Gia đình Nhị Sáu

Gia đình Nhị Sáu

Thứ Hai, 12 tháng 8, 2013

NHŨNG THÁNG NGÀY ĐI DẠY.- TĐT


                                                                            Trần Đình Tín.


         Tháng tư đã về! Miền Trung bắt đầu nắng. Bầu trời thì trong xanh mênh mông. Thỉnh thoảng cũng có một vài ngày trời dìu dịu nhờ xuất hiện một vài đám mây trắng bồng bềnh trôi kèm theo những cơn gió mát từ biển khơi thổi vào.
          Tôi không có thói quen uống café sáng. Hôm nay thức dậy, tự nhiên tôi muốn đến một cái quán nào đó thật yên tĩnh để ngồi một mình.
Đường phố Qui Nhơn sáng sớm như còn ngái ngủ. Khi tôi bước vào Tiếng Thời Gian dường như chỉ có một mình. Tôi chọn một cái  bàn nằm ở góc khuất. Trong khi chờ… tôi lơ đễnh nhìn ra ngoài. Xe cộ đã bắt đầu qua lại. Học sinh tung tăng đi học. Đã bao lâu rồi, tôi không còn nhớ một thời nào đó mình đã từng là thầy giáo, đã từng đứng trên bục giảng và mùa khai trường cũng rộn ràng, nôn nao đến trường dạy học.  
           Tôi còn nhớ! Năm 1974 tốt nghiệp Sư Phạm ra trường đi dạy
học. Nhiệm sở của tôi lúc đó là Ty Giáo Dục Quảng Tín nay thuộc tỉnh Quảng Nam. Tôi dạy khoảng 6 tháng thì đất nước Giải Phóng. Tôi khăn gói trở về quê. Quê tôi thuộc Bình Tường-Tây Sơn-Bình Định. Lúc đó tôi định tiếp tục dạy ở quê. Ở đó sẽ thuận tiện hơn vì tôi có ông anh rễ là Chủ Tịch Xã. Nhưng suy nghĩ mãi có nên ở lại quê hay xuống Qui Nhơn. Cuối cùng, tôi quyết định xuống Qui Nhơn dạy học.
Ở Quy Nhơn, ngôi trường đầu tiên tôi dạy là Trường Tiểu Học Mai Xuân Thưởng sau đổi tên là trường Cấp Một Lê Lợi 1. Dạy đúng một niên khóa thì có quyết định chuyển sang Đảo Nhơn Châu rồi sau đó đổi sang Nhơn Hải rồi đến Hải Giang qua Hải Minh về lại đất liền dạy Hải Cảng cuối cùng là trường Tiểu Học Đống Đa.
Có lẽ tôi là một giáo viên có được diễm phúc dạy nhiều trường nhất từ những hải đảo xa xôi đến các bán đảo rồi đến các trường nội thành trong một thời gian ngắn nhất.
Năm 1990, tôi xin nghỉ dạy vì rất nhiều lý do. Tôi đến Phòng Giáo Dục Qui Nhơn gặp thầy Thừa người phụ trách Tổ Chức, để trình bày hoàn cảnh:
- Thưa thầy! Em công tác trong ngành Giáo Dục tương đối cũng lâu rồi. Cuộc sống hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nên em không thể tiếp tục vì vậy em đến đây xin nghỉ dạy. Thầy giải quyết lương bỗng của em thế nào?
-Chắc không có đồng nào đâu? Vì đây là thầy tự nghỉ, không theo chế độ.
-Em biết vậy, nhưng thưa với thầy là em đã phục vụ ngành giáo ngần ấy năm mà không giải quyết cho em được vài tháng lương về mua mấy ký gạo ăn à!
-Khổ quá! Đã nói với thầy rồi, không thể giải quyết được.
          Tôi lủi thủi đi về. Thầm tủi bản thân mình. Hai năm đèn sách học nghề thầy, mười sáu năm đi dạy. Bây giờ về tay không!!!
          Tiếng hát Tuấn Ngọc vang lên trong giai điệu bài Bản Tình Cuối của Ngô Thụy Miên đã ngắt nguồn suy nghĩ của tôi…
          Không biết từ bao giờ tôi rất thích bài hát này và cứ mỗi lần nghe là tôi lại nhớ những tháng ngày học Sư Phạm Qui Nhơn… Thật sự mà nói ngày tháng đó sao mà êm đềm, sao mà tâm hồn mình vui tươi, yêu đời đến kỳ lạ. Dưới mái trường Sư Phạm, tôi được ấm áp vì có tình bè bạn, có những rung động êm dịu của con tim, có những bài học làm người… mà bây giờ vẫn theo tôi đi suốt cuộc đời…
          Tôi còn nhớ! Năm nhất niên. Một hôm, trong giờ Giáo Dục Cộng Đồng do thầy Tính giảng dạy. Thầy là người nỗi tiếng nghiêm khắc. Thầy phân công tôi và bạn Huỳnh Văn Triên phụ trách việc thuyết trình. Không biết bài thuyết trình của hai đứa tôi nó dở như thế nào? Hay là tại vì lần đầu trình bày trước lớp mà nhất là trước các cô giáo sinh xinh đẹp nên tôi và Triên run lắm, cứ lập cà lập cập sao đó? Mà vừa kết thúc, chúng tôi chưa kịp về chỗ thì thầy Tính phán một câu giữa lớp:
-Bài thuyết trình của trò Tín và trò Triên không những không có điểm mà còn bị điểm trừ.
          Lời phê bình của thầy làm tôi lùng bùng lỗ tai và lảo đảo đi về chỗ ngồi. Từ đó tôi cứ suy nghĩ mãi về lời thầy và nó trở thành một bài học nhớ đời. Nó đã giúp tôi nhận thức và trách nhiệm khi làm bất cứ một công việc gì? Sau này tôi thường khuyên bảo các con tôi rằng:
          -Phàm làm bất cứ một điều gì? Một công việc gì? Các con phải tìm hiểu cho thật cặn kẽ, phải chú tâm làm cho thật tốt để khỏi thua kém bạn bè.
          Như trên tôi đã nói, tôi dạy rất nhiều trường. Trường nào cũng để lại cho tôi một vài kỷ niệm nho nhỏ thật đáng yêu nhưng nhớ nhất là trường Hải Giang thuộc bán đảo Phương Mai.
          Nói là trường chứ thật ra đó chỉ là một túp lều thì đúng hơn. Học sinh thì lèo tèo mỗi lớp vài ba em. Tôi dạy một lần ba lớp. Thật là tội nghiệp! Nói cho cùng thời nào cũng vậy, vùng sâu, vùng xa, hải đảo… bao giờ cũng hẩm hiu cả.
          Tôi tá túc nhà ông trưởng thôn. Ông này thuộc diện khá nhất trong làng. Hàng tháng, tôi chỉ nộp 13kg gạo thôi, thức ăn miễn phí. Gia đình có gì ăn nấy. Thực đơn rất là đơn giản, những món như đậu phụng giã trộn chung với một ít muối, canh lá giang nấu với cá chốt (một loại cá giống như cá trê nhưng nhỏ bằng lóng tay). Sáng trưa chiều đều như thế!
          Một hôm, ông chủ nhà nói với tôi:
-Tôi thấy thầy ốm yếu, ăn uống lại đạm bạc. Sợ thấy kham không nổi quá! Sức đâu mà dạy mà phụ giúp bà xã.
Dân biển là thế đó! Chất phác, nghĩ sao nói vậy. Tôi nghĩ thầm: -Chắc ông không để ý chứ khi mới vào tá túc nhà ông. Đến bữa cơm, ông bảo với tôi:
-Mời thầy ngồi ở đầu bàn để mấy cháu nó xới cơm cho.
-Dạ, không sao, con ngồi đâu cũng được.
Thời ấy, người dân họ sống rất khó khăn. Làm ra hạt gạo tay lấm chân bùn! Nhưng tấm lòng họ rộng mở và tư tưởng “Tôn sư trọng đạo” vẫn sâu đậm trong tâm tưởng của họ.
Thời gian sau, tôi tự động ngồi sát nồi cơm để tự xới vì tôi ăn hoài mà không thấy no mà ngồi xa thì cứ đưa cho mấy đứa cháu nó xới hoài thấy cũng kỳ. Chẳng thà anh nông dân ăn nhiều không ai quở, còn mình là thầy giáo!!! Có hôm mấy đứa nhỏ thì thầm nói với ông chủ nhà:
-Ông nội ơi! Sao thầy T..ăn khỏe dữ?
-Không sao đâu con, ăn như vậy thầy mới dạy tốt cho các con được.
          Tôi nhẹ cả người! Từ những bữa cơm đạm bạc như thế! Tôi sống những ngày tháng với tình cảm của những phụ huynh chân chất đầy sự kính trọng thầy cô giáo.
          Hồi ấy, cuộc sống khó khăn, không ai nghĩ gì nhiều về mặt dinh dưỡng. Sau này tôi mới nhận ra rằng, cá chốt nấu với lá giang là món ăn rẻ tiền mà vô cùng bổ dưỡng. Cũng nhờ thế, nó giúp tôi có thể lực bền bĩ để vượt qua mọi công việc.

  Sau khi từ biệt bục giảng trong sự luyến tiếc. Vẫn biết rằng nghề dạy học là nghề cao quý nhưng tôi không thể trụ lại và đã chọn công việc kinh doanh cho nên tôi phải quyết tâm làm thật tốt công việc và trời đã không phụ lòng tôi.
          Thời gian vẫn trôi nhưng những kỷ niệm trong tôi không phai mờ theo năm tháng và có lẽ nó theo tôi đến hết cuộc đời này.
          Bây giờ đã gần bốn mươi năm rồi mà mỗi khi ngồi với T.., với R.. nhắc lại những kỷ niệm xưa khi còn đi học ở trường Sư Phạm Qui Nhơn. Tôi vẫn cứ ngỡ nó vừa mới xảy ra đâu đây, vẫn hình dung những ánh mắt nụ cười trao nhau sao mà ấm áp, thân thương đến lạ thường.
Thời gian như “Bóng câu qua cửa sổ” , tôi thấy luyến tiếc thời tuổi trẻ của mình và cảm thấy sợ! Đành rằng : Sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường tình nào ai tránh được?
Thôi thì:
Vật đổi, sao dời.
          Đông tàn, xuân sang.
          Hình hài thay đổi.
          Còn chi em ơi!
          Chút tình để nhớ!
          Thương hoài ngàn năm.

Qui Nhơn, tháng 04/2013.

          Trần Đình Tín.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét