Lệ Thu.
Mỗi lần gặp lại một người bạn nào đó
mà có một thời từng học dưới mái trường Sư Phạm Qui Nhơn, lòng tôi không khỏi
bồi hồi, dâng trào cảm xúc. Nhớ ơi là nhớ…Nhớ lại một thời thật dễ thương, thật
đẹp…và lại nhớ cả cái “duyên may” đã đưa đẩy tôi đến với ngôi trường Sư Phạm mến
yêu này.
Ngày ấy tôi chỉ là cô học sinh thi rớt
Tú Tài hai, buồn và chán đời vì con đường vào đại học trước mắt tôi dường như đã
khép lại. Thấy tôi u uẩn quá! Nên ba má tôi hướng tôi thi vào trường Sư Phạm
Qui Nhơn. Tôi vâng lời vì không còn có sự lựa chọn nào khác.
Dạo đó, Quảng Ngãi và Bình Định là hai
tỉnh sát liền nhau nhưng do chiến tranh bùng phát mạnh nên đường bộ bị gián
đoạn không đi được. Vì vậy, tôi phải ra Đà Nẵng để đi máy bay vào Qui Nhơn thi.
Trưa hôm đó, tôi tạm biệt gia đình rời xa Nghĩa
Điền-Tư Nghĩa ( Nay đổi là Quảng Phú-Quảng Ngãi) để đến Đà Nẵng. Tôi ở lại một
đêm. Sáng hôm sau tôi đến sân bay. Trong khi chờ thì nghe tin báo rằng chuyến
bay bị hủy phải dời sang ngày mai. Mà ngày mai là ngày tôi phải thi rồi cho nên
tôi vội vã đến ngay quầy điều hành của Air Việt Nam tại sân bay trình bày và
trình giấy đi thi Sư Phạm. Cuối cùng, họ giải quyết cho tôi đi chuyến bay ngày
hôm đó.
Máy bay hạ cao độ đáp xuống phi trường
Qui Nhơn. Từ trên cao, tôi đã nhìn thấy biển xanh, hàng dừa, hàng dương rồi nhà
cửa hiện rõ từ từ qua ô cửa.
Thị xã Qui Nhơn dạo đó nho nhỏ xinh
xinh như cô gái yểu điệu nép mình bên biển xanh hiền hòa thật dễ thương và cũng
thật là êm đềm.
Tôi đến thẳng trường để xem danh sách thi.
Thật bất ngờ ngôi trường Sư Phạm quá đẹp, quá to lớn bề thế. Xung quanh trường
có những hàng dương liễu vi vu cùng gió biển. Cổng trường cao rộng. Trường gồm
hai dãy lầu với những hàng lang chạy dài. Những cây sứ nở đầy hoa thơm lừng,
những hàng hoa giấy đủ màu đỏ, cam, trắng, tím…đang đung đưa khoe sắc. Nhìn
phong cảnh xung quanh và bên trong ngôi trường là tôi đã thấy thích vô cùng và
ước mong sao mình được đậu để vào học ngôi trường này.
Buổi sáng thi viết, buổi chiều thi vấn
đáp, bài làm tương đối tạm ổn nhưng tôi vẫn thấy lo lo trong lòng. Rồi tôi quay
trở lại quê nhà chờ kết quả.
Và thật là vui mừng khi tôi đã đậu vào
trường Sư Phạm. Khấp khởi trong lòng, tôi khăn gói từ biệt gia đình lên đường
đi học xa.
Lần này, theo các bạn tôi đi ghe vào
Qui Nhơn. Khi xuống bến ghe không hiểu hấp tấp như thế nào mà tôi bị “trượt
chân” rớt “tủm” xuống nước vẫn một tay xách vali một tay xách giỏ mây, ướt lói
ngói như chuột lột…
Tính tôi hay tin vào những “điềm” xảy
ra nên nghĩ không biết trượt ngã như thế này có báo trước điều xấu cho việc học
hay cho cái nghề mà mình đã chọn hay không nhỉ???
Cũng như bao bạn khác ở từ các nơi xa
đến đây, tôi ở nội trú để học. Nội trú đầy đủ tiện nghi. Môi trường xung quanh
sạch đẹp thoáng mát…và ngày tháng ở đó tôi vui chơi, học hành bên bạn bè thân
quen. Những buổi chiều dạo biển hay
những ngày cuối tuần theo các bạn ở ngoại trú ra nhà chơi.
Lớp tôi, các bạn nữ thùy mị, duyên
dáng. Tôi thích tính tình các bạn nữ vì các bạn đối xử với nhau rất thân tình.
Các bạn nam thì hiền lành, ít nói…Có một điều đặc biệt là hồi đó các bạn nam
thường xưng hô gọi các bạn nữ bằng chị, nên tự dưng tôi thấy mình lớn hẳn và
làm “chị” thiệt đó nghen.
Trong lớp có một bạn nam, bạn ấy
thường giúp đỡ tôi rất nhiều trong những giờ học Toán Học Ứng Dụng hay những
lúc đi Thực Tế của môn Giáo Dục Cộng Đồng và còn nhiều nhiều nữa…nhưng chẳng
thấy bạn ấy nói gì? Hay thổ lộ tình cảm gì cả?
Bốn mùa trôi qua! Mưa, nắng, lạnh,
nóng…ngày tháng cứ chầm chậm trôi đi. Hết năm thứ nhất đến năm thứ hai, chúng
tôi đi thực tập rồi thi ra trường…vội vàng chọn nhiệm sở cũng như hăm hở lên
đường đi dạy. Chưa bình tâm lại thì Mùa Xuân 75 đến như một cơn lốc cuốn tất cả
ra xa…
Do lý lịch tôi không được đi dạy lại.
Nhiều khi buồn buồn nằm gác tay lên trán tôi thấy cú “trượt chân ngã” ở bến đò,
ngày đầu tiên vào Qui Nhơn học nghề giáo báo hiệu thật đúng nhưng mà ngày ấy
tôi gượng đứng dậy để vui học, sao nay mình lại khuất phục? Thế rồi bằng mọi
cách tôi đến Phòng Giáo Dục nộp đơn xin đi dạy lại. Hết lần này lại lần nọ
nhưng không được. Tôi nộp đơn xin đi học lại Sư Phạm ở Quảng Ngãi và năm 78 tôi
được đi dạy ở Tịnh Thiện huyện Sơn Tịnh.
Tôi yêu nghề giáo, yêu trường, yêu lớp… tận tụy với
học sinh. Tôi hăng say dạy học. Trường phân công đảm nhận Phụ Trách Đội tôi cũng
nhận. Tôi tâm nguyện rằng sẽ làm bất cứ công việc gì và làm rất nhiệt tình với
sức trẻ của mình miễn sao mình được đứng trên bục giảng.
Phải nói rằng thời gian đi dạy học là
khoảng thời gian có ý nghĩa nhất đối với tôi. Hàng ngày đến lớp giảng dạy, chấm
bài vui chơi bên học sinh. Tôi thường kể cho các em nghe về ngôi trường Sư Phạm
Qui Nhơn, về các tiết mục văn nghệ của lớp tôi hay về chuyện bạn bè tôi, chuyện
vui lẫn chuyện buồn…Các học sinh của tôi thích lắm! Hình như chúng nó cảm xúc
theo giọng kể say sưa hay nghẹn ngào của tôi… Và cứ thế tôi lần lượt kể hết
chuyện này đến chuyện nọ của hai năm học…
Dạo đó, tôi vui lắm! Tôi không màng mọi chuyện xung
quanh, tôi dường như quên đi hết mọi khó khăn, gian khổ, nghiệt ngã của thời
bao cấp ở Quảng Ngãi lúc bấy giờ.
Cuộc sống tưởng chừng như êm trôi
nhưng năm 1980, tôi lập gia đình và một lần nữa vì cuộc sống tôi phải rời xa
bục giảng, từ biệt học sinh và mái trường…lần này là cú “trượt ngã” thực sự đưa
tôi rời xa nghề giáo vĩnh viễn…
Từ đó đến nay đã trải qua mấy chục năm, bây giờ tuổi
đã cao nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng trống trường vang lên hay đi ngang qua một
trường Tiểu Học thân thương nào đó thì nỗi nhớ lại dấy lên trong lòng tôi.
Những kỷ niệm dấu yêu một thời lại hiện ra trong tôi. Nhớ ơi là nhớ! Nỗi nhớ
không bao giờ nguôi…và lúc nào tôi cũng ngoái đầu nhìn lại và rồi hình ảnh lớp
học, bảng đen, bục giảng…và những khuôn mặt của những học sinh thân yêu lại
hiện rõ mồn một trong tâm trí tôi như những sợi dây len nhiều màu sắc mềm mại
níu tôi về lại với tuổi thanh xuân đẹp đẽ, đầy nhiệt huyết và lý tưởng của thời
còn đi học ở trường Sư Phạm…
Năm nay, tôi gặp lại bạn bè lớp tôi
sau gần 40 năm xa cách. Chúng tôi mừng lắm ! Tâm sự cùng nhau bao nỗi nhớ…Rồi
cùng hẹn nhau một ngày về.
Tôi sẽ trở về Qui Nhơn thăm lại trường xưa và gặp bạn
bè cũ dấu yêu của một thời.! Để thỏa lòng mong nhớ bấy lâu nay.
Đồng Nai, tháng hai 2013.
Lệ Thu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét