Kính dâng muôn ngàn bông hoa tươi thắm lên má Diệp Quỳnh Anh, người mẹ tuyệt vời của
chúng con.
Chiếc phi cơ của American Airline rời phi đạo và từ từ cất
cánh bay lên cao. Thành phố Toronto
xinh đẹp với hồ rộng, cây cối xinh tươi, những tòa nhà cao ngất, xe cộ dập dìu
bây giờ chỉ còn là những chấm li ti nhỏ xíu… rồi biến mất. Trước mắt tôi là
những tảng mây trắng trôi bồng bềnh trên bầu trời xanh trông tuyệt đẹp. Có đám
mây nhìn như những ngôi nhà, những bức tranh vân cẩu, như những đóa hoa trắng trong
vườn nhà tôi …Tất cả đều trắng xóa như
tuyết, như mái tóc của má tôi.
Mở Laptop tôi thấy một email mới có
những câu thơ :
“ Nhìn bóng phi cơ lẫn bóng chiều ,
Chơi vơi hồn mộng bến cô liêu…
…
Phương ơi anh nhớ em ghê lắm !
Dù chỉ xa nhau mới một giờ…
À ! thì ra ông xã tôi sửa thơ của
ai đó để tặng tôi mỗi lần gấp quá chưa làm thơ kịp. Cưới nhau đã hơn ba mươi
mấy năm rồi mà mỗi lần xa nhau anh đều lưu luyến. Lần này tôi chỉ qua New York để dự sinh nhật
83 tuổi của má tôi có một tuần, mà anh ấy cũng nhớ thương. Mỉm cười trong hạnh phúc đang có và nghĩ đến cuộc đời
khổ hạnh của má. Tôi thương má quá đi thôi !. Đóng máy lại, tiếp tục nhìn mây
trôi lờ lững tôi thả hồn về dĩ vãng, thuở tôi còn độc thân sống với ba má ở quê
nhà.
Sinh ra tại Mỹ Tài, Phù Mỹ nhưng
thuở ấu thơ và lớn lên tôi sống ở Qui Nhơn nhiều nhất. Thành phố biển gắn liền
với tôi nhiều kỷ niệm với những lời ru, à ơi ngọt ngào của mẹ vào những buổi tối hay
những buổi trưa hè. Những sáng tắm biển với người thân. Buổi trưa hay giờ ra
chơi thơ thẩn cùng bạn học tán dóc, ăn quà vặt khi còn học Nữ Trung học, Sư
Phạm Qui nhơn. Những lần cúp cua giờ Anh văn đi xem phim miễn phí khi rạp cine
Kim Khánh của cậu tôi có phim hay. Những buổi chiều cùng đồng nghiệp, học trò
trường Trần Hưng Đạo đạp xe đạp đi vòng quanh thành phố hóng gió, leo núi hát
ca , tâm sự... Đi ăn kem “chùa” ở tiệm Thanh Ký của chị họ tôi , hay uống nước
đậu ăn bánh nướng (pateschaud) gần trường Bồ Đề. Thỉnh thoảng đi xa hơn một
chút để ăn nem chợ Huyện. Đi du ngoạn ở tu viện Nguyên Thiều... Còn nhiều kỷ
niệm ở nhiều nơi lắm kể sao cho hết ?...
Qui nhơn trước năm 1975 có những
con đường mang tên các vị vua, các anh hùng của nước Việt như: đường Gia Long, Nguyễn
Huệ, Lê Lợi, Phan Bội Châu , … và Võ Tánh là một con đường tương đối rộng rãi
và đẹp nhất, nhì thành phố Qui Nhơn với hàng cây xanh mướt hai bên đường. Trên con
đường này ở số 31 Võ Tánh gần khu Hai ,đường Nguyễn Huệ là ngôi nhà thân yêu mà
má tôi đã mua để mấy anh em chúng tôi có thể đi học hai trường Hoa duy nhất
trong thị xã, đó là trường Sùng Nhơn và Triều Thuận.( Chỉ trừ tôi là không học
chữ Hoa). Đây là nơi có nhiều kỷ niệm thân thương của tôi với gia đình và nhất
là với … má tôi.
Nếu có ai hỏi tôi : “Trên đời này thương ai nhất ?” Tôi sẽ không ngần ngại trả
lời, người tôi thương và kính trọng nhất là má tôi – “Người Mẹ Tuyệt Vời “của mười
đứa chúng tôi :Hàn Lộc Định, Diệu Phương, Thành Định, Chí Định, Vinh Định, Ngọc
Dung, Phương Thảo,Thùy Linh, Mai Chi và Huê Định.
Đã từ lâu, tâm nguyện của tôi và
cũng là của anh chị em tôi là sẽ viết một bài viết, làm một DVD ngắn về Má tôi
và cuộc đời về cuộc hành trình gian khổ của một “Single mother “ (Người Mẹ
không chồng) đem 10 đứa con đến nơi đất khách lập nghiệp. Những khó khăn gian
khổ ban đầu của một người vợ không chồng bên cạnh nuôi 10 đứa con nơi xứ lạ, quê
người.
Tôi rất muốn làm điều đó để tặng má
vào ngày sinh nhật, ngày lễ Mẹ hay mỗi mùa báo hiếu Vu Lan. Nhưng ngày tháng cứ
trôi đi. Xuân về, Hạ đến, Thu đi , Đông tàn, rồi năm này qua năm khác, mãi vật
lộn những khó khăn để mưu sinh ở xứ người nên tôi không có dịp. Nay thấy má đã
già, không rành viết văn nhưng tôi vẫn cố gắng viết tặng má trong lúc người còn
minh mẫn mà đọc được.
Nghe ngoại kể lại thì lúc còn trẻ
má tôi là Hoa khôi ở An Thái, Bình Định. Má có vóc dáng mảnh mai, tay chân mềm
mại, mủm mỉm, nước da trắng trẻo và khuôn mặt thanh tú, dịu hiền, không đẹp sắc
sảo như dì Lạc tôi. Bây giờ đã hơn tám “bó” má cũng còn mặn mà lắm. Thời đó có
rất nhiều chàng trai yêu mến theo đuổi má và má có thương một người trong số đó
mà ngoại không chịu gả vì chê người đó nghèo và ép gả má cho ba, để có thể giúp
đỡ cho ngoại và các cậu vì sau khi ông ngoại mất nhà rất nghèo.
Má tuyệt thực , giả chết với sự
giúp đỡ của cậu mợ Đức tôi nhưng cũng không che mắt và thắng được ngoại và phải
ưng ba. Dù sống với ba không có tình yêu nhưng lúc nào Má cũng chung thủy và làm
đầy đủ bổn phận của một người vợ, người mẹ hiền.
Khi má dẫn chúng tôi ra nước ngoài (ba tôi
không đi vì lý do riêng). Vài năm thì nghe tin ba mất ở VN nhưng má vẫn ở vậy
thờ ba cho đến giờ ( dù khi mới qua Mỹ nhiều người thương cái nết na của má và
muốn cưới mà má không chịu vì thương con)…
Lúc còn sống ông bà nội và ba tôi
vẫn khen má tôi là người “Con Dâu Tốt, Người Vợ tuyệt vời”. Chúng tôi, các con
của má cũng nhận thấy quá đúng, không ai thương con, hi sinh nhiều cho con như
má tôi …Dùng danh vị :” Người Mẹ Tuyệt Vời “cho Má tôi không sai chút nào.Tôi
luôn tự hào vì mẹ tôi mà nói : “ Đi khắp thế gian không ai tốt bằng… Mẹ tôi ”
“Một mình, mẹ làm tất cả
Bao nhiêu công việc trong nhà
Chịu đựng, âm thầm…vất vả
Không hề than thở kêu ca” *
Làm mẹ của 13 đứa con, má tôi cực
khổ không bút nào tả xiết. Là đứa con thứ nhì nhưng là con gái lớn nhất trong
gia đình,( em gái kế Ngọc Dung cách tôi một con giáp) nên tôi đã thấy cái khổ
của má và giúp má rất nhiều trong việc chăm sóc các em. Nuôi má trong bệnh viện
mỗi lần má sinh em bé mới .
Gia đình tôi có hai tiệm thuốc Bắc
Dũ Hòa, một ở Phù Mỹ do ba tôi làm chủ, tiệm thứ hai ở Qui Nhơn do má tôi trông
coi. Ngoài việc đứng bán tiệm, cân thuốc, làm thuốc má tôi còn phải làm đầy đủ
bổn phận của một người mẹ như chăm sóc con, đi chợ, nấu ăn, giặt giũ. Mỗi buổi
sáng sớm, má chùi tro hàng đống chén trà dơ dùng để mời khách uống. Má nấu thức
ăn sáng cho cả nhà, đánh thức các em dậy, rửa mặt, thay quần áo, cho các em ăn
sáng. Buổi trưa má đi chợ, nấu ăn trưa cho cả nhà trên 15 người. Chiều về cũng
làm những việc tương tự nhưng thêm là phải sắp hàng hơn chục đứa con dùng gàu
múc nước giếng tắm, kỳ cọ từng đứa, thay quần áo cho các con. Tối đến má ru các
em ngủ. Hàng ngày, má giặt mấy thau quần
áo dơ to tổ bố bằng nước giếng xách, chưa kể giặt thêm thau tả của một, hai em
nhỏ nhất. Thời đó đâu có máy giặt hay tả
diaper dùng một lần rồi bỏ như bây giờ. Việt Nam mình khí hậu nóng bức, bụi bặm,
các em tôi chơi vọc đất cát rất dơ nên mỗi lần giặt áo cho các em ngoài bâu áo,
cổ áo, má và tôi phải chà mạnh tay áo muốn “gãy” tay mới sạch. Nấu ăn cho vừa
miệng ba và các con, hay giặt đồ cho sạch thường phải chính má hay tôi làm chứ
người làm không bao giờ làm tốt. Ngọc
Dung là đứa em cưng mà tôi cầu trời phật (?) mới có được vì trước đó tôi có 5
anh em trai mà chưa có em gái để chơi chung. Dung bị bệnh ghẻ đầy mình chữa
hoài không hết, má xức thuốc cho nó mỗi
ngày và chăm sóc nó nhiều. Phương Thảo bị bếp dầu đổ phựt cháy phỏng nặng má
chăm sóc, bôi thuốc rất nhiều ngày Những dịp nhà có giỗ, má nấu nhiều món ăn
đãi họ hàng, Tết làm đủ thứ rim mứt, bánh trái , thịt bò, heo, gà, vịt để đãi
khách hàng, bà con trong tháng Tết (vì nhà bán thuốc Bắc rất đông khách đến
thăm) Ba má thích ăn bánh in nên Tết nào má và tôi cũng làm thật nhiều chứa
trong mấy thùng dầu hỏa. Thịt kho tàu, thịt thưng đủ loại 4, 5 chảo lớn. Bánh
chưng, bánh tét đầy nhà .Tôi nhớ nhất là những kỷ niệm với má khi những ngày cận
Tết ngồi canh nồi bánh chưng, bánh tét nghe má kể các chuyện cổ tích VN ,chuyện Tàu như chuyện:
Ông Táo , bà Táo, sự tích Bánh dày, Bánh chưng, Hoa Mộc Lan, Võ Tắc Thiên, Hai
Bà Trưng, Bà Triệu ,Trọng Thủy, Mỵ Châu, Lạc Long Quân và bà Âu cơ sinh ra 100
trứng v.v…( Sau này nhờ má thuyết phục ba, tôi mới được làm cô giáo Việt và làm
dâu “ Con Rồng cháu Tiên).
Má có cả một kho tàng cổ tích mà kể
hoài không hết. Là người Hoa má rất thích đọc sách Hoa lẫn sách Việt, chắc nhờ
vậy má giỏi tiếng Việt chăng ? Má không những giúp chúng tôi làm bài ở trường
mỗi ngày mà còn là thầy dạy ba tôi đọc thông, viết thạo Việt Ngữ nữa. Ngoài nói
và viết tiếng Hoa, tiếng Việt rành, má còn biết tiếng Pháp và sau này má còn
giỏi tiếng Anh nữa vì mỗi ngày, nhiều năm phải đi học Anh ngữ mới được chính
phủ Mỹ trợ cấp tiền nuôi con...
Thấy má quá vất vả nên tôi giúp má
mọi công việc trong gia đình. Chính nhờ được giúp má, được tôi luyện trong một
môi trường nhiều anh em nên sau này tôi rất thích trẻ em, làm việc với trẻ em
và trở thành một người vợ, một cô giáo tốt, dạy giỏi ở Canada, được hiệu trưởng các trường, phụ huynh và các em
học sinh mến phục…
Má thường dạy năm đứa con gái chúng
tôi : Phụ nữ phải : Công- Dung- Ngôn – Hạnh…Chung thủy…
Má dạy chúng tôi nhiều điều lắm nhất
là chuyện tìm hiểu nam nữ trong việc xây dựng gia đình nên sau này các chị em
tôi từ Hàn Ngọc Dung, Phương Thảo, Thùy Linh, Mai Chi và tôi đứa nào cũng dè dặt tìm hiểu đối tượng ít nhất là 7 năm trở lên. ( Riêng tôi và ông xã hơn 11 năm mới
cưới nhau) Năm người con gái của má đều có chồng rất hạnh phúc. Không biết có
phải nhờ chúng tôi áp dụng đúng lời má dạy hay số phần của chúng tôi may mắn
???
Ai nuôi con cũng biết, nếu con khỏe
mạnh thì còn đỡ nếu con tật nguyền hay bệnh hoạn, những khi “ trái nắng, trở
trời “ thì cha mẹ khổ gấp bội.
“Thương con thao thức
bao đêm trường , con đà yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao…” bài Lòng mẹ của Y Vân có nhiều câu thật đúng
với lòng thương con của má tôi. Mỗi lần các em đau má phải thức trắng đêm ngồi
bên cạnh để chăm sóc, luôn tay quạt, hát ru con ngủ. Má hát cả tiếng Hoa lẫn
tiếng Việt và giọng hát rất ngọt ngào.
Má thường hát bài : Cánh hồng Trung
Quốc : Kìa một nàng Trung Hoa , răng
trắng tinh như là ngà…
Bài: Lòng mẹ, Ơn nghĩa sinh thành ,Khúc ca ngày mùa …
Má hay đọc sách cho chúng tôi nghe khi ngủ ,hay ầu ơ bài : “Chiều
chiều ra đứng ngõ sau , ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều…”
Má khổ và đau buồn nhiều nhất là giai đoạn những đứa em mủm
mỉm , xinh đẹp như thiên thần của tôi : em Dũng, em Hạnh, em Út mất vì bệnh nặng không cứu chữa được, Má như
đứt đi từng đoạn ruột, ốm đi hàng chục cân dạo đó.
Làm mẹ ai cũng trải qua giai đoạn
mang thai, sinh con đau biết là chừng nào. Sinh hai đứa con, tôi đều được có
chồng bên cạnh chia xẻ giây phút đó, nhưng tôi chưa bao giờ tôi thấy ba kề cận
bên má lúc sanh con. Ít nhất là 7 lần, người dẫn má đi sinh em và nuôi má khi
nằm ở bệnh viện, là tôi . Tôi còn nhớ khi má sinh Ngọc Dung đứa em gái đầu tiên
của tôi vào đêm trăng mười sáu. Dưới ánh trăng tròn vành vạnh, tôi dắt má đi
qua đi lại trước sân nhà hàng trăm lần vì má đau bụng không thể nằm hay ngồi
yên. Không dẫn đi thì phải vuốt lưng cho má đỡ đau hàng chục giờ. Nhiều khi đau
quá quên, má bấm tay tôi muốn chảy máu mà tôi ráng chịu đau không dám rên… Má
rất thích có con trai. Mỗi lần ngồi bên giường sinh, phụ má “rặn “ nhìn má mồ
hôi nhễ nhại, mắt má đầm đìa nước mắt vì đau, tôi thấy tội má quá, khóc theo và
tự nhủ mai mốt lớn lên không thèm lấy chồng, sinh con.
Không biết tại sao má thích có con trai hơn
con gái (dù ba má có đến 8 trai, 5 gái không kể 1 em trai sinh non) Mỗi lần má
sinh mệt muốn đứt hơi mà nghe tiếng khóc đầu tiên của em bé má đều ráng ngóc
đầu lên nhìn và hỏi : “ con trai hay con gái ?“ nếu thấy “ thằng cu” má cười
mãn nguyện nếu em gái má nằm im. Có lẽ má sợ sinh con gái nó sẽ khổ như mình
chăng !?
Ba má tôi có quá
nhiều con, trái lại cô ba, chị kề ba tôi không có đứa con nào. Không biết bao nhiêu lần cô
dượng tôi năn nỉ má cho cô bớt vài đứa cho nhà cô đỡ hiu quạnh và thừa kế gia
tài của cô dượng khi về già, nhưng má thương con nhất định không chia cho cô
đứa nào. Phải chi cô nghèo hay ở xa, má sợ con nghèo đói thì không nói gì, đằng
này nhà cô cũng bán thuốc Bắc, giàu hơn nhà tôi và cô cũng ở cùng một con
đường, chỉ cách nhà tôi vài chục căn.
Khổ về con chưa đủ ,má tôi còn khổ
vì em chồng. Về làm dâu ông bà nội không lâu má tôi phải nuôi bốn người em
chồng: Cô Thâu, cô Phụng, cô Hiệp, chú Thọ vì ông bà mất sớm. Nghe mọi người kể
lúc đó chú Thọ, chú út của tôi còn nhỏ lắm, chú thường nằm chung nôi với anh
Lộc, anh đầu của tôi. Thương và chăm sóc em chồng nhỏ như con ruột, nên chú
thương chị dâu cũng như mẹ. Má tôi phải chịu không biết bao nhiêu khổ nhọc, để
cùng ba tôi nuôi bầy em chồng khôn lớn rồi gả chồng cho từng người. Những tưởng gả
chồng xong cho các cô là hết bổn phận để có thể rảnh tay nuôi bầy con đông đảo
của chính mình. Không ngờ các cô lấy chồng nghèo và làm ăn cứ thất bại liên miên
nên má tôi phải giúp các cô từ lần này đến lần khác. Bực mình, có khi các cô
đến nhà xin xỏ, ba đuổi cửa trước thì má tôi
rước vào cửa sau, dấu ba tôi giúp
các cô vốn liếng làm ăn, cho gạo, tiền. Má đối xử tốt với tất cả hàng xóm, láng
giềng và bên chồng nhưng cũng không tránh khỏi bị một vài em chồng nhỏ to nói
xấu, hành hạ, như cô Phụng. Má không để bụng sau này qua Mỹ dù ban đầu không dư
giả, má cũng thường xuyên gởi tiền về cho cô, cho đến khi cô mất cách đây mấy
năm. Có điều má tôi cũng được an ủi phần nào là cô Hiệp và chú Út tôi biết ơn
nên thương, không hùa theo các chị ăn hiếp má, và cô Hiệp có giúp đỡ má chăm
sóc chúng tôi khi cô còn độc thân.
Là người Hải Nam,Trung Hoa ba má
tôi sinh sống bằng nghề bán thuốc Bắc cũng khá giả nhưng sau năm 1975 trong việc đánh đổ “ Tư sản mại bản “ ba phải
ở tù …má lại phải lặn lội thân cò nuôi chồng và lo cho chồng …
Má muốn dẫn con ra nước ngoài với
cậu, chú tôi ở New York nhưng ba không bằng lòng. Không thể
lay chuyển được ba, nghĩ đến tương lai mù mịt của các con má tôi âm thầm một
mình suy tính, nhưng làm cách nào? Làm sao có đủ vàng để lo đi ? và làm sao má
dẫn hết một bầy con đông đảo như gia đình tôi đi? Đó là một bài toán khó má
không làm sao giải được? Má tôi càng
ngày một gầy hơn và nếp nhăn trên trán mỗi ngày một sâu hơn. Chúng tôi sống lây
lất qua ngày trong vô vọng như bao nhiêu người Việt khác lúc bấy giờ.
Rồi năm 1978 chính quyền cho phép
người Hoa chúng tôi ra đi . Má tôi lại phải một phen cực khổ đi vay mượn tất cả
bà con, bạn bè, bán hết tất cả những gì có trong nhà để có thể đóng đủ vàng cho
tất cả gia đình 14 người vượt biển bằng
tàu sau khi đã hiến hai căn nhà . Ra đi mà má và chúng tôi dầm dề nước mắt “ Thôi nhé giã từ ba ! giã từ
thành phố biển QN, giã từ trường cũ với một thời áo trắng mộng mơ, bạn bè, học
trò , tình yêu đầu đời trẻ dại, giã từ quê hương yêu dấu”, tôi thầm thì trong
màn lệ. Ngước mắt nhìn trời cao và nước biển mênh mông tôi nhớ lại một bài thơ
ông xã tôi đã tặng :
Nơi chân trời mây bạc,
Lơ lững cánh chim bay.
Đơn chiếc bay về đâu ?
Về chân trời góc bể ?
Nơi góc bể mờ sương
Một con thuyền lơ lững,
Đang trôi dạt mông lung
Trong buồng sương buốt lạnh
…………………………….
Với nỗi lòng xa cố quốc…
Má và tôi thẫn thờ, lo lắng: thuyền
chúng tôi có đến nơi được an toàn không? có bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp
không? có bị sóng gió đánh tan tành không? Chiếc thuyền nhỏ mong manh của chúng
tôi thay vì chứa năm, ba chục người họ nhét đến 154 người. Thuyền khởi hành vào
tháng 9 mùa biển động, bão lớn chúng tôi gặp nhiều hiểm nguy trùng trùng trong
suốt cuộc hành trình 30 ngày thay vì 3 ngày như dự định. Thức ăn, nước uống
mang theo chỉ đủ 3 ngày hay nhiều lắm là 1 tuần. Ai trên thuyền cũng bị say
sóng ói mửa tới mật xanh, mật vàng nhưng Má và tôi vẫn phải gắng gượng chăm sóc
các em, đói cơm , khát nước má phải ráng nhịn cho các con, hi sinh mọi thứ để
tất cả các con được an toàn. Trải qua bao nhiêu sóng gió hiểm nguy, may mắn
thay cuối cùng má đã bảo bọc cho các em tôi qua được Hồng Kông rồi định cư ở New York dưới sự bảo
lãnh của cậu tôi. Phần tôi tuy chung một danh sách bão lãnh với má và các em nhưng
số phận đưa đẩy qua Canada
thay vì Mỹ…
“ Mẹ tôi dạn
dày mưa nắng
Quên mình
trong bể trầm luân
Vun đắp bầy
con khôn lớn
Mặc tình
bao nỗi gian truân.” *
Một mình không biết một chữ tiếng
nước người, nuôi một bầy con dại ở New
York city , một thành phố văn minh bậc nhất nhì ở Bắc Mỹ
nhưng cũng nổi tiếng là hỗn tạp, nhiều tội
ác, trộm cắp… Má tôi đã chịu không biết bao nhiêu gian lao, khổ nhọc lúc ban
đầu để nuôi con. Cánh tay phải của má là tôi lại lưu lạc ở Canada thay vì ở bên cạnh để chia
sớt với người. Ba năm đầu chưa nhập tịch Canada tôi không thể qua thăm. Tôi
thương nhớ má và các em vô vàn. Đêm nào cũng thao thức, mỗi lần ăn cơm là chan nước
mắt khi nhớ lại những bữa ăn đông đảo, vui nhộn, đầm ấm ngày xưa. Mỗi lần phải
lặn lội trong tuyết để gởi con trước khi đi làm hay dắt con đi học tôi lại nhớ má và
không biết má có chịu nổi cái lạnh âm 20, 30 độ vào mùa Đông bên đó không ? Làm
sao buổi sáng hay chiều má có thể đưa đón hàng chục đứa em đi học ? Ai sẽ giúp
các em làm homework ở nhà nếu má không biết tiếng Anh ? Ngọc Dung thường gởi
thư “báo cáo” tình hình bên NY nếu tôi không phôn qua. Nhiều lần nó tâm sự :
“Em nản quá chị P. ơi ! ngày nào vô lớp học em cũng không hiểu cô, thầy dạy nói
gì ? nên em viết thư cho chị thay vì viết bài. Tháng này, tháng kia sinh nhật của Thảo, của
Linh, má không có tiền mua quà cho nó
nên má phải nhận quần áo về cắt chỉ để thêm thu nhập”… Khi đã chính thức trở thành công dân Gia Nã Đại việc đầu tiên
của tôi là bay qua thăm má và các em. Tôi không cầm được nước mắt khi thấy má
mỗi tối phải thức thật khuya đến 1, 2 giờ sáng ngồi ráp bông tai , đập, ráp ống son môi mỗi
thùng hàng ngàn cái mà chỉ được trả 10, 20 đô…
Thật ra là “single mother” má tôi
được chính phủ cho tiền ăn, tiền nhà và quần áo cũ của các cơ quan từ thiện
cũng tạm đủ ăn, đủ mặc nhưng muốn có thêm tiền giúp đỡ các cô, bà con ở quê nhà
, hoặc muốn sắm thêm cái áo ấm, đôi giày bốt mới chống lạnh … cho các con má
tôi phải nhận đồ thêm ở các hãng xưởng về nhà làm với giá rất rẻ mạt…Mỗi lần má
hay các em bệnh hoạn phải đi bác sĩ, phải liên lạc với nhà trường vì việc học
của các con, vì các em bị tụi Mỹ kỳ thị, hiếp đáp má tôi rất khổ tâm vì không
rành tiếng Anh…Bên cạnh má còn rất cô đơn và thiếu thốn tình yêu của ba vì
không liên lạc với chồng…
Đó chỉ là
một vài cái khổ mà tôi đã thấy mỗi lần viếng thăm, má còn khổ và hi sinh cho
con nhiều thứ nữa mà ở xa tôi không biết được, mà có biết cũng làm sao giúp
được vì cuộc đời lưu vong của tôi cũng khốn khổ gần như má.
Vậy mà, thời gian như một phép lạ ! Má tôi đã vượt qua mọi khó khăn, trở
ngại nuôi tất cả các con khôn lớn thành tài, trở thành những công dân tốt của
nước Mỹ giữa thành phố New York, ở khu
da đen, nơi nổi tiếng về đầu trộm, đuôi cướp, sì ke ma túy, đĩ điếm …gần như
bậc nhất trên thế giới. Hai đứa em nhỏ nhất lúc ra đi mới 3 , 4 tuổi là hai em
mà má lo cho tương lai tụi nó nhất là Mai Chi đã thành Dược sĩ, còn út Huê Định đã trở
thành Kiến trúc sư.
“Lòng mẹ bao la bát ngát,
Thương con rộng tựa biển khơi.
Ơn dày biết sao đền đáp ?
Đêm ngày ray rức trong tôi.” *
Chúng tôi có được ngày hôm nay là nhờ công ơn của má. Chúng con rất biết
ơn, kính yêu má ! Cám ơn má ,“ Người Mẹ Tuyệt Vời Của chúng con’”
“Uống
nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu,
Công
cha như núi Thái sơn , nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…”
Bài hát ” Ơn nghĩa sinh thành” năm
nao má tôi hát cho chúng tôi nghe vẫn còn vang vọng bên tai tôi. Mỗi năm khi
dạy các Lớp Việt Ngữ ở Canada
về chủ đề: “Gia đình”, chủ đề : “Mẹ”, tôi vẫn thường dạy học trò và con tôi hát
bài này khi có dịp…
Tiếng người tiếp viên hàng không
loan báo phi cơ sắp hạ cánh xuống phi trường LaGuardia , New York
đưa tôi về thực tại… Nhìn những đám mây trắng, bạc trở nên vàng dưới ánh nắng
chiều, rồi trở thành xám, đen trong hoàng hôn, trong đêm tối theo lẽ tuần hoàn
của trời đất . Đời người cũng vậy : sinh, lão, bệnh, rồi...tử. Vẫn biết thế
nhưng sao tôi vẫn muốn má sống hoài với chúng tôi. Mỗi lần lễ Vu Lan các chùa
bên này tổ chức tôi thường đưa các con tham dự và sung sướng được cài một bông
màu hồng lên áo.( tôi vẫn còn giữ hơn ba chục hoa vải lẫn hoa thật đã khô) .Bây
giờ má tôi đã bắt đầu khó tánh và hay mè nheo con cái vì lẫn (?) vì tủi phận
mình, vì các con đã đủ lông cánh lần lượt bỏ mẹ bay đi... Chợt nghĩ đến tuổi
già, bệnh hoạn của má mà tôi lo lắng …
“
Mẹ già như chuối chín cây,
Gió
lay Mẹ rụng , con phải mồ côi.”
Các em ơi ! Hãy nhớ mẹ đã ban cho
chúng ta tấm hình hài này, đã hi sinh rất nhiều cho chúng ta, nuôi dưỡng chúng
ta khôn lớn với muôn vàn khổ cực… Hãy thương mẹ, hãy ôm mẹ và nói thương mẹ như
khi ta còn bé. Đừng trách mẹ khi mẹ già lú lẫn, làm phiền hay trách móc các em
những điều gì đó không đúng. Hãy làm những gì có thể làm được khi mẹ còn sống. Đừng để người mất đi rồi mới hối
tiếc thì đã muộn. Lúc đó, mâm cao, cỗ đầy cúng kiến thì cũng chẳng ích lợi gì…
Xin mượn câu cuối của một bài thơ
mà tôi đã đọc được đâu đó trong một ngôi chùa để kết thúc bài viết, để nhắn nhủ
các anh em tôi và những ai còn mẹ :
“Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc ,
Đừng
để buồn lên mắt Mẹ nghe không !”
Hàn Diệu Phương
* Mẹ tôi – Thầy Trần Văn Dật
Một số hình ảnh DP chụp với Mẹ lúc ở quê nhà , với Mẹ và các
anh em ở đảoHồng Kong 1978, với ông xã và con trai 1979 ( trại tị nạn ) và nước ngoài …
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét