại. Mày mày tao tao sao mà thương quá đỗi! Ngày xưa trong giờ HOẠT ĐỘNG THANH NIÊN cũng chỉ nắm tay nhau múa hát, bây giờ gặp lại lì lợm ôm chầm lấy nhau. Thời gian vô tình phủ lên đầu mỗi đứa một màu trắng bạc; thời gian nhẫn tâm tước đi ở mỗi đứa cái khí hừng hực vào đời. Chỉ duy cái HỒN NHỊ SÁU thì ngược lại, không vơi mòn mà lại đằm thắm sâu nặng bất khả phân. Mỗi đứa một hoàn cảnh, năm đứa Diệu Phương, Hoài Thanh, Công Tùng, Văn Thanh (Quảng Ngãi), Vĩnh Tuấn trôi dạt bên kia bờ đại dương nhưng tâm tư một mực hướng về Nhị Sáu.
Ấm áp làm sao! Hạnh phúc làm sao! Nhị Sáu, em đã về!
Em về tóc đã bạc màu,
Ừ thì quy luật chiếc tàu Hóa Công.
Gió sương phai nhạt má hồng
Ừ thôi, son phấn đèo bòng làm chi.
Ngồi đây ôn buổi xuân thì,
Ngậm vành kết cỏ lai quy sum vầy…
Nguyệt Tơ rồi cũng vui lây,
Sướng chưa! Ôi cái phút giây trùng phùng!
Bình Dương, tháng 4/2013.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét