Diệu Phương
(Cám ơn Irene gợi cho mình
những cảm xúc viết nên bài này)
…Hôm nay trời vào
thu,(ở đây) lắm sương mù, cây khô buồn trút lá, gió ven hồ bay xa. Mây thu lững
lờ trôi, lồng lộng gió lưng đồi…
Đậu bằng Tú tài xong ba má
tôi không cho học tiếp vì nói : “Con gái không cần học nhiều, ở nhà tập tành
làm ăn rồi có chồng là vừa” Vốn là người Hoa gốc Hải Nam ba má tôi bán thuốc Bắc từ cha
truyền, con nối cũng khá giả. Tất cả 10 anh em tôi đều học chữ Hoa trừ một mình
tôi học chữ Việt. Tôi yêu ngôn ngữ Việt Nam , và mơ ước được làm cô giáo
thời còn bé. Lúc nhỏ đã bị đòn “nứt mông” không biết bao nhiêu lần vì từ chối
đi học tiếng Tàu. Không chịu nổi tính lì và khóc nhè của tôi nên cuối cùng ba
má tôi chấp nhận cho tôi học tiếng Việt.
Mùa thu năm 1972, lén ba mẹ
tôi thi vào Sư Phạm Qui Nhơn. May mắn, tôi thi đậu và thắng ba má một lần nữa
sau khi lý luận : “ Nghề giáo là một nghề cao quý, con chấp nhận nghề bán“cháo
lòng”, nghèo khó để thực hiện lý tưởng của đời mình…“ Ước mơ làm cô giáo mà tôi
đã ấp ủ từ lúc còn bé nay đã trở thành sự thật.
Ngôi trường sư phạm rất dễ
thương, hướng mặt ra phía biển quanh năm nghe tiếng rì rào của sóng và đại
dương . Đi qua chiếc cổng lối vào những cây hoa sứ đưa hương thoang thoảng. Những
giàn hoa giấy trắng, tím , hồng rực rỡ khoe sắc như đón chào tôi. Tôi học lớp nhất
niên sáu khóa 11. Cả lớp chỉ có 11 người là nữ còn lại là 45 bạn nam. Vì là
người Hoa và tính nhút nhát,lúc đầu tôi rất bỡ ngỡ! Thế nhưng chỉ một thời gian
sau là chúng tôi xem nhau như tình thân. Lớp tôi rất vui! Tôi không bao giờ
quên được những lần: nghiên cứu địa phương, tuần lễ học về: quân sự học đường,
tập sử dụng, lắp ráp súng M.16. Những lần du ngoạn tu viện Nguyên Thiều, tắm
biển ở đảo Cù lao xanh cùng chúng bạn. Những buổi học ở Giảng đường trường với
những săn sóc, tán tỉnh của các bạn khác phái. Những mối tình thơ dại, dễ
thương thời mới lớn trong khuôn viên nhà trường. Thương trẻ em tôi tham gia ban
xã hội đi thăm viếng, chăm sóc trẻ mồ côi .Thích thơ, văn nghệ tôi tham gia ban
văn nghệ hát hợp ca, múa trong vũ khúc :Tiếng Xưa”, trong hoạt cảnh “Miếng trầu
duyên “. Nếu tôi nhớ không lầm nhờ công bạn Ren và Hoài Thanh đạo diễn giỏi,
bạn Sĩ Tạo, Ngọc Tượng đàn hay… lớp tôi đã thắng giải nhất toàn trường trong vũ
khúc đàn tì bà và hoạt cảnh:”Miếng trầu duyên” này và được ông Tỉnh trưởng
thưởng cho 10 ngàn đồng. Một số tiền rất lớn đối với giáo sinh nghèo như chúng
tôi lúc bấy giờ (gần bằng một nửa tháng lương của giáo viên). Thế là chúng tôi
có dịp tự khao nhau bằng một buổi du ngoạn, một buổi tiệc lớn cho bỏ công những
ngày tập dượt mệt lã người. Muốn đậu cao, có nhiệm sở tốt, chúng tôi thi nhau
miệt mài tìm hiểu về sự phát triển, tâm lý của trẻ em, các phương pháp sư phạm,
kỹ năng dạy trẻ, thực tập dạy và thi ra
trường.
Mùa thu 1974, tôi tốt nghiệp
sư phạm và chọn nhiệm sở Hoài Nhơn, Bồng Sơn. Tôi lên đường dạy học chưa hết
niên học thì mùa xuân 1975 ập đến!
Sau 75, tôi trở về lại Qui
Nhơn tiếp tục dạy .Từ dạy tiểu học tôi được chuyển lên trung học dạy Việt văn
và Sử, Địa tại trường Trần Hưng Đạo ( trước 75 là trường Tàu, Tư thục Sùng Nhơn
và Triều Thuận do cậu tôi là ông Diệp Năng Đức làm Hiệu Trưởng và cũng là chủ.
Cậu tôi cũng là chủ rạp cine Kim Khánh , nếu ai thích xem phim ở Qui nhơn chắc
biết ?)
Cứ tưởng đất nước chấm dứt
chiến tranh, tôi sẽ được yên ổn đi dạy
học nào ngờ những người Hoa như chúng tôi phải ra đi theo quyết định của
nhà nước.
Tháng 9 năm 1978 tôi và gia
đình lênh đênh trên Biển Đông 30 ngày thay vì 3 ngày như dự tính. Sau những
ngày sóng gió, thuyền vỡ. Chúng tôi 153 người trên thuyền góp tiền nhau mua lại
thuyền khác rồi đi tiếp, nhưng rồi thuyền lại bị chìm khi gặp bão lớn và tấp
tại đảo Hải Nam ,
Trung Quốc. Rất may, chúng tôi đươc tàu đánh cá cứu được và đưa vào Hồng Kông.
Được cậu D.N.Đức bảo lãnh sang New York nhưng
việc qua Mỹ bất thành nên tôi xin qua Canada và định cư tại Toronto vào tháng 7/1979.
Tôi làm đủ nghề miễn làm sao
để kiếm sống. Làm công nhân cho hãng điện tử, công nhân hãng khung hình, tiệm
giặt ủi, làm thâu ngân viên cho tiệm bán café Tim Hortons, mở tiệm bán trái
cây, tiệm tạp hóa, tiệm bán quà lưu niệm, cho thuê phim video, làm cô giáo giữ
trẻ Hội người Việt Toronto, làm phụ tá dược sĩ, làm nghề giữ và săn sóc người
già v.v…và v.v…
Tôi đã ba chìm bảy nổi chín
lênh đênh. Thật thế , không sao kể hết nỗi gian khổ của vợ chồng tôi… Nhưng có
một điều kỳ lạ là trong những năm tháng khốn khó, vất vả đó, hàng đêm, hàng
đêm…tôi cứ nằm mơ mình đang dạy học và giấc mơ đó nó cứ tái diễn hàng trăm,
hàng nghìn lần… Vì quá tha thiết với nghề dạy học, những lúc rảnh tôi đã xin đi
dạy thiện nguyện Anh Văn, Việt Ngữ cho một số trường như Parkdale Public School
và chùa Linh Sơn Toronto. Tôi nói với nhà tôi “ Chắc em vẫn còn có duyên với
nghề dạy nên nếu có dịp em sẽ thử xem”
Cuộc sống vẫn cứ trôi và dịp
may đã đến. Năm 1990, trường Carleton Village P. S nơi hai con tôi học mở lớp Việt Ngữ đầu tiên.
Trường lại gần nhà, tôi làm quen với cô giáo Lệ Thúy và biết được địa chỉ của
Bộ Giáo Dục nên làm đơn và xin đi dạy.
Lúc đó tôi đã làm chủ tiệm
Vina Grocery và Gift store .Mua được hai căn nhà cùng một căn chung cư để ở và
cho thuê. Tiệm thu nhập cũng khá dù tôi vẫn phải làm việc cực nhọc mỗi ngày hơn
15 tiếng để phụ thêm tiền thuê nhà trả morgate nhà bank. Đời sống tương đối ổn
định hơn nhưng tôi cứ buồn vì chưa chưa đạt được mơ ước và “dị ứng tiền”vì mỗi
ngày phải đếm nó. Buồn nhất là mỗi mùa hè ngồi trong tiệm nhìn qua cửa sổ thấy
dân Canada diện đồ đẹp ,đồ mát đến tiệm mình mua cà rem , thức ăn hay dung dăng
dung dẻ nắm tay nhau cười nói, chuyện trò mỗi khi đi lễ sát nhà thờ bên cạnh
hay cuối tuần hoặc trong dịp Noel , Tết... Còn mình vì là dân tị nạn còn nghèo
nên phải làm việc 7 ngày trong tuần không đủ thì giờ ngủ, nói chi đến việc đi
dạo. Nếu là thời xưa làm cô giáo thì được nghỉ hè chứ đâu như bây giờ như con
thú bị nhốt trong củi sắt . Mỗi lần muốn đi đâu 5,10 phút cũng sợ mất khách hay
sợ người làm “chôm” tiền, thì ngày đó khỏi lời luôn. Nỗi buồn cứ kéo dài trong
vô vọng … thì sáu tháng sau khi nộp đơn tôi nhận được thư mời đi phỏng vấn và
Chị B. T. Hương, trưởng nhóm giáo viên VN phôn báo cho biết tôi đã được Bộ Giáo
Dục mướn. Tôi thật sự bắt đầu đi dạy vào Tháng 11 năm 1991.
Và một điều kỳ lạ là từ khi
tôi đi dạy lại thì giấc mơ thấy mình dạy học biến mất…
Lúc
mới bắt đầu đi dạy học, mỗi tuần tôi giảng dạy chỉ có hai tiếng rưỡi ở trường Lord Dufferin
Public School . Thời gian
còn lại tôi ghi tên theo học những khóa bổ túc ngắn hạn dành cho các cô giáo
của Bộ Giáo Dục, học để lấy bằng
College hai năm về dạy
trẻ (Early childhood Education). Rồi tôi đi học đủ loại ngành: học về thông
dịch, dịch thuật, học về y tá, học về tài chính, học mua bán nhà, bán mỹ phẩm ,học
làm nail…nói chung là học đủ thứ nghề, lấy đủ thứ bằng cấp…
Trong những năm như thế, cứ
ngày đi làm để kiếm sống lo kinh tế cho gia đình. Ban đêm đi học, lặn lội trong
đêm đông hay trong bão tuyết lạnh lẽo. Tối về nhà, mọi người ngủ mình còn phải
thức để học bài và làm project.
Thời gian cứ trôi, tôi vẫn
miệt mài với việc học nhưng khó nhất là
mỗi lần dạy thực tập (student placement). Ngoài những bài thi ở trường. Điểm
thực tập do thầy cô giáo trường mình học chấm điểm + Cô giáo trường mình đến
thực tập + Bạn học trong lớp của mình(người Canada ) và điểm do mình tự cho. Tất
cả các điểm trên cộng lại chia trung bình là điểm ra trường của mình. Cũng rất
may là tôi đã chuẩn bị kỹ bài dạy mẫu nhiều tháng trước mỗi lần dạy thực tập và
chăm học đều cả năm nên cũng đạt điểm
cao. Xứ sở càng văn minh thì “ lạm phát trí thức” càng nhiều. Có đủ thứ bằng
nhưng tôi vẫn không tìm được việc tốt nên “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Khoảng 10 năm sau tôi có thêm
lớp thứ hai. Năm thứ 15 tôi có lớp thứ ba, rồi thứ tư, thứ năm và bây giờ tôi
có được 6 lớp, nhưng tổng cộng chỉ có 15 tiếng mỗi tuần (thay vì 40 tiếng trở
lên như các ngành nghề khác). Ngoài giờ dạy tôi cũng kiêm làm thông dịch viên
và dịch thuật viên cho Bộ Giáo dục Toronto .
Tôi rất sung sướng và hài lòng với công việc hiện tại dù đồng lương nhà giáo
rất khiêm nhường. So với 9 anh em khác của tôi bên Mỹ tôi nghèo nhất.
Nếu là bạn trong 10 năm ròng
rã chỉ dạy có vài tiếng, không đủ kiếm sống bạn có thể giữ được nghề này không,
hay phải bỏ để tìm nghề khác nhiều tiền hơn ? Lúc đầu nhóm giáo viên Việt Ngữ
của chúng tôi khá đông nhưng dần dần bỏ dạy bớt vì sau một vài tháng, một vài
năm thử thách trong nghề họ quá chán nản .Thế mà tôi và một số bạn khác như cô
Kim Cương, cô Kim Bảo, cô Bê, cô Lê Ảnh, Phượng Loan… đã làm được nhờ yêu nghề và
kiên trì. Nhiều lần tôi đã hi sinh bỏ những công việc tốt , lương cao hơn để đi
dạy vì trùng giờ, như phải đóng tiệm Vina Grocery của mình. Từ chối không chịu
làm chung hãng xe hơi với ông xã tôi dù lương ở đây khá cao…
Tiếng Việt là một trong những
ngôn ngữ được chính phủ công nhận giảng
dạy trong các trường Công lập ở Toronto , Canada : “Chương trình Ngôn Ngữ Quốc
Tế” ( International Language Program) mà tôi dạy, đối tượng dạy đa số là học
sinh Gia Nã Đại gốc Việt còn có học sinh Hoa , Nhật , Pháp , Canada, v.v… Nếu
không rành cả hai ngôn ngữ Anh,Việt mình khó mà dạy có kết quả tốt. Muốn xin
được mở một lớp Việt Ngữ hay các ngôn ngữ khác mình cần 25 em ghi danh, thêm 25
em nữa là lớp thứ hai và được lớp thứ ba nếu có tiếp 25 em nữa… Nếu trường nào
có nhiều lớp thì cô, thầy chia nhau dạy đỡ khổ, còn không mình phải dạy 9 trình
độ ,từ mẫu giáo một đến lớp 8 (Junior kindergarten – Grade 8) trong một lớp.Mỗi
năm mình phải dạy theo các chủ đề khác nhau do chương trình của Bộ Giáo Dục đưa
ra. Thường chủ đề dạy ăn khớp với lớp tiếng Anh trong trường.Tuy dạy Việt ngữ
nhưng mình phải soạn bài giảng (Lesson plan) bằng tiếng Anh và nộp bài trước
khi lên lớp. Sinh ra và lớn lên trên một đất nước văn minh, tự do, các em sống
theo chủ nghĩa cá nhân và nghĩ rằng mình có nhiều quyền tự do nên ít ngoan và
ít “ tôn sư , trọng đạo” như học sinh mình ở Việt Nam thời xưa. Mình không được quyền
la mắng, phạt, hay “đánh” các em dù chỉ là một cái khẻ tay(làm vậy là trái luật
pháp ở đây sẽ bị mất việc ngay). Đó là một vấn đề khó cho giáo viên. Đa số các
em đi học Việt Ngữ là do cha mẹ bắt ép chứ không phải tự nguyện nên không dễ
dàng “trị” được các em nếu mình không có kinh nghiệm hay phương pháp sư phạm.
Luôn luôn trau dồi tay nghề, soạn mới bài
giảng, tìm tòi, học hỏi những trò chơi mới lạ để áp dụng trong lớp, tạo cho lớp
học, vui thú, sinh động . Lồng trong bài học là những bài hát, bài thơ song
ngữ, trò chơi , làm sao cho vừa học vừa chơi thì mới “dụ” các em học được, nếu
không các em chán bỏ học thì lớp sẽ bị đóng. Ngoài nổ lực, cố gắng trong lớp
học ,các dịp lễ lạc ở trường như Lễ phát phần thưởng cuối năm, hay mỗi dịp Noel,
Tết Trung Thu,Tết Nguyên Đán để giới thiệu văn hóa Việt Nam cho các ngôn ngữ khác và dạy cho các em ghi nhớ, gìn
giữ phong tục tập quán của quê mình tôi thường tổ chức văn nghệ mời phụ huynh
và trường tham dự . Nhưng làm điều đó rất tốn nhiều thì giờ, công sức( không kể
tiền bạc tự mình bỏ ra).
Cô Monica, Hiệu trưởng trường Emily Carr
Secondary School , một trong 6 trường mà tôi đang dạy thường an ủi tôi mỗi khi
tôi xuống tinh thần khi đám học trò lớp 8 quậy phá hay dở chứng không chịu
trình diễn văn nghệ Tết sau khi tôi đã bỏ công đạo diễn, dạy chúng tập múa hàng
tháng trời. Sân khấu đã trang hoàng , quần áo, thủ công đồ múa đã chuẩn bị sẵn
sàng…Cô thường vỗ nhẹ vào vai tôi và
nói” Pauline, hãy gắng lên , đừng nản ! Một lần gởi thiệp cám ơn tôi đã
nhiệt tâm giúp cô gầy dựng các Lớp Việt Ngữ mỗi ngày một đông hơn cô mượn câu
nói của Andrew A. Rooney : “ Most of us end up with no more than five or six
people who remember us. Teachers have thousands of people who remember them for
the rest of their lives”(Đa số trong chúng ta, chỉ có vài người, không quá năm
hay sáu người nhớ đến chúng ta. Thầy cô giáo thì có đến hàng ngàn người biết ơn,
nhớ đến họ suốt đời.) Mê nghề dạy đến nỗi đến nỗi nhiều tối tôi quên ngủ vì bận
phải làm các trò chơi Bingo theo chủ đề cho kịp ngày mai dạy ,hoặc làm các thủ
công cho buổi văn nghệ Tết. Thương vợ có khi ông xã tôi phàn nàn: “Chọn nghề gì
mà cực quá vậy ,được trả lương một tiếng mà làm việc mười tiếng ? “ Tại tôi mê
nghề, thương các em nên làm chứ có ai bắt ép.
Quả thật trong hơn 21 năm
giảng dạy ở xứ người tôi đã giúp ít nhất một vài ngàn học sinh biết được tiếng
Việt , nhớ được ngôn ngữ nguồn cội , phong tục tập quán của dân tộc mình. Học
sinh cũ của tôi có rất nhiều các em đã thành danh và địa vị ở nước người. Mỗi
năm vào các dịp lễ lạc hay Hội chợ Tết tôi thường được các em đến chào mà không
nhớ hết các em…
Trong đời đi dạy của tôi có rất nhiều niềm
vui, nỗi buồn có dịp tôi sẽ kể thêm trong bài khác: “Vui buồn đời dạy học.”
Muốn thực hiện thì phải nỗ
lực hết mình nhưng theo tôi bên cạnh niềm ước mơ đó mà còn có cái duyên nghiệp.
Và tôi đã có duyên với nghề giáo.
Rồi Thu đi ! Đông về! Xuân
đến, Hè sang!...Tôi chợt nhận ra rằng thời gian sao trôi qua nhanh quá! Thấm
thoát tôi làm cô giáo ở xứ người đã hơn 21 năm.
Mỗi người trong chúng ta ai cũng có một ước
mơ, một hoài bão ấp ủ cho riêng mình.
Và bây giờ tuổi đã cao, niềm
vui, niềm đam mê và hoài bão tha thiết nhất của tôi là đem ngôn ngữ Tiếng Việt
của mình để truyền bá cho dân bản xứ và giúp các em Việt Nam giữ gìn ngôn ngữ
nguồn cội của mình trong chuỗi ngày còn lại.
” Người Việt còn, tiếng Việt còn “ tôi luôn
luôn ghi nhớ câu nói của tiền nhân qua lời nhắc nhở của chị B.T. Hương , con
chim đầu đàn của nhóm giáo viên Việt Ngữ chúng tôi. Người chị tinh thần mà tôi
kính trọng và ngưỡng mộ nhất, người tôi nghĩ là có công nhất trong chương trình
Việt Ngữ ở Toronto , Canada .
Một cơn gió thổi đến ! Lá phong rơi lả
tả bay bay từng chiếc trong chiều. Mùa Thu ở xóm tôi đẹp quá ! Tôi thẫn thờ!
Mình còn dạy bao nhiêu mùa Thu nữa nhỉ?
Hàn Diệu Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét