Phú Yên tỉnh lẻ, quê nghèo…Suốt bảy
năm học trung học, tôi đều học ở Tuy Hòa, trường ốc lẹp xẹp. Lên đến lớp 12 năm
cuối Trung học đệ nhị cấp tôi mới được học trường lầu Nguyễn Huệ mới. Trường có
khoảng mười phòng học hai tầng, tôi đã cảm thấy là to lớn lắm rồi. Đậu Tú tài
phần hai, thi và tôi trúng tuyển vào trường Sư Phạm Qui Nhơn năm 1972.
Đến ngày, chúng tôi sửa soạn hành
trang, khăn gói lên đường nhập học. Trường sừng sững tọa lạc bên bờ biển Đông,
ngày đêm nghe tiếng sóng vỗ rì rào, hòa với gió biển vi vút qua hàng phi lao
tạo nên một bản hòa tấu, bài ca muôn thuở của biển.
Bước vào cổng trường tôi không khỏi
choáng ngợp trước một khung cảnh hùng vỹ. Một ngôi trường rộng lớn thời ấy, các
dãy lầu ba tầng ngang dọc. Đặc biệt là các lối đi nối kết các dãy phòng học và
khu làm việc đều có mái che bằng bê tông vững chắc. Sau khi làm thủ tục xong,
men theo lối đi dẫn về khu nội trú. Một lần nữa chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng
khi bước chân vào nội trú. Khu này được thiết kế gồm ba tầng, khuôn viên hình
chữ nhật khép kín, ở giữa là một sân cỏ rộng chỉ có một cổng ra vào.
Tôi được xếp ở phòng 215B cùng với
Huỳnh Kim Thạch, Nguyễn Văn Thái cùng lớp và Nguyễn Ngọc Hồng lớp nhất 3. Tất
cả đều cùng quê Phú Yên.
Năm hai, tôi và Huỳnh Kim Thạch chuyển
qua phòng 215A ở cùng với Ngô Văn Gẩm nhị 2 và Mạch Văn Chỉnh nhị 1. Phòng 215B
có thêm Huỳnh Thanh Tuệ khóa 12 và Lê Đình Hòa nhị 10. Cả 8 chúng tôi đều quê ở
Phú Yên.
Lần đầu xa nhà trước sự “hoành tráng”
của ngôi trường mới đã mang đến cho chúng tôi sự choáng ngợp pha lẫn thích thú.
Rồi trong thời gian ngắn cùng với các bạn đồng hương tôi hòa nhập với cuộc sống
nội trú rất nhanh.
Ổn định chỗ ở, các phòng nội trú còn
thừa rất nhiều, nhất là ở tầng ba. Chúng tôi tìm phòng trống nào có cái nệm tốt
nhất thì đem về phòng mình đổi, trang bị cho giường nằm của mình. Bóng đèn nào
còn mới, sáng cũng gỡ xuống để đổi.
Gắn bó với tôi là các bạn cùng quê.
Chúng tôi coi nhau như anh em trong gia đình. Sau này, mình có nhiều bạn khác ở
các tỉnh khác nữa, vui lắm. Người đời thường nói : “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học
trò”, đố có sai. Mỗi khi về quê, Thạch thường hay đến nhà tôi để lấy tiền chi
tiêu hàng tháng giúp tôi. Lần nào Thạch cũng nói với má tôi rằng :
-Thằng Cả (tên cúng cơm của tôi) ở
ngoài đó, nó bị bệnh hoài bác ơi! (Nhờ trời tôi vẫn mạnh khỏe và học tốt, hic…)
Chỉ cần một câu đó thôi, y như rằng Má
tôi cuống quýt cả lên, thay vì gửi 5 ngàn thì lại gởi 10 ngàn kèm theo nhiều
thức ăn ngon. Để rồi khi Thạch trở ra, cả lũ lại được một bữa ngon miệng kèm
theo những tiếng cười pha trò của lũ bạn chọc nhau, khuyến khích lần sau chỉ
nên để cho mỗi thằng Thạch về nhà xin tiền thôi…
Trong phòng chỉ mình tôi là có tính lo
xa. Mỗi khi mà tôi nói với các bạn là tôi hết tiền rồi thì cũng có nghĩa là trong
người còn ít nhất mười ngàn (tương đương với một lượng vàng). Bây giờ gặp lại
nhau, các bạn vẫn nhắc về điều này và còn nói ngày đó biết vậy nên các bạn
không phải lo.
Ngoài những giờ học, thời gian rảnh
rỗi chúng tôi cũng có những buổi cùng nhau đi ăn vặt. Gần Chợ Lớn Qui Nhơn, dọc
theo các đường phố có nhiều quán chè rất là hấp dẫn. Bách bộ đã mỏi, chúng tôi
ghé vào một quán. Những ly và chén chè đã được múc sẵn xếp ngay ngắn trong tủ
kính. Ăn thì còn gì để nói nữa đâu? Chúng tôi bèn cá độ với nhau : Đứa nào ăn
ít nhất thì phải trả tiền. Thế là đứa nào cũng cố ăn! Tôi cố gắng lắm cũng chỉ
được 6 chén rồi đến Hồng Trứ, Thạch, Thái…Khỏi phải nói, người trả tiền lại là
tôi! Tuy trường ở xa nhưng nhờ những lần cá độ đó mà chúng tôi cũng thường
xuyên đi…Chúng tôi còn là khách hàng thân thiết ở các điểm bán yauor của khu
trường Kỹ Thuật nữa.
Trong trường, ở tầng trệt có những
phòng thiết kế rộng, trong đó trang bị mấy bàn ping pong với những cánh cửa có
thể giúp chúng tôi trốn ra ngoài thay vì qua cổng chính nội trú bị đóng sau 8
giờ đêm, đó cũng là vị cứu tinh cho những anh chàng đi chơi khuya về bị nhốt ở
bên ngoài. Nội quy Nội Trú rất khắt khe đóng cửa theo giờ quy định. Học bài
cũng đã xong mà không có việc gì làm, chúng tôi rủ nhau cạy cửa trốn ra ngoài
xuống câu lạc bộ mua thuốc hút. Khi hết tiền cả lũ lại thi nhau bắt dế (đuôi
thuốc hút) ở gầm giường, dưới chiếu hay bất cứ ở đâu chúng tôi để dành được.
Cũng có khi là nửa điếu, cũng có khi chỉ có vài hơi…để ngồi lại với nhau, bật
lửa lên cùng nhâm nhi những hơi thuốc ít ỏi sau những giờ học căng thẳng…
Thời giáo sinh, chúng tôi viết thư rất
nhiều, không phải để thăm hỏi người nhận thôi đâu? Mà mong nhận thư hồi âm là
chính. Trong phòng chúng tôi có một quy định bất thành văn là có thư phải đọc
tập thể, dù đó là thư nhà hay bạn hoặc người yêu…
Tôi còn nhớ, là cứ sau giờ cơm trưa về
đi ngang qua Phòng trực, nếu có thư nhận xong. Khi về phòng, ai về giường đó
nằm, cử ra một người đọc rồi cả phòng bình luận. Nếu chỗ nào vui là tất cả phá
ra cười. Đoạn nào lâm ly hay ngô nghê thì bắt đọc lại một hay hai ba lần…
Giờ này thì tôi chẳng ngại ngần gì
nữa, đành thú thật rằng là cả bốn chúng tôi, lúc đó đều có bồ (bạn gái). Trong
số những bức thư đó, có những bức thư nét chữ bay bướm, lời thư chau chuốt,
tình cảm tha thiết…Trái lại, cũng có những bức thư được chủ nhân nắn nót viết
từng chữ lời lẽ mộc mạc nhưng thể hiện tình cảm rất nồng nàn. Có ngày phòng bốn
đứa mà nhận được tới hơn mười lá thư của nhiều cô khác nhau. Người nhiều “bồ”
nhất là HKT, sau đó mới tới tôi.
Khi trong một ngày mà một người nhận
vài bức thư thì rất nhiều chuyện để bàn; từ so sánh nét chữ tới so sánh nội
dung. Sau đó, còn mang ảnh các nàng ra bình phẩm. Để phân biệt các nàng, chúng
tôi bắt đầu đặt tên cho các mối tình. Đơn cử là tôi có một mối tình “chính quy”
và cô nàng rất xinh. Mỗi khi về quê, tôi hay chở nàng bằng chiếc xe Mobylet,
nên mối tình này mang tên : Mối tình Mobylet. Trong phòng còn một mối tình
“chính quy” của HKT được đặt tên là Mối tình Y Tá ( do cô này là y tá )…và cũng
chỉ duy nhất mối tình Y Tá của HKT là đi
tới đích còn lại đều theo gió thoảng mây bay.
Còn chuyện lần đầu xa nhà muốn tập làm
người lớn thì vô vàn chuyện của mấy ông mới lớn muốn làm đàn ông. Điển hình là
chuyện tập uống rượu. Mặc dù nội quy là cấm nghiêm ngặt! Một hôm, Nguyễn Ngọc
Hồng lén lút mua về hai chai rượu không có mồi. Bốn chúng tôi đóng cửa phòng
lại uống chưa hết một chai, NNH đã say bí tỉ rồi ói ra đầy phòng, ba thằng tôi
còn lại chưa kịp say mà thật ra cũng không dám say để mà lo giải quyết hậu quả
của NNH, thằng thì lo leo lên nóc nhà dấu chai rượu, thằng thì lo dọn phòng,
thằng thì lo thay quần áo cho NNH…xong xuôi đâu đó thì cũng tỉnh luôn. Giờ này
anh Dũ (Quản Đốc Nội Trú Nam )
có biết cũng không thể truy phạt được nữa rồi!
Đến giờ này tuổi đã ngoài 60 hết rồi,
không biết chúng tôi đã nấu giúp vợ được mấy nồi cơm??? dù bếp ga hay bếp củi,
nhưng hồi ở nội trú thì nấu cơm giỏi vô cùng. Chỉ bằng hai cái vỏ lon guigo là
chế được: một cái bếp dầu, một nồi nấu cơm. Mà phải nấu trong tủ quần áo. Vừa
nấu, vừa canh anh Dũ vì sợ bị bắt thì sẽ bị trừ điểm hạnh kiểm.
Còn chuyện “con ma nội trú” thì những
ai sợ ma, chắc không thể quên được. Anh bạn cùng lớp với tôi tên Nguyễn Tài quê
Quảng Ngãi ở phòng 207 cùng với LVD và NVĐ lớp nhị 2. Biết được LVD sợ ma! Nên
cứ tối tối, Tài lại kể những chuyễn ma rùng rợn suốt mấy ngày liền. Rồi một hôm
nọ, khoảng một giờ sáng, Tài lấy tấm ra giường trắng trùm lên đầu, cắm thêm ba
cây nhang. Sau đó, lấy ca nước tạt lên mùng cho LVD tỉnh dậy. LVD mắt nhắm mắt
mở, mớ ngủ chưa hiểu chuyện gì thì thấy “con ma”, LVD hét lên!!! Các bạn khác
đã được Tài thông báo trước nên vùng dậy chạy hết. Còn mình LVD kẹt lại! Bạn ấy
quá sợ nên la hét vang cả khu nội trú nam. Anh Dũ nghe la hét, vội xách súng
lên giải cứu. LVD mới thoát khỏi “con ma” Nguyễn Tài.
Ở nội trú thiếu thốn về vật chất nhưng
bù lại chúng tôi có rất nhiều kỷ niệm vui buồn. Chúng tôi biết yêu thương, lo
lắng, chăm sóc cho nhau. Mỗi khi ai đó bị bệnh, chúng tôi hết lòng chăm lo,
quan tâm, thương nhau nhiều hơn như người thân trong gia đình…để rồi mỗi khi
nhớ lại, lòng tôi lại thấy ấm áp vô cùng.
Để bảo vệ trường học, tránh kẻ gian,
nhà trường tổ chức trực đêm. Trong trường có tất cả 22 lớp. Có 2 lớp Mẫu giáo
toàn là nữ nên được ưu tiên. Ngoài ra, những lớp có nam phải chia nhau trực
đêm. Một tối nọ, lớp tôi trực, Trần Hiền Tuấn được chia giữ khẩu Trung liên.
Không hiểu anh chàng ngủ quên mơ thấy gì? Mà chân thì gác lên báng súng, tay
thì để lên cò súng, giật mình bóp cò, súng nổ vang trời. Rất nhanh chóng, chúng
tôi tập trung lại, sẵn sàng đợi lệnh! Khi hiểu ra mọi việc, cả lũ được một trận
cười chảy nước mắt. Vậy là tối đó, cả phòng ngồi bên nhau không ngủ nói chuyện
đến tận khuya…
Nghịch hơn nữa là trong nội trú nền
được lát gạch men nên các bạn cứ bỏ dép đi chân không từ phòng này qua phòng
khác để chơi. Khi về, lại mang dép của bạn về. Sáng ra, có rất nhiều phòng la
toáng lên vì mất dép. Xuống cổng nội trú lại thấy mấy chục đôi dép được xếp
thành hàng ngay ngắn và treo bảng bán đấu giá, ai mất thì phải chuộc lại. Rất
giận! nhưng rồi các nạn nhân cũng phì cười trước trò tinh nghịch rất trẻ con
của chúng bạn.
Đặc biệt hơn nữa! Một phi vụ mà không
ai dám nhận mình là người bị hại?! Đó là vụ ĐTĐ! Trong đợt cả trường đi du
ngoạn ở Cù Lao Xanh. Trong trò chơi giật cờ, trong lúc hỗn loạn, hai bên nam nữ
tranh nhau cướp cờ! Không biết vô tình hay cố ý?! Cô nàng đã “lỡ tay” bóp “của
quý” của ai đó trong lớp Nhị 6. Chúng tôi nghe một tiếng la thất thanh nhưng
sau đó ổn định lại thì không biết là ai? Tới giờ mỗi khi nhắc lại, nhóm nam
chúng tôi cười vỡ bụng! Người này chỉ người kia nhưng không ai nhận là mình bị
… nên chắc là “sống để dạ, chết mang theo”.
Cũng không thể không nhắc đến nội trú
vào những ngày hè nóng bức, nóng không thể tả được. Ở mỗi góc cầu thang khu nội
trú có những bậc thang bằng sắt dùng làm lối đi tắt lên sân thượng. Cứ tối đến,
chúng tôi lại rủ nhau trốn lên đó, kèm theo nước và cơm sấy để… học bài. Tâm
trạng thấp thỏm vì sợ bị phát hiện nhưng bù lại chúng tôi đã có riêng cho mình
một không gian yên tĩnh để học, để suy nghĩ vẩn vơ và để tán dóc…
Cuối cùng, Duy chỉ có vấn đề vệ sinh
là hơi bất cập. Ở nội trú thì ai cũng biết, lần đầu vào đi vệ sinh, bỗng thấy
có vật gì rơi nhè nhẹ, nhột nhột trên đầu. Giật mình nhìn lên thì một giọt nước
kế tiếp theo chu kỳ sắp rơi xuống…Chả là thế này, hệ thống nhà vệ sinh là những
ống kim loại, lâu ngày bị gỉ nên…ngồi tầng dưới nhìn lên thì thấy con thỏ tầng
trên ngay trên đầu mình. Đào Thế Vượng lớp nhị 10 có một vài câu hát có tiết
tấu vui:
Từ ngày vô
nội trú,
Gặp một ông
tên Dú
Hét tôi! Hét
tôi!
Cớ sao mà
hôi?
-Vì cầu tiêu
bay hơi…
(Dú là anh Nguyễn Dũ, Quản đốc nội trú
nam).
Đó là vấn đề chúng tôi chịu đựng suốt
hai năm học, có khổ không chứ?!
Nói đến cuộc sống nội trú, chúng tôi
mỗi người giữ những kỷ niệm cho riêng mình. Để rồi giờ đây, mỗi khi vợ chồng
HKT về Phú Yên, lại họp mặt, lại cùng nhắc những kỷ niệm xưa và cùng nhau cười
vui như lúc còn ngồi ở giảng đường Sư Phạm. Những chiếc đầu bạc nay đã bạc thêm
nhiều lắm rồi! Nhưng những buồn vui ngày ấy không bao giờ phai trong lòng chúng
tôi. Chúng đã là hành trang mà chúng tôi mang theo trong tâm hồn suốt quãng đời
mình.
Cám ơn những kỷ niệm đẹp! Cám ơn những
vui buồn nội trú! Cám ơn mái trường Sư Phạm Qui Nhơn!
Thảng/2013.
Lê
Tự Tín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét